Loại bỏ tâm lý tiêu cực trong văn hóa uống và mời rượu

Rượu là một chất gây nghiện hợp pháp. Thực tế khi chúng ta uống ở mức độ vừa phải, như một ly rượu vang đỏ mỗi ngày còn có thể có lợi cho sức khỏe. Nhưng việc sử dụng rượu quá mức lại rất có hại.

Trên thực tế, ở rất nhiều nơi, rượu được tán dương như cách thể hiện đẳng cấp và sự tinh tế của người mời. Một số loại rượu ngâm còn được người mời quảng cáo như thần dược cho nam giới, tăng cường sức khỏe mặc dù trên thực tế nó là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, vô hiệu hóa lý trí của hàng triệu người dẫn đến hành vi bạo lực và những hành vi đáng phê phán khác.

Trên truyền thông, rượu được chào mời như một loại thuốc an thần xoa dịu nỗi đau trong những vở kịch với nhiều tình tiết éo le. Nó được gắn mác như là biểu tượng của nam tính, phá vỡ giới hạn trong những video quảng cáo bia rượu. Ở các vùng quê, bắt đầu uống rượu được đánh dấu như mốc chuyển đổi từ tuổi ấu thơ sang tuổi trưởng thành ở các cậu trai. Tôi vừa mới đến dự một đám cưới và gặp cô dâu đang rất tức giận với người phục vụ vì chưa thấy rượu. Cô cho rằng “đám cưới sẽ không thể vui được nếu thiếu rượu” và “mọi người sẽ bỏ về vì nhạt mồm”!

Trong văn hóa Việt Nam, những người kiêng rượu luôn bị chê cười là “yếu”, là “mặc váy”, là “không chân thành”. Thực tế thì mỗi chúng ta không phải chờ sức ép của người mời để uống rượu. Tâm lý xã hội dường như đang thúc bách chúng ta sử dụng rượu. Chính niềm tin của bản thân chúng ta, kiểu như “Nam vô tửu như kỳ vô phong” cũng đang thúc bách chúng ta nâng chén mà không thể cưỡng lại.

Biếm họa của Mạnh Tiến.

Biếm họa của Mạnh Tiến.

Động cơ và hành vi của một người uống rượu là thế nào? Khi một người bắt đầu uống rượu, họ sẽ có những ý nghĩ kiểu như “khi say có nhiều chuyện hay lắm”. Có nhiều anh nói rằng chỉ tự tin nói ra những lời "có cánh" với bạn gái sau khi làm vài chén rượu. Nhiều người cũng cảm thấy tự do để nói, hoặc làm những điều mình thích chỉ sau khi uống rượu. Khi say, nếu khoác lác một chút, hoặc đưa ra những kết luận thiên kiến, sai lệch hoặc có những hành vi chưa chuẩn thì cũng... dễ được mọi người bỏ qua. Hiện nay, trong đời sống sinh hoạt ở Việt Nam, những dịp như lễ tết, giỗ chạp, cưới hỏi... thì tâm lý xã hội dường như thỏa thuận một điều là: Phải có rượu. Tự thân việc uống rượu cũng làm tăng cảm giác hưng phấn khiến cho những cá nhân tiếp tục dựa dẫm vào rượu để lãng quên những chuyện buồn, những căng thẳng của cuộc sống và tìm kiếm những sự phấn khích.

Lâu dần thành quen, sự tiến triển từ việc uống rượu mang tính quan hệ, xã giao đến việc uống rượu mỗi khi gặp điều gì căng thẳng, đau khổ, rồi tới việc nhu cầu uống rượu ngày càng tăng để đương đầu với những vấn đề xã hội, tâm lý hoặc để tránh các biểu hiện sốc của hội chứng cai (những triệu chứng khó chịu khi ngừng uống rượu như run rẩy, đau đầu, buồn nôn và nôn, toát mồ hôi lạnh...). Và một cá nhân khi đã phụ thuộc hơn vào rượu, họ sẽ cần mỗi ly vào buổi sáng sớm. Cứ cách 3-4 giờ mà không có một ngụm rượu là họ sẽ rất khó chịu. Với những người nghiện rượu, ngừng sử dụng rượu trong 2-3 ngày có thể dẫn đến các biểu hiện giảm ý thức, suy giảm trí nhớ, mất ngủ hay hoang tưởng rằng mọi người đều đang nói chuyện về mình... Như vậy, trái với niềm tin của một số người cho rằng những người uống rượu mãi không say là khỏe. Những người phụ thuộc, người nghiện rượu, khả năng dung nạp rượu cũng rất cao và họ bắt buộc phải uống rượu vì không uống thì người bứt rứt không yên.

