Lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên chuẩn bị xuất xưởng?

Có lẽ chưa bao giờ cả nhân loại hy vọng và mong mỏi về một loại vaccine - lá chắn cần thiết bảo vệ con người trước virus, như bây giờ. Những thông tin đến từ Mỹ liệu có cho phép ta hy vọng?

Những lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên chuẩn bị xuất xưởng? (Nguồn: The Guardian)

Thử nghiệm đầu tiên trên người đã được bắt đầu - nhưng ngay cả khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, vẫn còn rất nhiều vấn đề không dễ dàng trước khi việc tiêm chủng toàn cầu trở nên khả thi.

Mỹ bắt đầu thử nghiệm trên người

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch toàn cầu và kêu gọi toàn thế giới chung ta đẩy lùi dịch bệnh khi Covid-19 đã lan rộng trên khắp các châu lục và trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy, ngay cả khi chiến lược ngăn chặn hiệu quả nhất, hoặc hà khắc nhất, cũng chỉ có thể làm chậm sự lây lan khủng khiếp của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh chết người Covid-19. Kể từ khi xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, đến ngày hôm nay (17/3), hơn 180.00 người trên toàn cầu đã nhiễm bệnh, hơn 7.000 người đã thiệt mạng, Covid-19 đã có mặt tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mọi nỗ lực khống chế sự lây lan “quá nhanh, quá nguy hiểm” của virus đang trở nên quá mong manh.

Khoảng 35 công ty và tổ chức trên khắp thế giới đang tập hợp lại và chạy đua với thời gian để tạo ra một loại vaccine ngừa Covid-19, ít nhất 4 trong số đó đã có kết quả và đã thử nghiệm thành công trên động vật. Sản phẩm đầu tiên thuộc quyền sở hữu của Công ty công nghệ sinh học Moderna, Mỹ đã chính thức có kế hoạch thử nghiệm trên người.

Giới chức y tế cho biết, mọi vaccine đủ an toàn khi đưa ra thị trường và có tiềm năng kháng được chủng virus corona mới tối thiểu phải mất từ 12-18 tháng. Bởi vậy, để đạt được tốc độ chưa từng có này là nhờ trước tiên vào những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giải mã thành công trình tự vật liệu di truyền (gen) của SARS-CoV-2. Trung Quốc đã chia sẻ kết quả nghiên cứu này vào đầu tháng 1/2020, cho phép các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới phát triển virus sống và nghiên cứu cơ chế virus xâm nhập vào tế bào người và gây bệnh.

Nhưng còn có một lợi thế khác, theo Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (Cepi), tổ chức phi lợi nhuận đang nỗ lực đi đầu trong việc tài trợ và điều phối phát triển vaccine kháng Covid-19, tiết lộ, tốc độ chưa từng có mà họ đạt được trong “cuộc đua” tìm vaccine là do tận dụng được các kết quả nghiên cứu trước đó trong phát triển vaccine ngừa các chủng virus corona khác.

Hai chủng virus corona cũng đã gây ra hai dịch bệnh gần đây là Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) ở Trung Quốc (2002-2003) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) vào năm 2012. Trong cả hai trường hợp, giải pháp tạo vaccine ngừa bệnh đều đã được tiến hành, nhưng sau đó lại bị gác lại khi các ổ dịch được ngăn chặn. Công ty Novavax có trụ sở tại Maryland, hiện đã nghiên cứu tái sử dụng các loại vaccine này cho Covid-19. Còn dự án của Moderna cũng được thừa hưởng kết quả từ công trình nghiên cứu trước đó về virus MERS, được tiến hành tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ ở Bethesda.

Theo AP, ngày 16/3, 45 tình nguyện viên đã tham gia quá trình thử nghiệm đầu tiên nhằm đánh giá lâm sàng vaccine Covid-19 do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) và Công ty Moderna phối hợp phát triển. Đây là bước mở đường cho giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn tiếp theo.

Ngoài ra, thuốc chống virus Covid-19 có tên Remdesivi cũng đang được các nhà khoa học tại NIH của Mỹ và Trung Quốc tiến hành thử nghiệm lâm sàng lên các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Remdesivir từng cho kết quả khả quan trong những lần thử nghiệm trên động vật, với hai loại virus cùng họ là SARS và MERS. Thuốc hiện cho thấy một số tín hiệu có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, kết các quả đợt thử nghiệm dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 4.

Một số nhà nghiên cứu khác lại hướng đến mục tiêu giảm bớt căng thẳng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát bằng một loại vaccine tạm thời có thể giúp con người miễn dịch với SARS-CoV-2 trong khoảng 1-2 tháng.

