Loại bỏ súng tự chế ra khỏi đời sống người dân vùng cao

Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Thu Lũm, BĐBP Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Qua đó, đã hạn chế được những vụ tai nạn thương tâm do súng săn, vật liệu nổ gây ra, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn.

Người dân bản Thu Lũm nộp vũ khí tự chế cho cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm. Ảnh: Thành Chung

Người dân bản Thu Lũm nộp vũ khí tự chế cho cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm. Ảnh: Thành Chung

Đồn Biên phòng Thu Lũm được giao quản lý, bảo vệ đường biên giới dài 36,245km nằm trên địa bàn xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Địa bàn do đơn vị phụ trách chủ yếu là nơi định cư của đồng bào dân tộc Hà Nhì, Mông, La Hủ, đời sống khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, một số tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống của người dân. Trước đây, người dân địa phương vẫn có thói quen sử dụng súng tự chế để bảo vệ tài sản gia đình, săn bắn thú rừng. Tuy nhiên, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Anh Phùng Xừ Xá, ở bản Gò Khà, xã Thu Lũm có đôi bàn tay không còn lành lặn, đó là hậu quả để lại sau một lần sử dụng súng kíp đi săn. Chia sẻ với chúng tôi, anh Xá cho biết: “Từ bao đời nay, súng kíp là vật gắn với cuộc sống, văn hóa của người Hà Nhì chúng tôi, mỗi gia đình có vài khẩu là chuyện bình thường. Năm 2016, trong một lần đi săn, khẩu súng kíp của tôi đã không may bị vỡ nòng nên trong quá trình sử dụng súng, tôi đã bị thương và mất 3 ngón tay. Vết thương đó đã khiến cho việc lao động, sinh hoạt của tôi gặp nhiều khó khăn hơn trước”.

Anh Xá không phải là trường hợp duy nhất mà trên địa bàn xã còn có anh Sừng Ló To và anh Lỳ Lé Hừ cũng bị thương khi sử dụng súng hơi cồn trong lúc đi săn. Hiện tại, anh Lỳ Lé Hừ vẫn còn cảm thấy sợ khi nói về khoảnh khắc đó: “Thấy súng hơi cồn có uy lực lớn, săn bắt hiệu quả nên tôi đã tự học cách chế tạo và sử dụng súng mà không lường được tác hại có thể xảy ra. Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy súng tự chế, tôi đều cảm thấy rất sợ”.

Trước tình hình người dân sử dụng súng tự chế gây ra nhiều hệ lụy, Đồn Biên phòng Thu Lũm đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để người dân hiểu và tự giác giao nộp. Trong đó, tập trung tuyên truyền tác hại của việc chế tạo các loại vũ khí tự chế, vật liệu nổ để săn bắt các động vật rừng phổ biến; hình thức xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Thu Lũm đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như: Tuyên truyền tập trung bằng các video, hình ảnh sinh động; đề cập đến những trường hợp từng phải gánh chịu tổn thương do vũ khí, vật liệu nổ gây ra để minh chứng cho bà con...

Chia sẻ với chúng tôi, Trung úy Nguyễn Duy Khánh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Thu Lũm cho biết: “Tại các buổi tuyên truyền, phần lớn người dân tham gia là phụ nữ và người lớn tuổi, trong khi đó, người thường sử dụng vũ khí tự chế, vật liệu nổ là thanh niên, nam giới ít tham gia nên việc tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, tôi và anh em trong đội đã tích cực “ba bám, bốn cùng” với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, qua đó, có phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp”.

Ông Lỳ Lý Hùng, Trưởng bản Là Si nhắc lại những ngày ròng rã cùng cán bộ đồn Biên phòng kiên trì đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động. Bằng các hình thức tuyên truyền sáng tạo, nội dung cụ thể, lý giải thấu đáo, người dân dần nhận thức tác hại của

Từ năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Thu Lũm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được 289 buổi, thu hút 6.380 lượt người nghe. Đến nay, người dân đã tự nguyện giao nộp 49 khẩu súng tự chế (gồm 40 súng kíp, 9 súng hơi cồn) và hàng chục bẫy thú.

việc tàng trữ, sử dụng súng và tự giác giao nộp súng tự chế cho cán bộ Biên phòng.

Đến nay, trên địa bàn Đồn Biên phòng Thu Lũm đã thu hồi triệt để súng tự chế, vật liệu nổ tồn sót trong dân. Nhờ đó, đơn vị đã loại bỏ được các vụ việc liên quan đến sử dụng súng tự chế, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Thành Chung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/loai-bo-sung-tu-che-ra-khoi-doi-song-nguoi-dan-vung-cao/