Lộ vũ khí bắn hạ 'ác điểu' Trung Quốc sản xuất

Lực lượng Chính phủ Hiệp định quốc gia Lybia (GNA) vừa tiết lộ loại vũ khí đã dùng để bắn hạ chiếc UCAV tối tân do Trung Quốc sản xuất tại Libya.

"Chiếc máy bay tấn công không người lái (UCAV) Wing Long II đã bị bắn hạ bằng tổ hợp phòng không S-125 Pechora (do Liên xô sản xuất) khi đang tiến hành trinh sát và chuẩn bị khai hỏa vào mục tiêu của GNA gần khu vực gần Misrata, Libya.

Khi bị bắn hạ, chiếc Wing Long II đang bay ở độ cao khoảng trên 5.000m nhằm tránh đòn tấn công từ lực lượng tên lửa phòng không vác vai.

Tuy nhiên, chiếc máy bay này đã lọt vào tầm tác xạ của hệ thống S-125 và nó bị đánh chặn chỉ bằng một phát bắn duy nhất", vị đại diện của GNA cho biết.

Hiện trường chiếc Wing Long bị bắn rơi.

Hiện trường chiếc Wing Long bị bắn rơi.

Tuyên bố của GNA cũng đồng nghĩa đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm 2019, chiếc Wing Long bị bắn hạ bằng vũ khí thế hệ cũ từ thời Liên xô. Hai lần bị bắn hạ trước đó là chiếc Wing Long thuộc về Không quân Saudi Arabia. Những vụ bắn hạ liên tiếp cho thấy những chiếc Wing Long không hề có khả năng tàng hình và thần thánh như những gì được nhà sản xuất CAIG Trung Quốc tuyên bố.

UCAV này được sản xuất có khả năng tàng hình, sở hữu chiều dài 9,34 m, sải cánh dài 14 m, nặng hơn 1 tấn, hoạt động ở độ cao tối đa là 5.300 m và bán kính hoạt động tối đa 4.000km, thời gian hoạt động trên không tối đa 20 giờ.

Chiếc Wing Long được CAIG xuất khẩu với mức giá chỉ khoảng 1 triệu USD thay vì mẫu tương tự MQ-9 Reaper của Mỹ với giá thành lên đến 37 triệu USD. Hiện nay, dòng UCAV này đã được 9 quốc gia mua về, trong đó có không ít đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, UAE, Pakistan, Ai Cập và Nigeria.

Nhờ ưu thế giá rẻ, cung cấp vô điều kiện, lại có thể cho vay tiền không lãi để mua, Trung Quốc cũng đã củng cố vị trí của mình trong thị trường Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Iraq và một số quốc gia kể trên.

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin bình luận rằng, các thiết bị bay trinh sát và tấn công không người lái này đóng vai trò trọng tâm trong chiến thuật hiện đại chống khủng bố và phong trào nổi dậy, vì vậy việc xuất khẩu chúng có ý nghĩa chính trị to lớn.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh xuất khẩu UCAV còn mang lại nhiều lợi ích lớn hơn cho Trung Quốc. Thông qua chiến lược "ngoại giao UAV" này, Bắc Kinh cũng đã mở rộng được phạm vi ảnh hưởng của mình ra khắp nơi trên thế giới, trong đó đã "mua chuộc" được không ít đồng minh của Washington như Saudi Arabia, UAE…

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn vận hành những UCAV này, khách hàng của Trung Quốc đã thừa nhận sai lầm, đặc biệt là với trường hợp của Jordan.

"Việc mua những chiếc CH-4B là sai lầm không thể sửa chữa", Không quân Jordan cho biết khi chính thức rao bán toàn bộ phi đội CH-4B (do Trung Quốc sản xuất) từ tháng 6/2019 nhưng đến nay vẫn chưa tìm được khách hàng mua lại.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/lo-vu-khi-ban-ha-ac-dieu-trung-quoc-san-xuat-3385063/