42 ngày - 1 lô vaccine Covid-19

Trong loạt bài về vaccine ngừa Covid-19, tờ The Guardian phân tích, ngay từ tên gọi SARS-CoV-2 đã cho thấy nó chia sẻ từ 80% đến 90% vật liệu di truyền với virus gây ra bệnh SARS. Cả hai bao gồm một dải axit ribonucleic (RNA) bên trong một khối nang protein hình cầu được bao phủ các tua gai hình vương miện. Các gai khóa vào các thụ thể trên niêm mạc phổi người, cho phép virus xâm nhập vào tế bào. Khi vào bên trong, SARS-CoV-2 chiếm quyền điều khiển hệ thống sinh sản tế bào để tự tạo ra nhiều bản sao, trước khi thoát ra khỏi tế bào và tiêu diệt nó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Trung tâm nghiên cứu vaccine thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ ở Maryland. (Nguồn: Getty Images)

Tất cả các vaccine đều làm việc theo nguyên tắc cơ bản như nhau. Virus ở thể yếu được đưa vào cơ thể - đủ để hệ miễn dịch ghi nhận phiên bản thật của virus trong tương lai, thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể đối với bệnh. Kháng thể khi đó giống như một loại bộ nhớ miễn dịch, đã được khơi gợi một lần, có thể nhanh chóng được huy động trở lại nếu người đó tiếp xúc với virus ở dạng tự nhiên.

Tuy nhiên, vaccine theo phương pháp truyền thống bị cho là có những nhược điểm nhất định. Trong đó, virus có thể vẫn tiếp tục phát triển trong vật chủ, chúng có khả năng lấy lại một phần độc lực khiến người nhận bị bệnh, trong khi một liều vaccine cao hơn hoặc lặp lại đôi khi rất quan trọng để đạt được mức độ bảo vệ cần thiết. Yếu tố thời gian cũng đặc biệt quan trọng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ.

Trên thực tế, một số dự án vaccine Covid-19 vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, nhưng một số khác đã công bố các công nghệ mới hơn. Những nỗ lực mới nhất của các nhà nghiên cứu đã đem lại những cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt. Quan trọng hơn, các hướng đi mới này còn hứa hẹn tìm được loại vaccine phù hợp trong khoảng thời gian ngắn nhất từ trước tới nay.

Gần đây nhất, hãng Novavax đang sử dụng cách tạo một loại vaccine tái tổ hợp. Nghiên cứu sử dụng cách trích xuất mã di truyền cho protein tăng đột biến trên bề mặt SARS-CoV-2, đây là một phần của virus có khả năng gây ra phản ứng miễn dịch ở người và dán nó vào bộ gen của vi khuẩn - buộc những vi sinh vật này tạo ra một lượng lớn protein.

Các cách tiếp cận khác, thậm chí còn mới hơn, đều bỏ qua protein, như Moderna và một công ty khác đang chế tạo vaccine Covid-19 từ RNA thông tin (mRNA). Công ty sinh học Moderna Therapeutics có trụ sở tại Massachusett, Mỹ cho biết, họ đã xuất xưởng những lô vaccine Covid-19 đầu tiên chỉ trong 42 ngày. Lý giải về thời gian kỷ lục này, Moderna cho biết đã dựa trên phương pháp di truyền tương đối mới, không đòi hỏi phải nuôi cấy một lượng lớn virus. Thay vào đó, vaccine được tạo ra từ mRNA - một vật liệu di truyền từ DNA có khả năng tạo ra protein.

Theo đó, Moderna đã đưa vào vaccine mới những mRNA được thiết kế với mục đích tạo ra protein của SARS-CoV-2. Vaccine sau khi được tiêm vào cơ thể, sẽ được các tế bào miễn dịch nhận diện và kích hoạt tiến trình tiêu diệt virus. Tiến sĩ Stephen Hoge, Chủ tịch Moderna cho biết, ở đây mRNA giống như một phần mềm trong công nghệ sinh học. Vì vậy, việc điều chế vaccine “giống như viết code một chương trình phần mềm cho cơ thể”. Từ đó tạo ra các protein có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch.

Vaccine của Moderna đang “ghi điểm” về mặt thời gian, nếu nó thật sự vượt qua các thử nghiệm thì khả năng có thể nhân rộng nhanh chóng đã cho thấy ngay tính hiệu quả của nó trước một dịch bệnh có tính lây lan khủng khiếp như Covid-19.

Tất nhiên, với trình độ y học tân tiến ngày nay, nhiều người đã hy vọng thời gian phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2 sẽ được rút ngắn. Nhưng sự thật là sản xuất vaccine vẫn là quá trình lâu dài, qua nhiều giai đoạn và giai đoạn nào cũng dài để chứng minh được tính an toàn và hiệu quả.

Và khó khăn cuối cùng, sau khi trải qua các giai đoạn thử nghiệm khó khăn, một sản phẩm vaccine còn phải giải được bài toán về hiệu quả chi phí sản xuất trước khi ra được thị trường.

Minh Anh

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lo-vaccine-phong-covid-19-dau-tien-chuan-bi-xuat-xuong-111685.html