Loại bỏ bếp than tổ ong vào năm 2020: Khó do thiếu chế tài

Nhằm cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, TP Hà Nội đã triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường. Mục tiêu đến hết năm 2020 là loại bỏ bếp than tổ ong trên toàn thành phố. Tuy nhiên, việc loại bỏ bếp than tổ ong đang gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, bên cạnh các nguyên nhân như: Loại bếp thay thế chưa hiệu quả; chưa có quy định cấm sử dụng; thiếu chế tài xử phạt… thì lợi ích kinh tế là nguyên nhân chính khiến người dân vẫn sử dụng loại bếp độc hại này

Vẫn dùng phổ biến

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam đặc biệt ở khu vực đô thị và các thành phố lớn như Hà Nội đang là vấn đề được cộng đồng xã hội quan tâm. Với những nguy hiểm từ việc đốt than tổ ong, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2020 sẽ xóa sổ bếp than tổ ong trên toàn địa bàn. Cụ thể, trong năm nay, sẽ giảm 70% số lượng bếp than tổ ong, năm 2019 thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong và năm 2020 duy trì kết quả thay thế 100%.

Vì giá thành “siêu rẻ” và sự tiện lợi mang lại nên dù biết độc hại nhưng nhiều người dân trên địa bàn Thủ đô vẫn sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu.

Vì giá thành “siêu rẻ” và sự tiện lợi mang lại nên dù biết độc hại nhưng nhiều người dân trên địa bàn Thủ đô vẫn sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu.

Lộ trình là vậy nhưng dạo qua những tuyến phố lớn hay những ngõ nhỏ ở nội thành thời điểm này không khó để bắt gặp hình ảnh những bếp than tổ ong được đặt trên vỉa hè, gốc cây thậm chí là… chân cột điện. Theo khảo sát của PV, tại các tuyến phố như: Tôn Thất Tùng, Đê La Thành, Khâm Thiên (quận Đống Đa); Khương Trung (quận Thanh Xuân); Định Công (quận Hoàng Mai)… người dân vẫn dùng bếp than tổ ong để đun nấu.

Cá biệt, những khu vực tập trung đông dân cư như trường học, quán ăn như ở Định Công, Thành Công… thì bếp than tổ ong xuất hiện với mật độ dày đặc. Tại những quán ăn khu vực này, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng 1 – 3 bếp. Đáng nói, những chiếc bếp này được đặt “vô tư” ngay trên phần vỉa hè sát lòng đường, bên trên là nồi nước sôi sùng sục. Ngoài việc tiềm ẩn nguy hiểm nguy hại đến sức khỏe thì việc đặt bếp thiếu ý thức như trên còn cản trở người qua lại.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Bảo – nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), trong quá trình sử dụng bếp than tổ ong sinh ra khí oxit cacbon (CO). Đây là loại khí không màu, không mùi nên rất khó nhận biết. Tuy nhiên, loại khí này khi đi vào cơ thể qua đường hô hấp sẽ gây ra những tác hại khôn lường.

Khí CO sẽ ngăn cản quá trình trao đổi oxi của hồng cầu (hemoglobin). Tùy vào lượng CO trong máu cao hay thấp, người hít phải khí này sẽ có những triệu chứng khác nhau. Nhẹ thì nạn nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, cay mắt, buồn nôn. Nếu nồng độ CO trong máu cao sẽ gây đau đầu dữ dội, nhịp tim tăng nhanh, nạn nhân có thể bất tỉnh, kéo theo đó là những tổn thương ở não. Trường hợp nhiễm độc khí CO nặng hoặc thời gian hít phải khí CO kéo dài trên 30 phút có thể gây chết người. Đã có nhiều vụ ngộ độc khí CO dẫn tới những tai nạn thương tâm do dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm.

Theo tìm hiểu, hiện phần lớn người dân đều nhận thức được sự nguy hại đến sức khỏe mà bếp than tổ ong mang lại. Tuy nhiên, do lợi ích kinh tế “siêu rẻ” nên nhiều hộ dân vẫn sử dụng. Bà Bùi Thị Loan (Giảng Võ, quận Ba Đình) so sánh, nếu như 1 tháng, gia đình 3 nhân khẩu của bà sử dụng hết 1 bình gas có giá trị 300.000 đồng, thì cùng khoảng thời gian trên, nếu đun bếp than tổ ong sẽ chỉ hết 75.000 đồng. Tương tự, một chủ cơ sở nấu ăn trên phố Hồ Tùng Mậu cho biết, trung bình, một ngày quán sử dụng hết 20 viên than, tốn khoảng 60.000 đồng.

Trong khi đó, nếu dùng điện sẽ tốn trên 200.000 đồng, gấp 3 lần chi phí. “Nếu chúng tôi không dùng bếp than mà sử dụng loại khác như điện, gas… thì giá thành sẽ bị đẩy lên gấp đôi. Chẳng hạn, giá thành này nếu tính vào sản phẩm là một bát mỳ, số tiền khách phải trả sẽ từ 25.000 đồng/bát bị đẩy lên 35.000 đồng/bát. Giá cao, quán chúng tôi sẽ mất khách, không cạnh tranh được” – chủ cơ sở này chia sẻ.

