Loại bỏ tư tưởng sính ngoại đi ngược lại với lợi ích của giới Sinh Vật Cảnh Việt Nam

Đó là nội dung chủ đạo trong bài phát biểu của Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ, Phó chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội SVC thành phố Hà Nội tại Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật Yên Tử năm 2018 trước gần 500 nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu toàn Quốc và khách Quốc tế. Bài phát biểu được đông đảo giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và những người trực tiếp làm công tác SVC rất hoan nghênh đón đợi. Từ đó, bên lề Triển lãm các vị đại biểu đã thảo luận sâu thể hiện sự đồng tình những về một số nội dung bài phát biểu quan trọng này.

Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội SVC Việt Nam phát biểu tại Triển lãm

Các đại biểu dự Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật Yên Tử năm 2018

Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật Yên Tử năm 2018 thu hút hơn 200 tác phẩm tiểu biểu của hơn 80 CLB đến từ 63 tỉnh,thành phố. Một cuộc Triển lãm mà Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đánh giá: "Có thể đánh giá đây là một trong những cuộc triển lãm cây cảnh nghệ thuật đầu tiên được sắp xếp và trang trí nghệ thuật theo phong cách mới nhằm tôn vinh những tác phẩm, đưa tác phẩm lên một tầm cao mới. Chính cách bài trí này đã làm cho hơn 200 tác phẩm hội tụ tại đây thực sự thăng hoa tỏa sáng. Đây là phương thức được tổ chức quen thuộc trên thế giới nhưng ở ta cách bài trí này còn là điều hết sức mới mẻ. Với những cách bài trí này, với sự chọn lọc tác phẩm tham dự từ khắp các vùng miền theo tiêu chí cây cảnh nghệ thuật dân tộc và bonsai Quốc tế, Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật Yên Tử năm 2018 đã đưa chúng ta đến với một cuộc Triển lãm mang tầm cỡ Quốc tế".

Đại biểu Trung ương và lãnh đạo địa phương thăm quan Triển lãm

Ít ai có thể hình dung được một cuộc triển lãm có quy mô, chất lượng hoành tráng như vậy mà chỉ do một CLB Cây cảnh nghệ thuật Yên Tử mà thực chất chỉ có vai trò nổi bật của nghệ nhân Ngô Văn Đoàn. Điều này thật đáng để chúng ta suy nghĩ nghiêm túc cho những bước phát triển mới của ngành SVC trong bối cảnh mới.

Ngay tại Lễ khai mạc Triển lãm này, nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ cũng đã tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và tầm cao văn hóa kết tinh trong các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc: "Thực tế cho thấy, cây cảnh nghệ thuật Việt Nam là một trong những nền cây cảnh nghệ thuật có lịch sử phát triển từ lâu đời, có bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc, có phong cách nghệ thuật rõ ràng. Luôn cởi mở, phát triển hài hòa trong mục tiêu: "Đi tìm sự thống nhất trong đa dạng khác biệt văn hóa Cây cảnh nghệ thuật Việt Nam và Quốc tế để hội nhập và phát triển...Trong xu thế hội nhập hiện nay đòi hỏi chúng ta ngày càng có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa. Hoa và cây cảnh nghệ thuật trở thành những "Sứ giả" văn hóa giữa các dân tộc. Thông qua Triển lãm đặc biệt này đã giúp chúng ta và bạn bè quốc tế có dịp nhìn nhận lại đúng vị thế của cây cảnh nghệ thuật Việt Nam, góp phần khẳng định hệ giá trị bất biến của giá trị văn hóa cây cảnh nghệ thuật Việt Nam nói riêng, Sinh Vật Cảnh Việt Nam nói chung là "Một nhánh cái trong chùm rễ văn hóa dân tộc", khẳng định tính dân dộc, tính nhân dân và sẵn sàng tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa cây cảnh nghệ thuật, Sinh Vật Cảnh của thời đại".

Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ lưu niệm cùng một số đại biểu về dự Triển lãm

Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ lưu niệm cùng một số đại biểu về dự Triển lãm

Bên cạnh kêu gọi giới nghệ nhân, doanh nhân chủ nhà vườn cây cảnh của cả nước gặp gỡ giao lưu và cùng nhau đánh giá một cách khách quan về: Điểm yếu, Điểm mạnh, Cơ hội và Thách thức của cây cảnh nghệ thuật Việt Nam trong tiến trình hội nhập, định hướng sản xuất kinh doanh hướng đến xuất khẩu mặt hàng tiềm năng này, đồng chí Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội đồng thời là Chủ tịch Hội SVC thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những mối nguy hại ngày càng hiện hữu trong giới SVC. là trở lực cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Đó là "Tư tưởng sính ngoại, cổ vũ sự xâm nhập của văn hóa ngoại lại một cách tràn lan thiếu kiểm soát, đi ngược lại với lợi ích của giới Sinh Vật Cảnh Việt Nam".

