Lo tụt hạng trong cạnh tranh toàn cầu

Chỉ còn tròn một tháng nữa, năm 2018 khép lại với bức tranh kinh tế vĩ mô khá lạc quan. Điều này được minh chứng bằng việc 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đã hoàn thành. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác thì Việt Nam dù đã được cải thiện so với chính mình nhưng đang tụt hạng trong cuộc đua toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 cao nhưng chưa thực sự bền vững

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, nhìn tổng thể sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam đã tốt hơn. Chỉ còn tròn một tháng nữa năm 2018 khép lại với bức tranh kinh tế vĩ mô khá lạc quan. Điều này được minh chứng bằng việc 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đã hoàn thành. Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Như vậy, về kinh tế vĩ mô, chúng ta có tăng trưởng cao, kiểm soát lạm phát tốt, và các chỉ số khác đều hoàn thành…

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, chỉ số thuận lợi trong kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam dù đã được cải thiện so với chính mình nhưng đang tụt hẳn trong cuộc đua toàn cầu.

Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, năng lực cạnh tranh thể chế của Việt Nam tụt 1 hạng, còn Diễn dàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt 4 hạng… Ông Lộc cho hay, 140 nền kinh tế được Diễn dàn Kinh tế Thế giới khảo sát, Việt Nam xếp thứ 77, nghĩa là ở mức trung bình, thậm chí là dưới trung bình (trung bình là 70). Trong khu vực ASEAN chúng ta ở chưa đạt được mức trung bình. “Đặc biệt, khoảng cách về năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN còn xa và thậm chí ngày càng xa”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, sức khỏe của nền kinh tế đứng từ góc độ năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, nếu chưa muốn nói đang yếu đi so với các đối thủ khác trong khu vực cạnh tranh toàn cầu. Đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Lộc cho hay, trong năng lực cạnh tranh cầu của nền kinh tế thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) là chính và là hàn thử biểu cuối cùng của năng lực cạnh tranh chính là DN. Năng lực cạnh tranh, sức khỏe DN thể hiện chất lượng thể chế.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hiện gần 60% DN Việt vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi, không phát sinh thu nhập DN, trong khi thông thường phải là ngược lại. “Điều đó cho thấy bức tranh về tài chính của DN Việt chưa được cải thiện nhiều. Lợi nhuận thấp thì không thể nói DN có sức cạnh tranh cao”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Cùng với các yếu tố nội tại, trong hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội, TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM nhận định: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư. Các nền kinh tế chủ chốt chưa công khai can thiệp trực tiếp vào chính sách tỷ giá là 3 yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam.

Đó là những thách thức chúng ta cũng phải mang theo ít nhất là trong vòng 2 năm tới đây. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định: Việc duy trì đà tăng trưởng cho 4-8 quý tới không phải là công việc quá khó mà việc khó hơn là bảo đảm tính bền vững. Và câu chuyện là để tăng trưởng bền vững chúng ta phải làm gì?

Kịch bản mà CIEM đưa ra là, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và động thái của các đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam, cập nhật nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng ứng phó theo các kịch bản tăng trưởng đủ chi tiết.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng, nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới…

Yêu cầu quan trọng nhất là phải đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc cải cách, đáp ứng được mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Đó là làm thế nào để Việt Nam trở thành 1 trong 4 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN. “Nhìn vào thực tế, hiện khoảng cách của chúng ta với nền kinh tế đứng thứ 4 trong ASEAN là 20 bậc, còn rất xa. Do đó, rút ngắn khoảng cách này không phải là điều dễ dàng. Nhưng chúng ta không có lựa chọn khác”, ông Lộc nói.

TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Nếu năng lực cạnh tranh ở mức trung bình thì không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình với chất lượng thể chế trung bình. Nếu muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì năng lực cạnh tranh phải vượt trội. Do đó, chúng ta phải nỗ lực từ những người bình thường trong cuộc đua trở thành người xuất sắc. Đó là yêu cầu rất khắc nghiệt của chặng đường cải cách sắp tới và đòi hỏi quyết tâm lớn hơn.

Cùng với các chính sách kinh tế vĩ mô, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN cho rằng: Trong bức tranh này,nâng cao “năng lực người chơi - DN” là một nhiệm vụ và thách thức cần phải tính đến.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/lo-tut-hang-trong-canh-tranh-toan-cau-19363.html