Loại bỏ u tuyến giáp khổng lồ gây chít hẹp khí quản

Phát hiện bướu giáp khoảng 15 năm trước nhưng không điều trị, bệnh nhân Lường Thị N (57 tuổi, dân tộc Thái ở Thuận Châu, Sơn La) phải đối mặt với việc bị đe dọa tính mạng do u tuyến giáp khổng lồ gây chít hẹp khí quản.

Cách đây hai năm Lường Thị N đã được các bác sĩ phẫu thuật lần đầu tiên cắt bỏ một phần tuyến giáp và bảo tồn phần còn lại. Sau mổ khối u to phát triển nhanh gây chèn ép, khó thở, khó nuốt bệnh nhân được phẫu thuật lần hai nhưng không thành công. Bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương điều trị, do tình trạng viêm phổi nặng bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Phổi Trung ương và sau đó được chuyển tiếp tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

BSCKII Nguyễn Tiến Lãng, Trưởng khoa Ngoại Chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng do viêm phổi, đường thở thường xuyên bị tắc nghẽn do dịch tiết, có những khi bão hòa ô-xy xuống quá thấp bệnh nhân tím tái phải cấp cứu, nếu không được khai thông đường thở kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong. Kết quả CT Scaner và nội soi tai mũi họng cho thấy đoạn 1/3 trên khí quản bị hẹp. Hai thùy tuyến giáp có nhiều nhân lớn, vấn đề gây mê và phẫu thuật là rất khó khăn do khối u lớn gây chèn ép. Bên cạnh đó việc bệnh nhân đã phải trải qua hai lần phẫu thuật làm cho tuyến giáp dính nhiều vào các tổ chức xung quanh như cơ, khí quản, động mach cảnh, thần kinh...

"Trong quá trình điều trị ngoài việc chăm sóc tại chỗ, bảo đảm lưu thông đường thở, ổn định các chỉ số sinh tồn, dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao thể trạng, bệnh nhân còn được chúng tôi thăm khám tỉ mỉ, đánh giá đầy đủ các chức năng sống và đánh giá tình trạng tại chỗ thật chi tiết để đưa ra chỉ định và thời điểm phẫu thuật phù hợp nhất", BS Lãng cho hay.

Bệnh nhân đã được mổ lần thứ ba để cắt lại toàn bộ tuyến giáp. Ca phẫu thuật do BS Nguyễn Tiến Lãng và kíp mổ, kíp gây mê do BS Nguyễn Thành Trung cùng các kỹ thuật viên gây mê hồi sức thực hiện. Sau mổ năm ngày bệnh nhân đã tự ăn, tự thở và tự chăm sóc bản thân mà không cần hỗ trợ của người thân.

Cũng theo BSCKII Nguyễn Tiến Lãng, tuyến giáp là tuyến nội tiết rất quan trọng đối với cơ thể. Hormon tuyến giáp có vai trò lớn trong chuyển hóa, điều hòa sự trao đổi chất cơ bản, tham gia vào quá trình điều hòa sự tăng trưởng và sự phát triển của hệ thần kinh, tăng độ nhạy cảm của cơ thể với Catecolamin. Cùng với đó các Hormon tuyến giáp rất cần thiết cho sự phát triển và biệt hóa với tất cả các tế bào trong cơ thể con người.

Hiện nay, u tuyến giáp lại là một bệnh rất phổ biến. Theo dữ liệu từ nghiên cứu Framingham (2014), tại Mỹ các nhân tuyến giáp có thể sờ thấy chiếm khoảng 4% dân số nhưng các nhân không sờ thấy có thể tồn tại trong 67% dân số. Các nhân như vậy thường được tìm thấy ngẫu nhiên khi sử dụng các phương thức chẩn đoán hình ảnh trong các cơ sở y tế. Phần lớn các nhân tuyến giáp đều lành tính, nhân có nguy cơ bị ung thư chiếm từ 5% đến 15%.

Cũng theo BSCKII Nguyễn Tiến Lãng, phẫu thuật được thực hiện với những trường hợp bệnh nhân có bướu kích thước lớn làm biến dạng cổ, ảnh hưởng tới thẩm mỹ, bướu gây chèn ép đường ăn, đường thở và tất cả các bướu có nhiều nhân ở cả hai thùy tuyến giáp đặc biệt, những bướu cá nhân ung thư hóa, nhiều nhân ở cả hai thùy tuyến giáp. Bệnh nhân ung thư tuyến giáp kèm theo những yếu tố nguy cơ cao cần được chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp ngay từ lần phẫu thuật đầu tiên. Một số trường hợp khác có thể phẫu thuật bảo tồn.

TRẦN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/38365102-loai-bo-u-tuyen-giap-khong-lo-gay-chit-hep-khi-quan.html