Lo Trung Quốc thâu tóm, Anh siết chặt các thương vụ đầu tư của nước ngoài

Chính phủ Anh hôm 24-7 đã ban hành sách trắng 'Đầu tư và an ninh quốc gia', trong đó đưa ra các đề xuất siết chặt quản lý các thương vụ thâu tóm của nước ngoài vì lo ngại các nhà đầu tư Trung Quốc với nguồn tài chính dồi dào sẽ tiếp quản các tài sản chiến lược tại nước này.

Hình ảnh phối cảnh của dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point ở hạt Somerset, Anh. Các nhà đầu tư Trung Quốc góp 1/3 trong tổng vốn đầu tư 18 tỉ bảng cho dự án này. Ảnh: Getty

Ngăn chặn các thương vụ gây rủi ro an ninh quốc gia

Các đề xuất mới trong sách trắng, được ban hành ra sau khi Thủ tướng Anh Theresa May cam kết bảo vệ các ngành công nghiệp nhạy cảm, sẽ mở rộng phạm vi các thương vụ đầu tư tại Anh bị giám sát đồng thời hạ các tiêu chuẩn xét duyệt bao gồm cả các công ty nhỏ, các tài sản cá nhân hay cổ phiếu của một công ty.

Theo các đề xuất trong sách trắng “Đầu tư và an ninh quốc gia”, các chủ doanh nghiệp ở Anh được khuyến khích khai báo với chính phủ về bất kỳ thương vụ thâu tóm tài sản nào của nước ngoài có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia tiềm tàng. Các tài sản này bao gồm cả các tài sản nhỏ chẳng hạn như laptop nếu nó liên quan đến an ninh quốc gia.

Các chủ doanh nghiệp ở Anh cũng phải thông báo nếu bán hơn 50% cổ phần của một tài sản hoặc hơn 25% cổ phần của một công ty. Họ có thể đối mặt với các tội danh hình sự nếu như không tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin hoặc các biện pháp mà chính phủ áp dụng để ngăn chặn các thương vụ rủi ro liên quan đến họ.

Sách trắng định nghĩa “các thương vụ rủi ro” là “các bên thù địch giành quyền kiểm soát các công ty hoặc tài sản có nguy cơ gây tổn hại an ninh quốc gia”, bao gồm các chính phủ nước ngoài hoặc các cá nhân, công ty có liên kết với các quốc gia thù địch thâu tóm các tài sản chiến lược thông qua cách truyền thống hay phi truyền thống.

Các thay đổi trong sách trắng có thể cho phép chính phủ Anh siết chặt đầu tư nước ngoài ở hầu như mọi lĩnh vực kinh tế từ năng lượng, quốc phòng cho đến giao thông vận tải và đầu tư vào các tài sản đa đạng khác gồm mạng lưới năng lượng, các sân bay lớn và dữ liệu y tế.

Hôm 24-7, Bộ trưởng Thương mại Anh Greg Clark nói rằng các đề xuất mới sẽ “bảo đảm Anh có các công cụ thích hợp để bảo vệ an ninh quốc gia đồng thời bảo đảm nền kinh tế của chúng ta vẫn là môi trường thân thiện với kinh doanh và cởi mở với đầu tư của nước ngoài trong tương lai”

Trước đây, các cơ quan quản lý của Anh chỉ can thiệp khi một thương vụ sáp nhập liên quan đến nước ngoài dẫn đến sự hình thành một công ty chiếm lĩnh 25% thị phần của một lĩnh vực hoặc có doanh thu 70 triệu bảng mỗi năm. Theo các quy định mới ban hành hồi tháng 6, cơ quan quản lý ở Anh có quyền điều tra một thương vụ sáp nhập của nước ngoài tại Anh liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao và các công nghệ vừa có thể sử dụng trong dân sự lẫn quân sự, có thể tạo ra một công ty có doanh thu 1 triệu bảng/năm.

