'Lo' tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tích cực trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa, qua đó góp phần vào việc sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, việc thực hiện cổ phần hóa các DNNN hiện nay vẫn chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và so với kế hoạch đề ra, làm dấy lên không ít lo ngại về việc không kịp như tiến độ đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiệu ứng tích cực từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Thời gian qua, nhiều Bộ, ngành địa phương đã nghiêm túc thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cơ cấu lại, thực hiện tốt chế độ báo cáo, qua đó tiếp tục khẳng định cổ phần hóa, thoái vốn là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Đến nay, đã cổ phần hóa thành công một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và nhiều DNNN quy mô lớn.

Việc thay đổi phương thức cổ phần hóa cũng mang lại những hiệu ứng tích cực, thông qua việc thực hiện cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn, tổng công ty thay vì cổ phần hóa từng đơn vị con thuộc Tập đoàn, tổng công ty như trước đây. Hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, việc cổ phần hóa DNNN đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán. Trong đó, việc cổ phần hóa gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DN quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của DN.

Bên cạnh đó, nhiều DN sau cổ phần hóa thu hút thêm lao động có kỹ thuật; đa số người lao động trong DN cổ phần hóa được tiếp tục làm việc, được đào tạo lại để nâng cao trình độ, thu nhập tăng so với trước khi cổ phần hóa, chưa kể thu nhập có được từ cổ tức. Lao động dôi dư được hỗ trợ, đào tạo nghề mới theo nhu cầu...

Cổ phần hóa vẫn chậm

Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục DN cổ phần hóa đến hết năm 2020 thì kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 là 128 DN.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 2016-2018, đã có 159 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 211.302 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 112.660 tỷ đồng (53%); bán cho nhà đầu tư chiến lược 62.206 tỷ đồng (29%); đấu giá công khai 34.641 tỷ đồng (16%), số còn lại bán cho người lao động là 1.743 tỷ đồng (1%) và tổ chức công đoàn 47 tỷ đồng (0,02%).

Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 210.915 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 112.500 tỷ đồng (53%); bán cho cổ đông chiến lược 62.206 tỷ đồng (29%); đấu giá công khai 34.464 tỷ đồng (16%), số còn lại bán cho người lao động là 1.695 tỷ đồng (1%) và tổ chức công đoàn 47 tỷ đồng (0,02%).

Trong 09 tháng đầu năm 2019, có thêm 09 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 03 DN thuộc danh mục các DN cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN (02 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (01 DN).

Tổng giá trị DN của các DN này được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 387 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 160 tỷ đồng (41%); đấu giá công khai 176 tỷ đồng (46%), số còn lại bán cho người lao động là 48 tỷ đồng (12%) và tổ chức công đoàn 127 triệu đồng (0,03%).

Như vậy, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 211.302 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 112.660 tỷ đồng (53%); bán cho nhà đầu tư chiến lược 62.206 tỷ đồng (29%); đấu giá công khai 34.641 tỷ đồng (16%), số còn lại bán cho người lao động là 1.743 tỷ đồng (1%) và tổ chức công đoàn 47 tỷ đồng (0,02%).

Tuy nhiên, trong 168 DN đã cổ phần hóa chỉ có 36 trên 128 DN cổ phần hóa thuộc Danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Như vậy, số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 DN.

Có thể thấy, tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm, từ đó làm dấy lên không ít lo ngại về việc không thể kịp tiến độ đề ra. Hiện nay, những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 gồm: TP. Hà Nội cổ phần hóa 13 DN (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 DN (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN cổ phần hóa 06 DN (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 DN (03 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty...

Trong thời gian tới, theo Bộ Tài chính, cần thực hiện nghiêm việc hoàn thành quyết toán công tác cổ phần hóa; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp tiền thu từ cổ phần hóa theo quy định. Trong trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Bên cạnh đó,nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Các bộ, ngành tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

Song Ngư

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/lo-tien-do-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-314656.html