Lộ sự vội vã, bất chấp kiện tụng đất vàng để cổ phần hóa Hãng phim

Góc khuất trong quá trình cổ phần Hóa hãng phim truyện Việt Nam lộ rõ đặc biệt trong việc xử lý đất đai khi cổ phần hóa vẫn tiếp diễn trong khi tranh chấp đất đai tại Tòa án chưa ngã ngũ, kiến nghị thu hồi đất của thanh tra cũng chưa được tuân thủ.

Câu chuyện lùm xùm xung quanh cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) gần đây "phơi bày nhiều góc khuất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước", như lời Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến nói trong cuộc Họp báo tổng kết công tác cổ phần hóa 9 tháng đầu năm 2017.

Dư luận có quyền nghi ngờ mục đích thực sự của việc cổ phần hóa gấp gáp Hãng phim truyện khi riêng câu chuyện về đất vàng tại hãng với những tranh chấp còn chưa ngã ngũ, khi kết luận thanh tra đang kiến nghị thu hồi do vi phạm Luật Đất đai và việc xác định giá trị đất chưa tuân thủ Nghị định 59 về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Như Infonet đã nêu trong những kỳ trước, việc Hãng phim truyện Việt Nam cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê lại diện tích đất đã được Nhà nước cho Hãng thuê để làm phim là vi phạm Luật Đất đai.

Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê.

Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê.

Trên thực tế, đến tháng 4/2017, bà Nguyễn Lệ Thủy (người thuê diện tích 550 m2 hai khu nhà In tráng và Thủy phi cơ của Hãng phim truyện VN) vẫn tiếp tục gửi đơn phản tố, đòi lại tiền Hãng phim. Việc tranh chấp đất đai giữa Hãng phim truyện Việt Nam và bà Thủy vẫn tiếp diễn. Tranh chấp kéo dài từ năm 2012 đến nay, song song với thời gian diễn ra quá trình cổ phần hóa đơn vị này.

Theo đó, vào thời điểm 30/12/2015, khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt phương án cổ phần hóa; tháng 2/2016 phê duyệt bán vốn cho cổ đông chiến lược công ty Vận tải đường thủy Vivaso hay đến tháng 5/2017 Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (tên của VFS sau cổ phần hóa - PV)... tranh chấp đất vẫn đang do tòa án thụ lý.

Như vậy, kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường: "sau thời hạn ba tháng kể từ 30/3/2015 nếu VFS không xử lý dứt điểm việc cho thuê trái mục đích sử dụng và chấm dứt hợp đồng đất đai đang tranh chấp" tại khu đất số 4 Thụy Khuê chưa được giải quyết. Cổ phần hóa tại Hãng phim truyện vẫn... diễn ra bình thường bất chấp việc sử dụng đất sai phạm.

Bên cạnh đó, đối chiếu Nghị định 59 về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tại Khoản 1 Điều 31 quy định đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa đang quản lý (kể cả đất đã được Nhà nước giao dù thu tiền hoặc không thu tiền sử dụng đất), doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Trên thực tế, bản cáo bạch cổ phần hóa tháng 3/2016 cũng nêu rõ: Đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam đang trong quá trình chờ kết quả của các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty.

"Trước khi cổ phần hóa doanh nghiệp phải xác định xong phương án sử dụng đất. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong tương lai, khi đó giá trị của doanh nghiệp phải được xác định lại theo mục đích sử dụng mới, theo đúng giá xây chung cư, cao ốc...", Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định.

Ông Tiến cho biết thêm khi có ý định chuyển đổi mục đích, phải xác định giá trị đất, chuyển quyền sử dụng theo đúng Luật Đất đai. Trong trường hợp cần thiết thành phố áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất.

Như vậy, khi phương án sử dụng đất chưa được phê duyệt nhưng Hãng phim truyện đã tự xác định giá trị doanh nghiệp là vi phạm quy định của pháp luật.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Bộ chủ quản của Hãng phim truyện vẫn phê duyệt phương án cổ phần hóa dù trong Quyết định nêu rõ "tại thời điểm phê duyệt Phương án cổ phần hóa, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM chưa có thỏa thuận về Phương án sử dụng nhà, đất của công ty sau Cổ phần hóa".

Theo ông Đặng Quyết Tiến: "Không thể chưa đối chiếu quy hoạch đất rõ ràng đã bán, cổ phần hóa doanh nghiệp. Mục đích sử dụng đất gắn với giá trị đất được xác định khi cổ phần hóa".

"Nếu mảnh đất đó không đủ giấy tờ hợp pháp phải trả về cho địa phương, không được đưa vào phương án cổ phần hóa", vị Cục phó nêu quan điểm về việc vẫn còn tranh chấp tại đất đai mà Hãng phim truyện Việt Nam đang nắm giữ.

Nhiều góc khuất trong quá trình cổ phần hóa tại VFS được phơi bày, theo ông Tiến, xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá doanh nghiệp còn những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình...

Nam Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/lo-su-voi-va-bat-chap-kien-tung-dat-vang-de-co-phan-hoa-hang-phim-post239432.info