Lo rớt lớp 10, tăng tiết ôn thi tiếng Anh

Trước thay đổi trong cách tính hệ số môn thi tuyển sinh lớp 10, các trường THCS tại TP.HCM đều tăng cường ôn tập tiếng Anh cho học sinh lớp 9.

Năm nay, hầu hết trường THPT đều giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 so với năm học trước, trong khi số học sinh tốt nghiệp THCS dự kiến lại cao hơn. Mỗi năm TP.HCM lại giảm thêm 3% chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập. Dự kiến, năm nay sẽ có gần 30.000 học sinh rời khỏi cuộc đua lớp 10 công lập.

Ngoại ngữ đang dần có vị trí quan trọng

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong giai đoạn này, các trường THCS vừa tiến hành dạy học theo kế hoạch vừa tổ chức tư vấn cho học sinh cách lựa chọn nguyện vọng phù hợp. Đặc biệt, trước thay đổi trong cách tính điểm hệ số môn thi (cả 3 môn đều tính hệ số 1), các trường đều tăng tiết ôn tập môn Tiếng Anh cho học sinh lớp 9.

Tại trường THCS Minh Đức (quận 1), nhà trường tiến hành tăng tiết 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, mỗi môn 2 tiết/tuần học ở buổi 2 cho gần 380 học sinh khối 9. Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cũng tổ chức tăng tiết cho học sinh lên 2 tiết/môn/tuần. Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10) thì tổ chức ôn tập cho học sinh theo các chủ đề.

Ngoài tăng tiết ôn tập, điểm mới của các trường năm nay là tiến hành cho học sinh tham quan các trường THPT lân cận, đồng thời kết hợp với các trường nghề, trường cao đẳng cho học sinh trải nghiệm một số nghề nghiệp.

Theo bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường THCS Minh Đức, trong giai đoạn đầu, nhà trường cho học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 theo mong muốn để nắm thông tin cũng như động viên, khích lệ các em. Song song đó, trong quá trình học tập, căn cứ vào năng lực, kết quả của từng học sinh, các thầy cô sẽ có tư vấn cụ thể hơn.

 Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh.

Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh.

Trước việc thay đổi cách tính hệ số các môn thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết những năm gần đây, Bộ GD&ĐT cho phép đánh giá học sinh dựa trên điểm số 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Điều này cho thấy ngoại ngữ đang dần có vị trí quan trọng trong việc phân loại, đánh giá học sinh. TP.HCM cũng có một đề án phát triển ngoại ngữ, mong muốn học sinh đạt được chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện để tiếp cận chương trình bậc đại học ở các nước, có thể du học. Ngoài ra, thời lượng học môn Ngoại ngữ hiện nay ở các trường THPT đã được phân bổ bằng thời lượng 2 môn Toán và Ngữ văn.

Học sinh có nhiều hướng đi

Năm học 2021-2022, các trường THPT tại TP.HCM đều giữ nguyên chỉ tiêu so với năm học trước. Theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), trường dự kiến chỉ tiêu bằng năm học trước, cụ thể là 14 lớp 10 thường và 1 lớp tích hợp.

Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết trường tuyển 15 lớp 10 và không thực hiện lớp tích hợp. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) cũng dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh là gần 700 học sinh với 16 lớp. Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), thông tin trường giữ nguyên chỉ tiêu so với năm trước, cũng sẽ tuyển 10 lớp thường, 5 lớp chuyên và 2 lớp tích hợp.

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2021-2022, toàn thành phố có khoảng 99.000 học sinh tốt nghiệp THCS, năm học trước là khoảng 96.000 học sinh. Như vậy, số học sinh lớp 9 năm nay nhiều hơn. Cũng ở năm học trước, các trường THPT công lập tại TP.HCM tuyển 66.520 học sinh. Năm học 2021-2022, số học sinh lớp 9 nhiều hơn, các trường THPT hầu hết giữ nguyên chỉ tiêu, nếu trừ đi số học sinh lựa chọn các trường tư thục và du học thì số học sinh rớt lớp 10 công lập dự kiến bằng năm ngoái, vào khoảng 30.000.

Học sinh có nhiều hướng đi nếu rớt lớp 10 công lập vì theo quy định của Sở GD&ĐT TP.HCM, các cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho phụ huynh và học sinh chọn nguyện vọng thi tuyển vào lớp 10 các trường phù hợp với năng lực học tập của các em, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi đã trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của thành phố.

Để bảo đảm việc học tập đối với các trường hợp học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 THPT xa nơi cư trú, trường THCS tư vấn riêng với phụ huynh, đề nghị phụ huynh chứng minh điều kiện bảo đảm cho học sinh học tập tại trường đã đăng ký theo nguyện vọng, không thay đổi nguyện vọng khi đã trúng tuyển. Trường hợp nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp 9 hướng dẫn sai sót hoặc không rõ ràng thì lãnh đạo nhà trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với phụ huynh và trước cơ quan quản lý cấp trên.

60% câu hỏi đề thi thuộc dạng cơ bản

Theo quy định của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM). Thí sinh dự thi 3 môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Một thay đổi quan trọng là thời gian làm bài môn ngoại ngữ từ 60 phút lên 90 phút. Thời gian làm bài của môn Ngữ văn, Toán vẫn là 120 phút/môn. Ngoài ra, cả 3 môn đều tính hệ số 1. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ 3 bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0. Đề thi của cả 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đều có 60% câu hỏi thuộc dạng cơ bản, 40% thuộc dạng nâng cao để phân hóa thí sinh.

Theo Đặng Trinh / Người Lao Động

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lo-rot-lop-10-tang-tiet-on-thi-tieng-anh-post1200911.html