Lộ trình tính tuổi nghỉ hưu sẽ thế nào?

Sau khi Hội nghị Trung ương 7 kết thúc, liên quan đến chính sách bảo hiểm, tuổi nghỉ hưu, nhiều lao động rất băn khoăn đề án đã được Trung ương thông qua sẽ được Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa ra sao? Về vấn đề này, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh- Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết:

Việc điều chỉnh tuổi hưu không có tính “cào bằng”. Lao động có một số ngành nghề đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 năm. Đặc biệt, từ nay tới năm 2021, có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu “cục bộ” ở một số lĩnh vực. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Hội nghị Trung ương 7, (Khóa XII) đã nêu rõ: “Ở những ngành nghề đặc biệt, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn 5 năm”.

Nhiều lao động quan tâm đến quy định tuổi nghỉ hưu tới đây (ảnh mang tính minh họa)

Vì vậy chỉ những ngành nghề có chuyên môn cao như: Công việc của các bác sĩ hoặc thầy thuốc giỏi, các nhà khoa học có nhiều đóng góp, các công việc có chuyên môn cao tại tòa án hoặc viện kiểm sát. Thậm chí, những lao động nữ có chuyên môn cao như giáo sư, bác sĩ, các nhà quản lý giỏi cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi 65.

Trong những trường hợp này, Bộ LĐTBXH sẽ phải nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh theo hướng nâng tuổi hưu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dung người lao động làm việc ở 8 ngành nghề độc hại theo quy định hiện nay có thể rút ngắn tuổi hưu tới 5 năm.

Như vậy, việc điều chỉnh này phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng cụ thể chứ không phải là thực hiện “cào bằng” . Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ nay tới năm 2021, khi Bộ Luật Lao động và các luật liên quan được cụ thể hóa, chúng ta vẫn có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu “cục bộ” ở một số nhóm đối tượng đặc thù theo Khoản 3 Điều 187 Luật Lao động năm 2012.

Bộ trưởng Dung cho biết: Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, bình quân tuổi hưu của lao động Việt Nam hiện nay là 54,3, trong đó lao động nam là 55,6 và lao động nữ là 52,6.Trong khi đó, tuổi bình quân đóng BHXH của nam là 28 năm và hưởng sau tuổi 60 là 22,5 năm, với lao động nữ đóng 23 năm và hưởng lương hưu sau tuổi 55 là 27 năm.Nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ không cân đối giữa mức hưởng - đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng BHXH bình quân của người lao động hiện là 22 %, nhưng mức hưởng tối đa là 75 %.

Về lộ trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Việc áp dựng độ tuổi nghỉ hưu mới dự kiến từ năm 2021. Theo đó, lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu theo chế độ này là vào năm 2026. Về tốc độ tăng, khả năng lao động nam cần 8 năm và lao động nữ cần 20 năm mới nghỉ hưu đúng ở tuổi 60 và 62. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh cụ thể tỉ lệ tuổi hưu, tốc độ tăng sẽ được cụ thể hóa trong quá trình sửa đổi Luật lao động năm 2012.

H.P

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lo-trinh-tinh-tuoi-nghi-huu-se-the-nao-73620.html