Việc bãi bỏ tiêu chí doanh thu và thị phần cao trên cho thấy chính phủ Anh xem các thương vụ nhà đầu tư thâu tóm các công ty nhỏ sở hữu công nghệ quan trọng cũng có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Siết chặt vì lo ngại Trung Quốc

Thủ tướng Anh Theresa May (thứ hai bên trái) thăm một cơ sở đào tạo kỹ thuật ở hạt West Midlands, Anh. Ảnh Getty

Động thái mới của Anh cũng tương tự như chính sách gần đây của các nước khác bao gồm Mỹ, Canada, Úc và Đức nhằm siết chặt các tiêu chí xét duyệt các thương vụ thâu tóm và đầu tư của nước ngoài chủ yếu nhắm đến các nhà đầu tư Trung Quốc. Tại Mỹ, các nhà làm luật dự kiến sẽ mở rộng thẩm quyền điều tra của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đối các thương vụ đầu tư nước ngoài tại Mỹ có thể gây ra rủi ro an ninh cho Mỹ.

Các quan chức Anh cho biết các đề xuất mới được đưa ra trong sách trắng chủ yếu nhắm đến Bắc Kinh. Một quan chức chính phủ Anh giấu tên nói: “Động thái này chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc nhưng cũng bao gồm một số nước khác như Nga. Tình hình vẫn chưa có gì phải đặc biệt lo sợ nhưng có ít nhất một hoặc hai thương vụ mà các công ty Trung Quốc đã mua trót lọt các tài sản chiến lược ở Anh bằng cách lách các cơ chế giám sát hiện hành của Anh”.

Các công ty ở Trung Quốc đang ngày có sức mạnh cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu ở nhiều lĩnh vực từ công nghệ cho đến năng lượng. Song Trung Quốc cũng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có tiềm lực tài chính lớn để đầu tư ở nước ngoài. Anh và nhiều nước khác ở châu Âu đang tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược trước trước sự nhòm ngó của các công ty Trung Quốc nhưng vẫn khuyến khích đầu tư từ Trung Quốc và tìm cách tiếp cận khách hàng ở thị trường đông dân thứ hai thế giới.

Thách thức đặt ra đối với Anh là rất lớn trong bối cảnh nước này đang đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) để rút khỏi tổ chức này. Nhiều chuyên gia cảnh báo các công ty đa quốc gia có chi nhánh ở Anh sẽ rời khỏi nước này nếu họ không thể tiếp cận thị trường EU sau khi Anh rời EU.

Hiện tại Anh thẩm định rất ít các thương vụ đầu tư và thâu tóm của nước ngoài dựa trên mối lo ngại an ninh quốc gia. Trong năm nay, các cơ quan quản lý ở Anh mới chỉ thẩm định thương vụ một đối thủ Trung Quốc đề xuất thâu tóm công ty Northern Aerospace (Anh), nhà sản xuất linh kiện máy bay cho Airbus và Boeing dựa trên lý do an ninh quốc gia. Cuối cùng, thương vụ này đã bị hủy bỏ. Bên đề xuất mua Northern Aerospace là công ty sản xuất linh kiện máy bay Gardner Aerospace có trụ sở ở Derby (Anh) nhưng năm ngoái, công ty này đã được bán cho tập đoàn công nghiệp Shaanxi Ligeance Mineral Resources của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ đô la để mua bất động sản, các tài sản năng lượng và công nghệ cũng như các công ty chiến lược ở Anh, bao gồm thương vụ mua tòa nhà chọc trời Leadenhall Building chọc với giá 1,15 tỉ bảng vào năm ngoái.

Thương vụ các nhà đầu Trung Quốc đầu tư vào dự án nhà máy điện hạt nhân mới Hinkley Point ở bờ Tây nước Anh đã khiến Thủ tướng Anh Theresa May quyết tâm ngăn chặn đầu tư của nước ngoài vào những tài sản chiến lược ở Anh. Các nhà đầu tư Trung Quốc góp khoảng 1/3 trong tổng vốn đầu tư 18 tỉ bảng cho dự án.

Khi nhậm chức vào tháng 7-2016, bà May đã quyết định tạm ngưng dự án nhà máy điện hạt nhân này vì lo ngại yếu tố Trung Quốc sẽ đe dọa an ninh quốc gia. Song cuối cùng bà cũng chấp nhận dự án nhưng cho biết sẽ thận trọng hơn với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tương tự trong tương lai.

(Theo NY Times, Reuters)

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276036/lo-trung-quoc-thau-tom-anh-siet-chat-cac-thuong-vu-dau-tu-cua-nuoc-ngoai.html