Lộ tin ông Trump muốn tấn công Iran trước khi rời Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hỏi các cố vấn trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục rằng ông có những lựa chọn nào để tấn công cơ sở hạt nhân chính của Iran trong các tuần tới.

 Các cố vấn gồm ông Pompeo và Miek Pence đã cảnh báo ông Trump về một cuộc xung đột diện rộng nếu tấn công Iran (Ảnh: New York Times)

Các cố vấn gồm ông Pompeo và Miek Pence đã cảnh báo ông Trump về một cuộc xung đột diện rộng nếu tấn công Iran (Ảnh: New York Times)

Cuộc họp này diễn ra vào hôm thứ Năm tuần trước, sau khi các thanh sát viên quốc tế báo cáo về việc Iran tăng trữ lượng vật chất hạt nhân; tờ New York Times dẫn lời 4 quan chức và cựu quan chức cho hay.

Trong cuộc họp đó, nhiều cố vấn cấp cao đã thuyết phục Tổng thống Trump hủy kế hoạch tấn công quân sự. Các cố vấn – bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Christopher C. Miller, quyền Bộ trưởng Quốc phòng, và tướng Mark A, Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân – cảnh báo rằng một đòn tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran có thể dễ dàng làm bùng phát một cuộc chiến rộng khắp trong những tuần cuối cùng ông Trump làm Tổng thống.

Bất kỳ cuộc tấn công nào – dù là bằng tên lửa hay tấn công mạng – đều gần như chắc chắn sẽ nhằm vào Natanz, nơi mà Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA) hôm thứ Tư tuần trước báo cáo rằng lượng dữ trữ uranium của Iran giờ nhiều hơn gấp 12 lần so với mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi trong năm 2018. IAEA còn nhấn mạnh rằng Iran không cho cơ quan này tiếp cận cơ sở trên.

Bởi vậy mà Tổng thống Trump đã hỏi các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của mình rằng ông có những lựa chọn nào để phản ứng trước Iran.

Sau khi Ngoại trưởng Pompeo và tướng Milley nói về nguy cơ căng thẳng quân sự gia tăng, các quan chức đã rời cuộc họp với niềm tin rằng lựa chọn tấn công Iran bằng tên lửa đã được loại bỏ; theo một số quan chức chính quyền hiểu về cuộc họp này.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn có thể đang cân nhắc về lựa chọn tấn công nhằm vào tài sản và đồng minh của Iran, bao gồm các nhóm dân quân ở Iraq. Một nhóm nhỏ hơn các cố vấn an ninh quốc gia cũng tổ chức họp trong hôm thứ Tư tuần trước, trước ngày họp với Tổng thống. Giới chức Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận gì.

Câu chuyện trên cho thấy ông Trump vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu ngay trong những tuần cuối trong nhiệm sở. Một đòn tấn công nhằm vào Iran sẽ tạo phản ứng xấu trong cộng đồng cử tri ủng hộ ông, bởi phần lớn trong số họ phản đối việc đưa Mỹ lún sâu vào cuộc xung đột ở Trung Đông. Ngoài ra, nó cũng sẽ khiến mối quan hệ với Tehran thêm căng thẳng, khiến Tổng thống sơ cử Joseph R. Biden Jr. khó lòng phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran như ông từng cam kết.

Kể từ khi ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper cùng một số cố vấn cấp cao ở Lầu Năm Góc hồi tuần trước, giới chức Bộ Quốc phòng và an ninh quốc gia đã thể hiện nhiều quan ngại rằng Tổng thống có thể khởi động một số chiến dịch nhằm vào Iran và các bên thù địch khác trong cuối nhiệm kỳ của mình.

Quan ngại đó hoàn toàn có lý vì đây không phải lần đầu tiên mà chính sách về Iran được đem ra bàn tính trong những ngày cuối của một chính quyền. Năm 2008, trong những ngày cuối của chính quyền Bush, giới chức Israel lo ngại rằng chính quyền Obama sắp tới sẽ tìm cách ngăn cản họ tấn công các cơ sở hạt nhân Iran nên đã tìm sự hỗ trợ của Mỹ để khởi động cuộc tấn công do Israel dẫn đầu.

Phó Tổng thống Dick Cheney sau đó viết trong hồi ký của ông rằng ông đã ủng hộ ý tưởng đó. Tuy nhiên, Tổng thống Bush lúc bấy giờ lại không đồng ý. Cuối cùng, hai bên hợp tác để tung đòn tấn công mạng nhằm vào cơ sở Natanz của Iran, gây ảnh hưởng tới khoảng 1.000 lò li tâm.