Cũng có người mạnh dạn ví von "Trong cây cảnh nghệ thuật ta nên chủ động sáng tạo, đi trước, nắm bắt, dẫn dắt và định hướng theo giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc chứ không nên đi sau hay chạy theo, sao chép cách làm của người khác, nước khác một cách máy móc sẽ tự chuốc lấy thất bại ngay chính trên sân nhà trong cuộc chơi hội nhập luôn có những đối thủ tiềm ẩn phía sau. Bởi suy cho cùng người ta sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền là để mua văn hóa, sự tinh hoa và những giá trị phi vật thể kết kinh trong tác phẩm chứ không hẳn chỉ mua giá trị vật thể của tác phẩm. Thế cho nên người càng am hiểu văn hóa, càng trân trọng những tác phẩm hội tụ tinh hoa văn hóa. Tác phẩm sanh cổ trên là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách chơi cây cảnh cổ của người Tràng An xưa. Có nhiều giá trị văn hóa ẩn chứa sâu kín trong tác phẩm độc đáo này mà chỉ có người am tường với dám bỏ ra nhiều tỷ đồng để sở hữu nó nhiều năm qua. Nó gắn liền với tên tuổi của lớp nghệ nhân cây cảnh nghệ thuật thời kỳ đầu của Hà Thành. Nó giống như một cung điện nguy nga của một triều đại có thể bị hủy hoại theo năm tháng chỉ còn lại một vài hòn gạch vỡ ở phần đáy móng. Hòn gạch đó mang những giai tầng văn hóa và truyền đạt giá trị lịch sử xa xưa kia của vương triều trong quá khứ gắn với nó là bao nhiêu kì tích, gợi lại bao nhiêu câu chuyện và quan trọng hơn nó là bằng chứng cho những dữ liệu trong dân gian...Vậy thì làm sao dám so sánh giá trị đích thực của hòn gạch vỡ là cổ vật khai thác kia với giá trị của hòn gạch công nghiệp được sản xuất theo dây truyền công nghiệp muốn bao nhiêu hòn cũng được. Trong cây cảnh nghệ thuật cũng tương tự vậy?!".

Hội SVC xã Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội tổ chức cho cán bộ chủ chốt đi thăm quan học tập tại Yên Tử

Ông Ngô Văn Hanh, Chủ tịch Hội SVC tỉnh Hải Dương tại Triển lãm bày tỏ sự khâm phục CLB Cây cảnh nghệ thuật Yên Tử với sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố Uông Bí đã tổ chức được một cuộc triển lãm mà gần như chưa nơi nào làm được. Ông cũng đang "tâm tư" về việc cán bộ Hội có thể rất nhiệt tình, chạy đôn chạy đáo nhưng nếu chính quyền đứng ngoài cuộc, không quan tâm thì rất khó khăn cho hoạt động. Ở địa phương ông, xin chính quyền chủ trương cho triển lãm thì chình quyền chuyển hội xuống làm việc với ngành Công thương.

Ông Ngô Văn Hanh, Chủ tịch Hội SVC tỉnh Hải Dương và một số đại biểu tại Triển lãm

Một đại biểu ở Thạch Thất cho rằng: "Có nơi, lãnh đạo Hội đăng ký gặp lãnh đạo chính quyền mãi vẫn chưa đến lượt. Vì có quá nhiều hội, lãnh đạo thì bận trăm công nghìn việc, tiếng nói của lãnh đạo Hội thì có hạn. Suốt ngày lãnh đạo Hội chỉ lo chạy ngược chạy xuôi đi xin chính quyền hoặc chỗ nọ chỗ kia mấy đồng công tác phí cho mấy anh giúp việc hoạt động giấy tờ cùng hết ngày chứ có quan tâm chi đến những hoạt động to như thế này đâu? Có nơi, Hội tê liệt gần như chẳng thấy động tĩnh gì ngoài việc nay hô hào đóng góp khoản này mai hô hào đóng góp khoản kia. Rất mất thể diện. Có nơi chủ tịch mới về tưởng Hội là chỗ béo bở có thể kiếm trác được nên kéo cả ê kíp của mình về làm, lúc nào cũng thích nghe họ "ngồi chơi xơi nước báo cáo láo" theo kiểu nịnh bợ tung hô thì thích. Hễ ai nói trái chiều nói đúng sự thật thì ghét, thì phản đối quy vào tội chống đối Hội, phá Hội. Chính sự lãnh đạo của họ làm cho hội ngày càng sa sút yếu kém mà họ không sớm tỉnh ngộ mới nguy hại cho phong trào. Dần dần anh em nhà vườn người ta sẽ xa hội, bỏ hội nêu hội không tự đổi mới. Nếu cứ dựa vào sự lãnh đạo theo hệ thống dưới sự lãnh đạo của mấy ông này thì gay to...".

