Loại bỏ những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bài 1): 'Nhìn thẳng sự thật', quyết liệt phòng, chống!

Ngay khi Trung ương công bố những kết quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều cá nhân đã 'vơ đũa cả nắm' khi nhìn nhận về cán bộ, đảng viên nói chung. Đây là những biểu hiện lệch lạc do nhận thức chưa đầy đủ về bản chất con người cũng như quan điểm của Đảng.

Toàn cảnh Đại hội XIII của Đảng.

Toàn cảnh Đại hội XIII của Đảng.

Thời gian qua, mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả toàn diện, tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên vẫn nhận thức chưa đầy đủ, đây đó còn những phát ngôn thiếu chuẩn mực. Những biểu hiện đó cần được loại bỏ để toàn Đảng, toàn dân thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động, qua đó, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm mạnh mẽ hơn.

“Không phải người người đều tốt, việc việc đều hay”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng và Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng.

Trong bối cảnh hiện nay, của cải vật chất do con người làm ra dồi dào, nhu cầu vật chất ngày càng cao. Bởi vậy, nhiều cán bộ, đảng viên đã không giữ được phẩm chất của mình, rơi vào “vòng xoáy” tham nhũng, lãng phí, tha hóa về đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu ý: “Đảng là một bộ phận của xã hội, cũng không tránh khỏi những tập tục, tính nết, khuyết điểm, thói xấu của xã hội lây ngấm vào. Thực tế cho thấy, trong Đảng không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay”(1).

Bởi vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn chú trọng các giải pháp nhằm ngăn ngừa, đấu tranh với sự thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên. Đảng không tô hồng, đánh bóng khi nhìn nhận phẩm chất cán bộ, đảng viên; ngược lại, thẳng thắn chỉ ra thực trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên và nhấn mạnh về nguy cơ ảnh hưởng đến “sự tồn vong của chế độ”. Quan điểm này của Đảng được thể hiện rõ nhất, tập trung trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa XI, XII và XIII.

Toàn cảnh hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XI. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Trung ương nêu rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.

Đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta chỉ ra một cách có hệ thống và cụ thể 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng...

Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Quang cảnh hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Cùng với sự nhìn nhận về suy thoái của cán bộ, đảng viên trước tác động của đời sống hiện đại, Đảng ta tiếp tục nêu cao quan điểm phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt. Suy cho cùng, đây chính là cuộc đấu tranh để loại bỏ những xấu xa, suy thoái trong con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là cuộc đấu tranh gian nan, vất vả.

Bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất mà Đảng ta xác định là phải tăng cường kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Từ quan điểm này, trong 10 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012-2022), Đảng và Nhà nước ta đã sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản nhằm kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa, phát hiện sai phạm trong cán bộ, đảng viên.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong đó, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý KT-XH, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực một cách có hiệu quả.

Đi cùng với hệ thống văn bản nêu trên, quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật; từng bước thực hiện đều được cân nhắc kỹ lưỡng theo nguyên tắc của Đảng và quy định pháp luật.

Đặc biệt, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có bước chuyển biến quan trọng từ đầu tháng 2/2013.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sáng 24/7. Ảnh: TTXVN

Theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo được chuyển từ Chính phủ sang Trung ương Đảng và người đứng đầu là Tổng Bí thư. Từ khi có sự thay đổi này, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã được tiến hành mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, kết quả đạt được cũng toàn diện hơn.

Chưa dừng lại ở đó, từ ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị quyết định thay đổi tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” thành “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Việc đổi tên, bổ sung từ “tiêu cực”, để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 27/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Vừa qua, chúng ta đã bắt đầu xử những vụ tiêu cực, chứ không chỉ tham nhũng. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, “công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước. Có dấu hiệu vi phạm là phải kiểm tra ngay nhằm răn đe từ sớm, phòng ngừa từ xa”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tiếp đó, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 30/6/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý KT-XH và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Đó là một trong những giải pháp đồng bộ, quan trọng để góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

------------

(1). Dẫn theo: Thượng tướng, viện sĩ, TS. Nguyễn Huy Hiệu, trong sách: Hội đồng Lý luận Trung ương (2015), Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.306.

Mạnh Hà

(Còn nữa)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/xay-dung-dang/loai-bo-nhung-bieu-hien-lech-lac-trong-nhan-thuc-ve-cong-tac-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-bai-1-nhin-thang-su-that-quyet-liet-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc/236170.htm