Ngoài vấn đề chi phí, theo nhiều người dân, sở dĩ họ phải dùng bếp than tổ ong vì không tìm được loại hình phù hợp. Trường hợp hộ bà Vũ Thị T. ở tổ 5 (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) là một ví dụ. Bà T cho biết, do diện tích nhà chật hẹp, lại xây dựng lâu năm, đường dây tải điện cũ nên bà nên không dám sử dụng bếp điện do sợ chập cháy... Theo bà T, bà sử dụng bếp than tổ ong vì loại này nhỏ gọn và “cơ động” khi muốn di chuyển.

Thiếu chế tài xử lý

Khách quan nhìn nhận, hiện Hà Nội đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tìm giải pháp thay thế bếp than tổ ong. Trong đó, có việc chú trọng tìm kiếm các nguồn cung cấp bếp đun sạch, bếp cải tiến thân thiện với môi trường nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Tại nhiều địa phương, việc triển khai sử dụng các loại bếp thân thiện đã được thí điểm triển khai.

Tuy nhiên, theo ghi nhận công tác thí điểm loại bếp thân thiện đang gặp phải nhiều khó khăn. Chẳng hạn, trên địa bàn quận Ba Đình, một số hộ dân sau khi được mượn dùng thử các loại bếp cải tiến có sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường thì họ đã đem trả lại. Khu vực tổ dân phố số 2, phường Trúc Bạch là một ví dụ. Tại đây, các hộ dân được mượn 9 bếp cải tiến, thân thiện với môi trường để dùng thử, nhưng chỉ sau ít ngày toàn bộ số bếp này đã bị trả lại UBND phường.

Theo tìm hiểu, hiện vẫn không ít người tại khu vực thí điểm tỏ ra băn khoăn khi sử dụng bếp thân thiện. Ngoài các nguyên nhân như việc sử dụng bếp cải tiến xoong nồi sẽ dính nhọ, mất thời gian cọ rửa, theo người dân, bếp cải tiến cứ sau 15 – 25 phút lại phải “canh” để tiếp nguyên liệu 1 lần. Trái lại, với bếp than tổ ong thì việc thay nguyên liệu chỉ tiến hành 3 - 4 tiếng sau khi đun nấu.

Mặt khác, nhiều hộ dân so sánh, sử dụng bếp cải tiến chi phí vẫn cao hơn so với bếp than tổ ong truyền thống. “Than tổ ong đang có giá 3.000 đồng/viên, với bếp cải tiến, giá nguyên liệu từ 3.500 – 4.000 đồng/kg. Thời gian cháy hết 1 viên than tổ ong khoảng 4 tiếng thì thời gian cháy hết 1kg nguyên liệu của bếp cải tiến chỉ khoảng 2 tiếng. Việc mua nguyên liệu để đun cũng chưa thuận lợi” – một người dân so sánh.

Liên quan đến câu chuyện hạn chế bếp than tổ ong, trên khía cạnh pháp lý, theo ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật (Công ty Cổ phần Tư vấn DLS Việt Nam), việc Hà Nội đưa ra lộ trình là hết sức hợp lý, tuy nhiên thiếu một chế tài mạnh kèm theo sẽ gián tiếp khiến việc thực hiện gặp khó khăn, thậm chí còn có thể dẫn đến vỡ kế hoạch. “Hiện hệ thống văn bản pháp luật cũng chưa có quy định cấm sử dụng bếp than tổ ong mà chỉ cấm thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí (Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường 2014)... Đây là kẽ hở vì không có chế tài xử phạt nên nhiều người chưa có ý thức bảo vệ môi trường” – ông Sinh nhấn mạnh.

Rõ ràng, việc Hà Nội lên kế hoạch “xóa sổ” bếp than tổ ong là một chủ trương hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, đi đôi với các biện pháp tuyên truyền, thời gian tới các ngành chức năng và đơn vị liên quan cần nghiên cứu thêm các biện pháp thay thế hiệu quả, rẻ và tiết kiệm hơn. Ngoài ra, việc sớm ban hành những chế tài đủ mạnh, mang tính răn đe kèm theo, để từ đó hình thành nên cơ sở giúp xử lý nghiêm những hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng hết sức cần thiết.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528 tấn than, phát thải khoảng 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí của thành phố. kết quả khảo sát của Chi cục môi trường đối với 600 hộ dân thuộc 3 quận, huyện Sóc Sơn, Đống Đa, Ba Đình cho thấy, cơ cấu sử dụng bếp than cho việc kinh doanh trên địa bàn quận Ba Đình là 73%, Sóc Sơn 63%, Đống Đa là 56%.

Tiếp đến là dùng cho việc nấu ăn theo thứ tự là 26%, 36% và 43%. Tại từng hộ gia đình, số lượng than được sử dụng trung bình hàng ngày cho việc kinh doanh cũng chiếm đa số. Quận Đống Đa gần 8kg/ngày, Ba Đình hơn 6kg/ngày, Sóc Sơn là trên 4kg/ngày… thời gian sử dụng bếp than trong một ngày là từ 410-450 phút.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/loai-bo-bep-than-to-ong-vao-nam-2020-kho-do-thieu-che-tai-71272.html