Kể từ sau đó, Lầu Năm Góc đã lên các kế hoạch tấn công ở nhiều thời điểm. Giờ họ có nhiều lựa chọn tấn công quân sự và tấn công mạng, đôi lúc kết hợp cả hai.

Ảnh chụp vệ tinh cơ sở hạt nhân Natanz của Iran (Ảnh: Reuters)

Báo cáo của IAEA mới đây kết luận rằng Iran giờ dự trữ hơn 2.442 kg uranium làm giàu ở mức độ thấp. Lượng này đủ để sản xuất 2 vũ khí hạt nhân; theo phân tích của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế. Tuy nhiên, Iran sẽ phải mất vài tháng để làm giàu lượng uranium này đến mức độ có thể chế tạo bom nguyên tử, có nghĩa rằng ít nhất phải đến cuối mùa Xuân năm 2021 họ mới có thể sở hữu một trái bom như vậy, và vào thời điểm đó có lẽ ông Trump đã rời Nhà Trắng.

Và mặc dù lượng uranium trên là đáng quan ngại, nhưng nó vẫn còn ít hơn so với lượng mà Iran sở hữu vào thời điểm trước khi Tổng thống Barack Obama đạt thỏa thuận hạt nhân với Tehran vào tháng 7/2015. Cuối năm đó, theo các điều khoản của thỏa thuận, Iran vận chuyển khoảng 97% lượng dự trữ của họ tới Nga, khiến cho Iran không có đủ lượng uranium cần thiết để chế tạo một vũ khí hạt nhân.

Iran vẫn duy trì cam kết về sở hữu uranium ở mức hạn chế, ngay cả sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018 và áp đặt lại các lệnh trừng phạt. Nhưng sau đó, Iran bắt đầu gỡ bỏ dần các hạn chế này từ năm ngoái, tuyên bố rằng nếu ông Trump tự do vi phạm các điều khoản như vậy, thì cớ gì họ phải tiếp tục tuân thủ?

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump từng nói rằng Iran đang che giấu điều gì đó và “ăn gian” các điều khoản thỏa thuận; và báo cáo của các thanh sát viên hồi tuần trước đã phần nào cho ông lý do để củng cố luận điểm đó.

Báo cáo của IAEA đã chỉ trích Iran vì không trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan tới 1 nhà kho ở Tehran, nơi mà các thanh sát viên phát hiện ra các hạt uranium, khiến họ ngờ rằng nhà kho này từng là một dạng cơ sở hạt nhân. Báo cáo nói rằng câu trả lời của Iran “về mặt kỹ thuật là không đáng tin”.

Không chỉ có quân đội Mỹ đang nhìn vào các lựa chọn phản ứng. Ngoại trưởng Pompeo cùng nhiều quan chức Mỹ nói họ đang theo dõi sát sao các sự kiện xảy ra ở Iraq, để xem Iran và các nhóm dân quân thân với nước này có hành động chống lại các nhà ngoại giao và binh sĩ Mỹ ở Iraq hay không.

Ông Pompeo đã vạch sẵn kế hoạch đóng cửa Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad do nhiều quan ngại ở Iraq, mặc dù gần đây ông có ý sẽ nhượng lại quyền quyết định cho chính quyền kế nhiệm. Trong vài tuần qua, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad nhiều lần được cảnh báo về khả năng bị nã pháo và tên lửa. Việc đóng cửa cơ sở này có thể mất nhiều tháng mới hoàn thành.

Nhưng nhiều quan chức nói rằng điều đó có thể thay đổi nếu công dân Mỹ bị sát hại trước ngày Tổng thống mới tuyên thệ. Họ đặc biệt lo ngại về ngày 3/1/2021, vì tròn một năm trước đòn tấn công do Mỹ thực hiện đã khiến tướng Qassim Suleimani của Iran tử nạn – một sự kiện mà giới lãnh đạo Iran thường xuyên khẳng định rằng họ vẫn chưa trả thù.

Ông Pompeo luôn là người có quan điểm cứng rắn nhất với Iran trong số các cố vấn của ông Trump, và ông cho rằng chính quyền này nên tấn công Iran khi còn có thể. Gần đây, ông còn nói rằng cái chết của một công dân Mỹ là “lằn ranh đỏ” có thể làm dấy lên một đòn tấn công quân sự nhằm vào Iran.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/lo-tin-ong-trump-muon-tan-cong-iran-truoc-khi-roi-nha-trang-post140400.html