Cũng có đại biểu nêu lại thông tin: Hội nghị BCH Hội SVC Việt Nam lần thứ II khóa VI ngày 09/03/2018 vắng đến gần một nửa, đại biểu còn lại ở dưới thì nhiều vị bỏ ra ngoài, vị thì ngủ gật, trong khi Chủ tịch Hội vẫn đang ngồi điều hành một mình trên sân khấu. BCH vừa hoạt động được hơn 6 tháng và có một Phó chủ tịch Trung ương Hội phụ trách kinh tế xin từ nhiệm, một Ủy viên BCH xin ra khỏi BCH vì lý do riêng…đã khiến cho không ít người cảm thấy buồn và lo cho Hội.

Đại biểu Bắc - Trung - Nam cũng chia sẻ những cảm nhận về Triển lãm

Nhiều đại biểu tại Triển lãm cũng đồng tình cho rằng: "Điểm mạnh của Nghị định số 45/2010/NĐ - CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về công tác Hội có thể nhìn rõ nhất mặt tích cực trong tổ chức các sự kiện, lễ hội SVC. Nó cho phép một CLB chuyên ngành nhỏ hoạt động chỉ trong phạm vi xã phường, thậm chí là một nhà vườn có năng lực nếu được chính quyền ủng hộ, quan tâm chỉ đạo có thể tổ chức được những sự kiện SVC tầm Quốc gia, Quốc tế một cách thuận lợi. Nếu cứ để Hội chỉ đạo Hội theo hệ thống với một "bộ máy cồng kềnh" nhưng lại hoạt động theo phương thức "tự nguyện" thì rất khó có được thành công như vậy. Thực chất đây là mối liên kết các vòng tròn hội tụ đồng tâm. Chính quyền đóng vai trò chỉ đạo ở điểm hội tụ trung tâm, các Hội hoạt động ở các phạm vi khác nhau độc lập với nhau về địa vị pháp lý nhưng lại "phối hợp", kết nối với nhau ở những hoạt động chuyên môn cùng hướng tâm. Cơ chế này sẽ tránh được "rủi ro hệ thống". Có thể những tổ chức ở phạm vi lớn hơn hoạt động "ì ạch" sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động ở những phạm vi nhỏ hơn nhưng năng động...và ngược lại. Chính cơ chế này cũng góp phần dần dần sàng lọc, những tổ chức hoạt động thật, cá nhân hoạt động thật gắn bó với Hội. Hội nghề nghiệp là tổ chức là mái nhà chung của những người hoạt động nghề nghiệp thực sự nhưng cùng mục tiêu chung là hướng đến sự phát triền bền vững. Chứ Hội không nên cổ súy cho mấy ông đi buôn cây ngoại, thích chơi cây ngoại hay mấy ông háo danh... ".

Những hình ảnh tổng hợp về Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật Yên Tử năm 2018

Vì thế, hôm nay họ rất đồng tình với đánh giá của đồng chí Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội SVC Việt Nam đã giúp họ chỉ rất rõ nhu cầu phải tăng cường giao lưu hợp tác Quốc tế, mặt khác vẫn giữ được bản sắc cây cảnh truyền thống. "Có những người mới vào nghề được ít thời gian, mới đi được có một cuộc triển lãm Quốc tế về đã coi thường cây cảnh nội địa là không thể chấp nhận được", một vị đại biểu chia sẻ.

Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật Yên Tử năm 2018, như khẳng định của vị Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội SVC Việt Nam đúng là một bước chuẩn bị quan trọng cho Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 15 tại Việt Nam dự kiến được tổ chức vào 03 ngày 15 - 16 - 17/11/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của 55 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ đó, những người dự Triển lãm đã bày tỏ hi vọng, Hội SVC cần phải rút ra những bài học sâu sắc từ sau Triển lãm Bonsai Châu Á Thái Bình Dương cũng được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 (ABFF 2015), một cuộc Triển lãm đã để lại ít nhiều hình ảnh chưa thực sự thuyết phục cho phong trào SVC.

TS. Nguyễn Hữu Vạn dường như rất khó chịu khi một mình ngồi điều hành trên sân khấu thấy diễn biến bên dưới Hội nghị BCH Hội SVC Việt Nam ngày 09/03/2018 vắng gần một nửa số đại biểu, trong khi đang họp nhiều đại biểu bỏ ra ngoài và đại biểu ngủ gật

Trước đó tại Hội nghị BCH Trung ương Hội SVC Việt Nam lần thứ II khóa VI, TS Nguyễn Hữu Vạn, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội SVC Việt Nam đã phát biểu thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để tổ chức "Triển lãm Cây cảnh nghệ thuật Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 15 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2019".

Nội dung phát biểu chỉ đạo của TS. Nguyễn Hữu Vạn chuẩn bị Triển lãm SVC Quốc tế năm 2019 tại Việt Nam

Thanh Thanh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/-loai-bo-tu-tuong-sinh-ngoai-co-vu-su-xam-nhap-cua-van-hoa-ngoai-lai-mot-cach-tran-lan-thieu-kiem-soat-di-nguoc-lai-voi-loi-ich-cua-gioi-sinh-vat-canh-viet-nam-60631