Loại bỏ cán bộ, công chức vô cảm

Cán bộ, công chức phải là người thông hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; biết lắng nghe ý kiến của dân, cảm thông, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của Nhân dân; biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân. Đó là những quan điểm được quán triệt mạnh mẽ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mang lại hiệu quả thực tiễn cao.

 Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải

Đồng bộ giải pháp

Sinh thời, khi nói về người cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cung cách phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức. Người dạy, người cán bộ công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ Nhân dân, vì dân mà làm việc. Lề lối làm việc của cán bộ, công chức được Bác nhắc nhở trong nhiều bài viết, lời nói, trong đó chỉ ra, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ thì cán bộ, công chức phải sâu sát quần chúng, tránh bệnh hình thức, xa rời Nhân dân.

Trong thời gian qua, nhiều người đã nhắc đến tình trạng một số cán bộ “vô cảm” trước những vấn đề của người dân, đi ngược lại với chủ trương “xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và DN”, khiến cho người dân, DN, các tổ chức xã hội không hài lòng. Như Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai nhận định: Không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tác phong. Biểu hiện cụ thể là tình trạng khiếu kiện vượt cấp còn diễn biến phức tạp, có nguyên nhân chủ yếu do cấp ủy, chính quyền cơ sở chậm nắm bắt tình hình, giải quyết không hiệu quả; những “phàn nàn” về bệnh quan liêu, cửa quyền vẫn chưa dứt hẳn.

Việc chữa bệnh “vô cảm” của cán bộ, công chức đã được đặt ra với những giải pháp dài hạn và cả ngắn hạn bằng các đề án, nghị quyết, chương trình. Trong đó, việc học tập và làm theo Bác theo hướng trọng dân, gần dân, hướng về Nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh bằng những cách làm cụ thể. Qua đó, đa số cán bộ, đảng viên đã thực hiện gần dân, sâu sát dân hơn. Như tại Hà Nội, với tinh thần trọng dân, gần dân và vì dân, Thành ủy luôn xác định công tác đối thoại với dân, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và tập trung chỉ đạo quyết liệt, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong đời sống của người dân. Các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này đã được ban hành và thực thi hiệu quả; các cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền định kỳ và đột xuất liên tục được tổ chức. Đồng thời, để tránh việc “chính quyền xa dân”, TP cũng liên tục có văn bản, chỉ đạo yêu cầu thực hiện tốt việc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của Nhân dân về công tác quản lý, điều hành, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức...

Cơ hội để hiểu dân

Tại không ít đơn vị ở Hà Nội, những mô hình sáng tạo để kết nối giữa Đảng, chính quyền và người dân đã được thực thi. Như tại quận Long Biên, Quận ủy yêu cầu, các Ủy viên Ban Thường vụ được phân công phụ trách địa bàn phải trở thành trung tâm kết nối giữa Đảng ủy, chính quyền phường với các phòng, ban của quận trong giải quyết các nhiệm vụ. Khi có sự kết nối mà các cơ quan, đơn vị không thực hiện, thực hiện kém hiệu quả, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy sẽ phản ánh và ý kiến này được xem xét, có thể trừ điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan... Nhờ vậy, thời gian qua, Long Biên là một trong những đơn vị của TP giải quyết hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, ngăn ngừa “điểm nóng”.

Hay tại huyện Chương Mỹ, Huyện ủy cũng yêu cầu, hàng tháng các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách xã, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm xã về dự sinh hoạt cùng chi bộ nông thôn. Nếu ở xã xảy ra việc đột xuất, bất ngờ mà Ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên được giao phụ trách địa bàn không nắm được sẽ bị xử lý trách nhiệm. Nhờ đó, huyện đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Tại các quận, huyện, các buổi đối thoại giữa lãnh đạo và người dân được chú trọng, từng kiến nghị của người dân được xem xét, xử lý đã tạo đồng thuận từ cơ sở, giúp người dân tin tưởng vào chính quyền hơn. Qua đó, cũng khắc phục được sự quan liêu, xa dân, ngại tiếp xúc với dân, tránh sự thờ ơ, vô cảm với cuộc sống của dân. Khi nói về vấn đề này, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, vấn đề chính là người lãnh đạo nhìn nhận thấu đáo về việc “nghe dân nói, nói cho dân nghe”. Bởi thực tế, người có thẩm quyền tiếp xúc, trao đổi với dân, cũng là cơ hội để giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, hòa giải, phòng ngừa từ xa các vướng mắc, mâu thuẫn, điểm nóng trong dân. Đồng thời, qua đối thoại trực tiếp, cũng tiếp nhận những phản ánh để đề xuất bổ sung vào hệ thống pháp luật, để đặt chính sách cho đúng.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/loai-bo-can-bo-cong-chuc-vo-cam-357811.html