Lo sợ gián đoạn nguồn cung, Nga nhờ tới Trung Quốc sản xuất Sputnik V

Nga đang tìm đến các công ty Trung Quốc để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V với hy vọng đẩy nhanh tiến độ sản xuất trong bối cảnh nhu cầu đối với loại vaccine này tăng cao.

Một nhân viên y tế Nga chuẩn bị liều tiêm vaccine Sputnik V. Ảnh: AP

Một nhân viên y tế Nga chuẩn bị liều tiêm vaccine Sputnik V. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, trong một vài tuần trở lại đây, Nga thông báo đã ký kết 3 thỏa thuận sản xuất tổng cộng 260 triệu liều vaccine đối với các công ty sản xuất vaccine Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia ở Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi đặt hàng vaccine của Nga sẽ nhanh chóng triển khai các chương trình tiêm chủng.

Trước đó, dựa trên dữ liệu công bố trên tạp chí y khoa Anh The Lancet, vaccine Sputnik V của Nga được chứng minh là an toàn và đạt mức hiệu quả lên tới 91% trước virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đặt câu hỏi liệu Nga có khả năng hoàn thành cam kết cung cấp hàng triệu liều vaccine tới các nước trên thế giới hay không. Cho đến nay, số vaccine Nga được chuyển tới các nước vẫn chỉ là một phần nhỏ, mới có 11,5 triệu liều được xuất khẩu trong tổng số 630 triệu liều thỏa thuận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nhu cầu về Sputnik V vượt xa so với năng lực sản xuất trong nước của Nga.

Để thúc đẩy sản xuất, Quỹ đầu tư trực tiếp (RDIF) của Nga đã ký thỏa thuận với nhiều nhà sản xuất vaccine ở các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy… Tuy nhiên, vẫn chưa có nhà sản xuất nào có tiềm năng sản xuất được một lượng lớn vaccine đáp ứng nhu cầu.

Thay đổi chiến lược, Nga tìm đến các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc. Hồi tháng 4, RDIF tuyên bố Nga sẽ sản xuất 100 triệu liều vaccine hợp tác với công ty sinh học Hualan của Trung Quốc. Trước đó, tổ chức này cũng đã đạt thỏa thuận hồi tháng 3 với công ty công nghệ sinh học Shenzhen Yuanxin Gene sản xuất 60 triệu liều vaccine.

Tháng 11 năm ngoái, RDIF cũng đã ký kết một hợp đồng với hãng dược phẩm Tibet Rhodiola khi hãng này cam kết trả 9 triệu USD để sản xuất và bán vaccine Sputnik V trong thị trường Trung Quốc.

Rasmus Bech Hansen, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Airfinity, cho biết: “Nga tham vọng song rất khó có thể đạt được các mục tiêu trọn vẹn. Việc hợp tác với Trung Quốc để sản xuất Sputnik V có thể là quyết định đôi bên cùng có lợi cho cả Nga và Trung Quốc”.

Trong những năm gần đây, phần lớn các công ty sản xuất vaccine Trung Quốc đã chuyển từ sản xuất các sản phẩm để sử dụng trong nước sang cung cấp cho thị trường toàn cầu. Trong đại dịch COVID-19, các công ty vaccine Trung Quốc đã xuất khẩu hàng trăm triệu liều dùng ra nước ngoài. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã mở rộng năng suất và cho biết họ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước vào cuối năm nay.

Dù có phần chậm trễ song chính sách ngoại giao vaccine của Nga dường như đã cho thấy hiệu quả.

Ngay từ đầu, Nga - quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 – đã mong muốn đạt mục tiêu phân phối vaccine toàn cầu. Trong vài tuần sau khi Sputnik V được phê duyệt, RDIF bắt đầu tích cực tiếp thị nó ra nước ngoài. Trong một báo cáo mới kiểm tra hoạt động ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc từ Economist Intelligence Unit (EIU), các nhà phân tích cho biết Moskva đã giành chiến thắng trong trận chiến “quan hệ công chúng”.

Imogen Page-Jarrett, một nhà phân tích tại EIU, lý giải: “Nga đã xây dựng mối quan hệ ngoại giao bền chặt hơn trrong lĩnh vực mà trước đây họ chưa thể làm được. Họ đã giành được cơ hội này trong khi Mỹ, Liên minh châu Âu và Ấn Độ đang tập trung vào trong nước, còn phần còn lại của thế giới thì mong chờ nguồn cung cấp vaccine”.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lo-so-gian-doan-nguon-cung-nga-nho-toi-trung-quoc-san-xuat-sputnik-v-20210503141953344.htm