Loại bỏ nhiều thuốc diệt cỏ có thành phần gây ung thư

Hành động nhằm tiết tục thực hiện kế hoạch của BộNN&PTNT để loại bỏ các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại, không đảm bảo chất lượng ra khỏi danh mục được phép sử dụng.

Theo thông tin từ báo Nông thôn ngày nay, trong năm 2017, Cục BVTV đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT loại bỏ 6 hoạt chất. Ngày 28/8 vừa qua, Bộ NNPT&NT đã có quyết định tiếp tục loại bỏ 4 hoạt chất ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, các hoạt chất gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide. Đây là những hoạt chất thuộc danh mục thuốc độc nhóm 2 ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, có hiệu lực sinh học thấp.

Sẽ loại bỏ thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết sẽ tiếp tục trình Bộ trưởng Bộ NNPTNT xem xét loại bỏ 3 hoạt chất khác gồm Fipronil, Chlorpyrifos và Glyphosate. Trong đó hoạt chất Glyphosate có thể gây ung thư và hiện 36 nước và EU đã có những động thái khác nhau nhưng đều có xu thế cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate. Trong khi đó, tại Việt Nam đã có những giải pháp thay thế được hoạt chất Glyphosate, hiện được sử dụng với khối lượng khoảng 30.000 tấn/năm.

Lý giải việc sẽ loại bỏ nhiều hoạt chất, thuốc BVTV trong thời gian tới, ông Hoàng Trung cho rằng, theo rà soát, hiện nay nước ta đã quá dư thừa các sản phẩm thuốc BVTV. Đến năm 2020, Bộ NNPT&NT đặt mục tiêu loại bỏ 30% số lượng sản phẩm thuốc BVTV đang có trong danh mục. Đó là các thuốc độc nhóm 1, 2; ảnh hưởng sức khỏe con người; ảnh hưởng môi trường, tính hiệu quả sinh học thấp.

Ảnh minh họa: KT

Với mục tiêu quản lý chặt chẽ, chỉ để lại trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam những loại thuốc thực sự hiệu quả, phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn, bền vững, Cục BVTV sẽ siết lại công tác khảo nghiệm, đăng ký thuốc BVTV. Theo đó, các loại thuốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ ngay đầu vào, bao gồm xem xét kỹ lưỡng các căn cứ thực hiện khảo nghiệm, trình tự thực hiện khảo nghiệm.

Việc cấp phép khảo nghiệm được dựa trên cơ sở khoa học theo nguyên tắc loại bỏ dần những thuốc BVTV có độc tính cao, ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời khuyến khích những loại thuốc BVTV hiệu quả, an toàn trong sử dụng, đặc biệt là các loại thuốc sinh học.

Cũng theo đề án quản lý thuốc BVTV, từ nay đến năm 2020 ngành nông nghiệp cố gắng sử dụng khoảng 30% sản phẩm thuốc BVTV sinh học, ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký và sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học.

Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và một loạt cơ quan nghiên cứu khác cũng nghiên cứu, và họ đã xếp hoạt chất glyphosate vào nhóm 2A (nhóm có khả năng gây ung thư cao cho con người).

Theo ông Hoàng Trung khẳng định: Trước đây đã có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề hoạt chất glyphosate có gây ảnh hưởng sức khỏe con người, cụ thể là có gây ung thư cho người hay không, cho đến giờ phút này vẫn đang còn tranh cãi.

Thương tâm nhiều trường hợp ngộ độc tử vong

Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) không khỏi lo lắng: Gần như ngày nào, Trung tâm Chống độc cũng phải cấp cứu điều trị cho bệnh nhân ngộ độc paraquat. Ngay trong tháng 8, Trung tâm Chống độc liên tiếp tiếp nhận những ca ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat.

Cụ thể, bệnh nhân P.T.H.Ng (38 tuổi, Hải Dương) được đưa đến Trung tâm Chống độc sau khi uống thuốc diệt cỏ. Theo lời kể của người nhà, do có mâu thuẫn gia đình nên bệnh nhân tự uống một chai thuốc diệt cỏ chọn lọc Butachlor và một chai diệt cỏ cháy paraquat. Người nhà phát hiện và đưa ngay đến bệnh viện huyện cấp cứu, được xử trí rửa dạ dày, than hoạt sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Mặc dù được điều trị tích cực và lọc máu nhưng do uống một lượng lớn chất độc nên tình trạng bệnh nhân rất nặng, sáng 26/7, gia đình đã xin cho bệnh nhân về để lo hậu sự.

Ths.BS Nguyên kể tiếp, cùng thời gian này một trường hợp khác cũng là một bệnh nhân nữ 42 tuổi (ở Hưng Yên). Chỉ vì to tiếng với bố đẻ, chị đã uống một chai thuốc diệt cỏ cháy để kết liễu cuộc đời. Mặc dù được người nhà phát hiện kịp thời, đưa đi cấp cứu, hiện đang được điều trị tích cực và lọc máu nhưng tiên lượng thực sự khó khăn.

Đau lòng hơn khi có cả những phụ nữ đang mang thai cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử, trường hợp này không chỉ cướp đi tính mạng người mẹ mà còn tước đoạt mạng sống của thai nhi mà bệnh nhân đang mang trong bụng.

Bệnh nhân tìm đến cái chết bằng paraquat vì những lý do rất đơn giản như mâu thuẫn, buồn chán chuyện gia đình, chuyện bản thân… Hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc paraquat đều bắt nguồn từ việc uống loại hóa chất cực độc này để tự tử. Khi chất paraquat vào cơ thể sẽ gây tổn thương nặng nề các cơ quan nội tạng, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng, dẫn tới suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao.

Tệ hơn, với những người bị ngộ độc paraquat cho tới khi hấp hối vẫn rất tỉnh táo nhưng khó thở, vật vã nên vô cùng thương tâm. Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc paraquat may mắn thoát chết thì cũng bị di chứng nặng nề về phổi và các cơ quan nội tạng khác nên ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, khả năng lao động và hòa nhập cuộc sống. Bên cạnh đó, người bị ngộ độc chất diệt cỏ còn phải gánh chịu chi phí điều trị rất lớn, khi phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu trong thời gian dài.

Phần lớn người dân nhiễm thuôc bảo vệ thực vật trong máu

Không ít trường hợp nhiễm thuốc bảo vệ thực vật không phải do tiếp xúc trực tiếp. Họ trực tiếp sử dụng các sản phẩm rau, hoa quả còn tồn dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hít phải đều bị nhiễm. Mọi người dân từ người trực tiếp sản xuất đến người sử dụng, từ thành thị đến nông thôn đều có nguy cơ cao hấp thụ thuốc trừ sâu vào máu.

Kết quả trên được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) công bố khi thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên tại một lớp học thuộc Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn đến từ 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức cho thấy: 31/67 người ở Hà Nội được xét nghiệm có chỉ số nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong máu. Đáng nói là, hầu hết là các đối tượng không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng như nông dân. Từ kết quả này cho thấy, nguy cơ từ thuốc bảo vệ thực vật không loại trừ bất cứ ai, bất cứ thứ gì cũng có thể là nguồn lây nhiễm.

N.H (t/h)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/loai-bo-nhieu-thuoc-diet-co-co-thanh-phan-gay-ung-thu-51644.htm