Lộ trình khó khăn

Xung đột dữ dội những ngày qua ở phía nam thủ đô Tơ-ri-pô-li buộc Li-bi phải đóng cửa sân bay tại đây, gây lo ngại làm bùng phát 'chảo lửa' mới ở khu vực. Bởi, Li-bi bất ổn có thể là 'mảnh đất màu mỡ' cho các phần tử khủng bố hoạt động và mục tiêu chặn dòng người di cư vào châu Âu trở nên khó khăn hơn.

Bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã được thiết lập, vẫn có ít nhất 41 người chết, hơn 100 người bị thương trong những ngày xung đột vừa qua giữa các nhóm lực lượng dân quân ở phía nam thủ đô Tơ-ri-pô-li của Li-bi. Sân bay quân sự cũ Mi-ti-ga, cơ sở duy nhất mở cửa cho hoạt động vận tải dân sự hiện nay ở Tơ-ri-pô-li, phải ngừng hoạt động do giao tranh xảy ra gần khu vực này. Nhiều quả rốc-két và đạn đã rơi xuống một số vùng lân cận và cả ở thủ đô của Li-bi.

Hậu quả của cuộc chính biến lật đổ cựu lãnh đạo M.Ca-đa-phi của Li-bi mùa xuân năm 2011 đến nay vẫn dai dẳng. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Li-bi tiếp tục chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, đó là Chính phủ đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) hoạt động tại thủ đô Tơ-ri-pô-li do Thủ tướng Ph.Xa-rai lãnh đạo và được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ và chính quyền tại miền đông được Tướng KH.Háp-ta hậu thuẫn. Trong bối cảnh đất nước quyền lực bị “chia năm, sẻ bảy”, GNA chưa thể thành lập một lực lượng quân đội riêng, phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô. Trong khi đó, các phe nhóm vũ trang ở Li-bi vẫn tìm cách mở rộng khu vực chiếm giữ dọc con đường dẫn đến sân bay quốc tế ở Tơ-ri-pô-li, vốn phần lớn bị đóng cửa kể từ khi giao tranh bùng nổ năm 2014. Một lực lượng phối hợp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ của GNA gần đây đã mở cuộc tiến công nhằm vào các vị trí của Lữ đoàn 7.

Từng tham chiến trong các cuộc không kích của NATO do Mỹ phát động năm 2011 ở Li-bi, nhiều nước châu Âu nay trực tiếp hứng chịu dòng người di cư xuất phát từ bờ biển Li-bi, vượt Địa Trung Hải đi tìm “miền đất hứa”. Riêng I-ta-li-a phải bất đắc dĩ tiếp nhận hàng trăm nghìn người di cư, phần lớn trên những con tàu thô sơ xuất phát từ bờ biển Li-bi. Các nước châu Âu không thể yên tâm khi bên kia bờ Địa Trung Hải là một đất nước Li-bi bất ổn, xung đột, bạo lực, một trong những nguyên nhân chính biến quốc gia Bắc Phi này trở thành điểm xuất phát cho các chuyến hành trình vượt biển của người di cư tới châu Âu.

Theo dõi sát sao các diễn biến ở Li-bi, các đại sứ Pháp, I-ta-li-a, Anh và Mỹ tại Li-bi cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình leo thang căng thẳng giữa lực lượng chính phủ và một nhóm vũ trang tại thủ đô Tơ-ri-pô-li những ngày gần đây. Trong một tuyên bố chung, các đại sứ bày tỏ lo ngại, xung đột xảy ra cả ở nội đô và vùng chung quanh thủ đô Li-bi có thể khiến tình hình thêm bất ổn. Phái bộ LHQ tại Li-bi lên án mạnh mẽ cuộc đối đầu gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân ở Tơ-ri-pô-li, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và chấm dứt hành động thù địch. LHQ cảnh báo, các nhóm vũ trang cũng như những hành động và phát ngôn thù địch gia tăng có nguy cơ gây ra một cuộc đối đầu quân sự lớn hơn ở Li-bi. Các đại sứ của bốn quốc gia cũng xác nhận ủng hộ nỗ lực của Đặc phái viên LHQ về Li-bi G.Xa-la-mê nhằm sớm thiết lập cơ chế đối thoại giữa các phe phái tại đất nước Bắc Phi này.

Tình trạng nhiều nhóm thánh chiến và dân quân vũ trang nổi dậy hình thành đang tạo ra một bầu không khí chính trị bất ổn ở đất nước Li-bi giàu tài nguyên dầu khí. Chính phủ Li-bi được LHQ ủng hộ tuyên bố tình trạng báo động cao trên toàn quốc ngay sau các vụ tiến công đẫm máu của các tay súng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm vào một trạm kiểm soát ở miền tây, rồi tiếp đó là xung đột dữ dội ở thủ đô. Trong khi đó, dường như bế tắc trong việc đi tìm một giải pháp chính trị, Chủ tịch Hội đồng lập Hiến Li-bi mới đây đã tuyên bố từ chức vì sự bất đồng nội bộ sâu sắc.

Mặc dù Pháp tuyên bố sẽ giúp Li-bi tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội vào cuối năm nay, một lộ trình chính trị thật sự cho Li-bi vẫn khó thực thi, khi tình hình an ninh nước này còn ở mức báo động. Hơn bảy năm trôi qua kể từ sau “Mùa xuân A-rập” năm 2011, Li-bi vẫn đang đi tìm “cánh cửa hòa bình”.

THÁI ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/37503702-lo-trinh-kho-khan.html