Lộ vụ mua LNG của Nga, Mỹ còn đường cạnh tranh?

Mỹ mua khí hóa lỏng (LNG) của Nga khi đang giáng đòn trừng phạt, tại sao lại có quyết định này?

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ, gần đây, đã có ít nhất 3 tàu chở LNG từ Nhà máy Yamal của Nga đến Mỹ. Đây không phải số lượng tổng thể các tàu chở LNG mà Nga đã bán cho Mỹ.

Nhà máy khí hóa lỏng Yamal của Nga là một trong những dự án bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Truyền thông Nga trước đó tiết lộ đã có 3 lô hàng được bán đi từ Nhà máy Yamal mà điểm đến cuối cùng là tới Mỹ. Đây là những lô hàng đầu tiên của dự án Yamal.

Hải trình của các con tàu chở LNG từ Yamal là đi tới một quốc gia châu Âu rồi mới tới Mỹ.

Đây được cho là cách mà người Mỹ "lách đòn trừng phạt" vì nhà máy Yamal có sự tham gia của công ty NOVATEK - một công ty đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Không rõ những chuyến tàu chở LNG từ Yamal đến Mỹ mà nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhắc tới có chọn hải trình vất vả thế hay không nhưng đây là một minh chứng cho thấy Washington đang thực sự mua LNG của quốc gia mà họ coi là một mối đe dọa.

Vậy vì sao mà Washington lại đưa ra lựa chọn này? Họ phải mua vì thời tiết lạnh bất thường khiến giá vận chuyển tăng cao hay vì thực tế thì giá LNG nhập khẩu của Nga rẻ hơn giá LNG nội địa?

Hồi cuối năm 2017, đầu 2018, các đơn hàng đầu tiên từ Yamal rời bến tới Anh, Pháp và tới thành phố Boston, Mỹ là do một đợt không khí lạnh bất thường ảnh hưởng tới nhiều bang của Mỹ khiến gián đoạn vận chuyển và giá vận chuyển tăng cao bất thường.

Tuy nhiên, thời tiết đã đẹp lên sau khi Mỹ mua những đơn hàng sau từ nhà máy Yamal.

Một thực tế khó có thể chối cãi là giá LNG của Nga là rẻ hơn nhiều so với Mỹ, ngay cả đối với thị trường nội địa.

Chuyên gia phân tích Valery Nesterov của ngân hàng Sberbank cho biết, việc Mỹ đang phải mua LNG của Nga cho thấy sự thiếu ổn định về khả năng cấp khí đốt của Mỹ.

"Tôi nhớ rằng, Mỹ từng được xem là một thị trường quan trọng đối với LNG của Nga" - ông Nesterov nói thêm rằng tất cả mọi thứ đã thay đổi sau sự ra đời của "dầu đá phiến".

Vị chuyên gia cho biết, giá LNG từ dự án Yamal có tính cạnh tranh do chi phí sản xuất thấp và giá cả được bán ở mức chấp nhận được.

Điều này khiến những vùng ở Mỹ bị gián đoạn về năng lượng sẵn sàng nhập khẩu khí đốt Nga hơn là mua năng lượng từ các vùng khác bị đội giá do vận chuyển trong điều kiện băng tuyết.

Đặc biệt, nhà máy LNG Yamal của Nga có khả năng cung cấp ở cả hai bờ Tây và bờ Đông nước Mỹ.

Phó Giám đốc điều hành của NewTech Services, Giáo sư Đại học Dầu khí Gubkin của Nga - ông Valery Bessel nhận xét: "Thị trường Mỹ bao gồm 2 phần, bờ biển phía tây và bờ biển phía đông.

Chúng tôi có thể gửi khí hóa lỏng đến bờ biển phía tây Mỹ từ dự án Sakhalin-2, hiện đang được bán cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đối với bờ biển phía đông nước Mỹ, chuyến hàng đầu tiên của nhà máy Yamal LNG là một thành tựu rực rỡ của NOVATEK, Gazprom và các đối tác của họ".

Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng thế giới, năng lực cạnh tranh của LNG Nga rất cao và đó được xem là một sự thách thức với ngành công nghiệp LNG của Mỹ, nhất là tại thị trường châu Âu.

Các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ cần bán ít nhất 6-7 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mBTU) để trang trải chi phí đóng băng, vận chuyển và tái khí hóa. Ngược lại, chi phí cận biên dài hạn của Nga đối với châu Âu chỉ khoảng 5 USD/mBTU.

LNG của Mỹ cũng đắt hơn LNG từ Qatar và một số nước châu Phi bởi vì khí ở Mỹ tốn kém hơn để chiết xuất, và khoảng cách vận chuyển tới các khách hàng là chậm hơn.

Khí đốt thiên nhiên của Nga chiếm lĩnh thị trường Châu Âu đã là một rào cản với LNG của Mỹ, nay LNG lại tỏ ra được ưa thích tại thị trường này khiến cho các nhà sản xuất LNG của Mỹ không thể xem thường.

Năm ngoái, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, châu Âu đã nhập khẩu khí đốt bằng đường ống gấp 8 lần so với dạng LNG.

Xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2018 và lượng nhập khẩu khí đốt của Nga từ các nước trong Liên minh châu Âu đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm nay, tăng 8% so với cùng kỳ.

Dù EU đã tỏ ra nhún nhường với Washington khi sẵn sàng hỗ trợ nhập khẩu nhiều hơn LNG của Mỹ, để đánh đổi những lợi ích khác với Mỹ và tránh được tác hại từ chiêu trò kinh tế hóa chính trị của Washington.

Tuy nhiên, lợi ích của người tiêu dùng là yếu tố quyết định, mà giá LNG Nga được biết thấp hơn nhiều so với giá LNG Mỹ.

Tờ Economist bình luận, thay vì châu Âu, Mỹ có thể bán LNG cho châu Á. Nơi Úc và Qatar đã bán rất nhiều nhưng không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về năng lượng, đơn cử như Trung Quốc.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/lo-vu-mua-lng-cua-nga-my-con-duong-canh-tranh-3369529/