Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý

'Lộ trình tăng tuổi tôi cho là hợp lý. Câu chuyện bây giờ không tăng tuổi của phụ nữ mà theo tiến độ hưởng bảo hiểm xã hội hiện nay thì phụ nữ sẽ về hưu rất sớm và hưởng lương hưu thấp', đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nói.

Ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nâng tuổi nghỉ hưu đối với nữ lên 60, nam 62 là phù hợp, vì hiện tuổi thọ bình quân của nam là 72, còn nữ là 81. “Hiện nay phụ nữ tuổi 55 nhìn rất trẻ và tràn đầy năng động mà phải nghỉ hưu thì đáng tiếc”, bà nói.

Theo nữ đại biểu, vì thế nên “Đối với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường; cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 là mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Cần phải tính lại làm sao thời gian tăng tuổi nam theo phương án 1 tới thời điểm đó là 62 tuổi, nữ tới thời điểm đó là 60 tuổi”, bà Yến nói.

“Như vậy mới đảm bảo bình đẳng giới vì bây giờ lao động nữ chiếm trên 50%, đây là nguồn nhân lực quý giá. Đề nghị Quốc hội quan tâm, tính lại trong 1 thời điểm nam - nữ đều lên 62, 60 tuổi”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh thêm.

Hiện, nước ta 96 triệu dân, kinh tế phát triển, tỷ lệ lao động thất nghiệp chỉ có 1-2%. Như vậy, không phải cứ nghỉ hưu muộn thì lớp trẻ không có cơ hội việc làm. Do đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cho rằng, câu chuyện kéo dài thời gian nghỉ hưu, giới trẻ lấy đâu ra việc làm là lo lắng không có cơ sở.

Ông nhấn mạnh, chỉ có điều nếu chỉ vào biên chế công chức Nhà nước thì mới có câu chuyện đó, nhưng tỷ lệ việc làm trong khu vực Nhà nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong việc làm và lao động hiện nay.

“Vì vậy, có thể có hiện tượng thất nghiệp, nhưng không đáng lo ngại nếu chúng ta kéo dài tuổi nghỉ hưu. Chúng ta có đào tạo tốt, những người trẻ họ tự tạo việc làm, chứ không phải chờ Nhà nước đưa việc vào tay họ. Họ chỉ cần cơ chế, họ có thể tự tạo việc làm và làm rất tốt”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh bày tỏ.

“Lộ trình tăng tuổi tôi cho là hợp lý. Câu chuyện bây giờ không tăng tuổi của phụ nữ mà theo tiến độ hưởng bảo hiểm xã hội hiện nay thì phụ nữ sẽ về hưu rất sớm và hưởng lương hưu thấp”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh thêm.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà (đoàn Phú Yên) cũng cho rằng, trong dự luật có nói đến quyền được nghỉ hưu sớm, nhưng phải nói rõ hơn. “Thực tế, trong cơ quan nhà nước có người chỉ đi đi về về không làm thêm được gì, muốn nghỉ lắm nhưng chế độ chính sách không thực hiện được. Người này về mới giải quyết được việc làm cho người khác, thế nhưng lại... không về được. Trong khi có người muốn về thì lại không về được, vì lương thiếu, chưa đủ tháng, chưa đủ ngày”, đại biểu đoàn Phú Yên phân tích.

Ông Trà nêu, những đối tượng này không làm được gì nhưng lại chiếm một vị trí, mà vị trí đó muốn bổ nhiệm người mới lên lại không có. Ông ví dụ, một Phó Giám đốc sở muốn về lắm mà không về được, trong khi một trưởng phòng muốn lên không lên được.

Cho nên, chỗ này phải quy định “mềm” hơn một chút về quyền nghỉ sớm hơn một chút, hoặc muộn hơn một chút.

Nguyễn Thanh

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/lo-trinh-tang-tuoi-nghi-huu-la-hop-ly-d98960.html