Loại bỏ mối bất an

Sau 2 năm cử tri liên tục kiến nghị Nhà nước loại bỏ dịch vụ đòi nợ thuê ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngày 17-6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê từ ngày 1-1-2021. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui dẹp bỏ được mối bất an và nguy cơ cao gây mất an ninh trật tự xã hội, nhiều việc cần chấn chỉnh ngay để luật thực sự đi vào đời sống.

Việc “khai tử” loại hình dịch vụ đòi nợ thuê đã được dự báo trước, bởi sự biến tướng nguy hiểm của hoạt động này qua sự cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ, tín dụng đen với các băng nhóm tội phạm, tổ chức đi đòi nợ theo kiểu giang hồ, cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, gây áp lực lên con nợ, dẫn tới nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh trật tự trong thời gian qua.

Kết quả kiểm tra 217 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hầu hết hoạt động không lành mạnh vì có liên quan việc đòi nợ kiểu xã hội đen và cho vay nặng lãi.

Thế nên, người dân nhiều lần bức xúc, hoang mang trước sự lộng hành, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các công ty đòi nợ thuê. Điển hình như tiệm Phở Hòa ở thành phố Hồ Chí Minh liên tục bị công ty đòi nợ thuê khủng bố bằng chất bẩn; vụ chủ nợ thuê người mang lựu đạn đến tận nhà khủng bố tinh thần một con nợ tại thành phố Hải Dương...

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều người băn khoăn: Liệu có cấm được hoàn toàn dịch vụ đòi nợ thuê? Bởi chúng ta phải thừa nhận một thực trạng là trong hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, có những khoản cho vay rồi khó đòi được nợ, vì người thiếu nợ mất khả năng chi trả hoặc không có thiện chí trả.

Thực tế, chủ nợ nếu chỉ trông cậy tòa án sẽ mất rất nhiều thời gian, nếu thắng kiện cũng không dễ thi hành án được. Nhiều người lo ngại khi “cấm cửa” dịch vụ đòi nợ thuê, các chủ nợ có nhu cầu đòi nợ sẽ tìm thuê các băng nhóm xã hội đen hoạt động đòi nợ chui, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy hơn.

Băn khoăn của người dân là hoàn toàn chính đáng nếu các ngành chức năng không có giải pháp tích cực thay thế dịch vụ đòi nợ thuê. Mặc dù việc thu hồi nợ qua tòa án đã được pháp luật quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Luật Trọng tài thương mại. Nhưng pháp luật không thể cấm chủ nợ lựa chọn phương thức đòi nợ ngoài tòa án.

Trong khi chờ người dân điều chỉnh hành vi, tuân thủ phương thức đòi nợ theo đúng pháp luật, ngành tư pháp sẽ có rất nhiều việc phải làm, trước hết là cần hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục những hạn chế của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp về vay nợ và những bất cập trong việc thi hành án dân sự bằng các chế tài cụ thể, nghiêm minh.

Trong đó, loại hình thừa phát lại chính là giải pháp tối ưu để thay thế dịch vụ đòi nợ thuê.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng dịch vụ đòi nợ thuê chỉ thực sự bị “khai tử” khi cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, ngăn chặn triệt để các băng nhóm đòi nợ thuê hoạt động chui. Cùng với đó là các chính sách tín dụng, tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận được nguồn vốn vay, từng bước loại bỏ thị trường tín dụng phi chính thức là “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loai-bo-moi-bat-an-post430161.html