Uống rượu thường xuyên cũng có thể dẫn đến ngộ độc cấp, bệnh xơ gan, chứng tăng huyết áp và bệnh ung thư. Việc sử dụng rượu quá mức trong một thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh thần kinh. Bệnh viêm não Wernicke do thiếu sinh tố B (thiamine), là hiện tượng thường gặp ở những người nghiện rượu nặng dẫn đến chế độ ăn kém, sự thoái hóa não, vỡ mạch máu nhỏ trong não. Những triệu chứng của nó bao gồm giảm trí nhớ, thất điều và nhớ bịa. Nếu không được chữa trị, điều này có thể phát triển tới một rối loạn nặng hơn như hội chứng Korsakov (rối loạn tâm thần). Rối loạn không hồi phục này chiếm tới 5% số người nghiện rượu nặng.

Hậu quả với những người phụ thuộc vào rượu là như thế, nhưng trên bàn rượu nhiều người vẫn ép nhau uống rượu bằng đủ các lý do “rượu thưởng”, “rượu phạt”, “rượu nhập mâm”, “rượu ra”... Vậy động cơ đằng sau những “bài” mời rượu này có gì?

Thực tế là nhiều người đã có dấu hiệu phụ thuộc vào rượu, họ cảm thấy tội lỗi mỗi khi uống rượu và việc ép người khác cùng uống rượu là một cách để họ cảm thấy thoải mái hơn vì không phải có mỗi một mình họ uống nhiều và say xỉn. Thêm nữa, một số người vẫn sử dụng các thủ thuật để uống rượu (như nhả bớt rượu ra cốc nước đặt bên cạnh hoặc nhả bớt rượu ra khăn lau miệng) nhưng vẫn tích cực mời người khác. Cá nhân nào cũng kỳ vọng muốn kiểm soát được hành vi của mình kể cả khi đã uống một lượng rượu lớn. Những người còn tỉnh táo sau cuộc rượu thường được người khác “ngưỡng mộ”. Vì vậy, hãy tự nhủ rằng người mời rượu có một phần động cơ muốn đẩy chúng ta rơi vào tình huống mất kiểm soát, có hành vi lệch chuẩn, cợt nhả hoặc xấu hổ trước họ, để họ có cảm giác cao hơn, vượt trội hơn chúng ta.

Vậy chúng ta cần làm gì để ứng phó trước những thói quen tiêu cực trong uống rượu và mời rượu?

Thứ nhất, cần có những chính sách phòng ngừa liên quan đến việc sử dụng rượu. Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó xử phạt lạm dụng rượu bia tham gia giao thông rất nặng đã làm giảm đáng kể số vụ tai nạn. Cũng nhờ việc này mà nhiều người đã có cái cớ hợp lý để từ chối uống rượu khi được mời.

Thứ hai, phải dần thay đổi những thói quen, tâm lý xưa cũ về uống rượu với những giải pháp đồng bộ. Từ việc quản lý các hình thức quảng cáo rượu bia trên truyền hình, có quy định kiểm duyệt quảng bá trá hình rượu bia và gây ấn tượng nhầm lẫn về việc người thành công, cá tính, mạnh mẽ phải uống rượu như trên phim ảnh. Phải có hệ thống quy định và kiểm soát không bán rượu bia cho những người dưới 18 tuổi. Phải đưa những chương trình giáo dục về tác hại của rượu bia, các chất gây nghiện cũng như các kỹ năng quản lý hành vi sử dụng vào chương trình học THPT.

Thứ ba, với mỗi cá nhân, hãy hiểu rõ đằng sau những bài “ép” rượu có thể là một cá nhân phụ thuộc rượu và việc họ ép chúng ta uống hoặc là giúp họ giảm bớt cảm giác tội lỗi khi chính họ không thể dừng lại việc uống rượu hoặc là họ đang muốn chứng kiến những khoảnh khắc xấu hổ của chúng ta.

Trước những tình huống mời rượu, bạn đang có cơ hội để học kỹ năng kiên định nói "không"!

Chuyên gia tâm lý-giáo dục, PGS, TS TRẦN THÀNH NAM (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/loai-bo-tam-ly-tieu-cuc-trong-van-hoa-uong-va-moi-ruou-635775