Lở núi ở Nha Trang: Radar bị 'bịt mắt', không quan trắc được mưa

Vùng mưa lớn gây ra lũ quét và sạt lở đất chỉ cách trạm radar thời tiết Nha Trang khoảng 3 km, nhưng không thể quan trắc được.

Lãnh đạo Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai cho hay dự báo bão đổ bộ vào sáng và chiều 24/11 nên nguy cơ mưa, ngập lụt tại các tỉnh vào đêm 23/11 là rất cao. Dự kiến, bão đi vào TP Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng lại mưa lớn tại tỉnh Phú Yên.

Thống kê của UBND tỉnh Khánh Hòa, đợt mưa lũ vừa qua địa phương có 19 người chết, 28 người bị thương và 71 nhà dân bị sập đổ...

Trạm radar thời tiết Nha Trang bị vây kín bởi nhiều công trình cao tầng. Ảnh: M.Hoàng.

Trạm radar thời tiết Nha Trang bị vây kín bởi nhiều công trình cao tầng. Ảnh: M.Hoàng.

Khách sạn cao tầng che khuất radar thời tiết

Ông Nguyễn Vinh Thư, Giám đốc Đài khí tượng cao không thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho hay đợt mưa lớn kỷ lục ở Khánh Hòa vừa qua, vùng mưa lớn nhất radar lại không quan trắc được do bị che khuất địa vật là các khách sạn, chung cư cao tầng bao quanh.

Vùng mưa lớn gây ra lũ quét và sạt lở đất này lại chỉ cách trạm radar thời tiết Nha Trang khoảng 3 km, trong khu vực vùng mù/vùng nhiễu của radar nên đã không thể quan trắc.

"Do đô thị hóa và phát triển hạ tầng quá nhanh, trạm radar thời tiết Nha Trang đang bị vây kín bởi nhiều công trình tòa nhà, khách sạn và các tháp truyền hình, viễn thông...", ông Thư nói.

Trạm radar thời tiết Nha Trang nằm lọt thỏm giữa nhiều khối nhà cao tầng ở trung tâm TP Nha Trang. Ảnh: Minh Hoàng.

Năm 2000, trạm radar thời tiết Nha Trang thuộc chủng loại Doppler EEC - DWSR-2500C lắp đặt tại số 22 trên đường Pasteur (TP Nha Trang) có vai trò quan trắc, theo dõi, cảnh báo và giám sát toàn bộ diễn biến thời tiết khu vực Nam Trung Bộ trong phạm vi bán kính 200-480 km.

Theo vị này, mật độ các trạm radar quan trắc thời tiết khu vực Nam Trung Bộ còn rất thưa, chỉ có duy nhất một trạm tại TP Nha Trang. Còn từ Nha Trang hướng lên phía bắc Tây nguyên thì không có trạm nào nên không thể quan trắc được ở khu vực này.

Tín hiệu nhiễu khi thu sóng

Ông Trần Văn Hưng, Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, cho biết thêm trạm radar thời tiết Nha Trang ở trên đường Pasteur cao 57 m so với mực nước biển. Hàng loạt công trình cao tầng vây quanh nên khi hoạt động góc quét của radar bị che khuất.

Theo ông Hưng, về nguyên lý hoạt động, khi radar phát ra mức sóng chính kèm theo đó là các tia sóng phụ trong phạm vi 10 km trở xuống. Do vậy khi radar hoạt động thì các tia sóng phụ gặp các cản trở địa hình, cũng như mặt đất thì phản hồi lại tín hiệu gây nhiễu khi thu sóng về.

Năm 2000, trạm radar thời tiết Nha Trang thuộc chủng loại Doppler EEC - DWSR-2500C, được lắp đặt tại số 22 trên đường Pasteur (TP Nha Trang), có vai trò quan trắc, cảnh báo và giám sát toàn bộ diễn biến thời tiết khu vực Nam Trung Bộ trong bán kính 200-480 km.

"Đối với các radar thế hệ cũ như trạm radar thời tiết Nha Trang thì việc xử lý các tín hiệu này chưa có. Do vậy các tín hiệu trong bán kính 10 km không đáng tin cậy. Khi gặp thời tiết nguy hiểm có những vùng mây đối lưu gây mưa lớn thì radar thời tiết Nha Trang không phát hiện được", ông Hưng xác nhận.

Hiện Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ được đầu tư hai trạm radar ở Vũng Chua (TP Quy Nhơn, Bình Định) và radar thời tiết ở Hòn Tre ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy nhiên, sớm nhất đến năm 2019, hai trạm radar này mới có thể đi vào hoạt động.

Kiến nghị dời radar từ 8 năm trước

Tháng 6/2010, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa từng họp bàn với các Sở, ngành, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 7 (Cục Tần số vô tuyến điện).

Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản kết luận: Trạm radar thời tiết Nha Trang có nhiều vật che chắn nên đã bị hạn chế nhiều về tính năng, tác dụng. Ngoài ra, khi hoạt động trạm này đã tạo ra các phát xạ ngoài băng, tiềm ẩn nguy cơ và trực tiếp gây can nhiễu cho các tần số đã được cấp phép.

Khi ăngten quay với góc ngẩng lớn hơn 120 so với phương nằm ngang, thì các phát xạ ngoài băng không xuất hiện (do không bị các vật cản) nhưng vùng quan sát của radar không đảm bảo yêu cầu quan trắc thời tiết cho khu vực Nam Trung Bộ. Các phát xạ ngoài băng ngày càng gia tăng cường độ và mật độ, theo tốc độ đô thị hóa của TP Nha Trang (ngày càng nhiều những vật thể che chắn).

Thời điểm đó, cơ quan chức năng Khánh Hòa thống nhất vị trí lắp đặt trạm radar thời tiết tại đảo Hòn Tre (TP Nha Trang ) có độ cao và không bị công trình che chắn sẽ phát huy hết tính năng, phục vụ tốt yêu cầu dự báo thời tiết của khu vực và của quốc gia. Tuy nhiên đến nay đã 8 năm trôi qua, trạm radar thời tiết Nha Trang vẫn chưa được di dời đến nơi mới.

Lở núi kèm theo lũ quét gây thiệt hại nặng về người và tài sản người dân TP Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 18/11 vừa qua. Ảnh: Minh Hoàng.

Tháng 12/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi 500 m2 đất tại đảo Hòn Tre (do Quân chủng Hải quân tự nguyện trả lại) và giao cho Trung tâm Khí tượng quốc gia xây cơ sở để dời trạm radar thời tiết Nha Trang ra đảo. Hiện trạm radar Hòn Tre được đầu tư cơ sở hạ tầng, chờ vận chuyển thiết bị từ Phần Lan đưa về lắp đặt và hoàn tất thủ tục xin cấp nguồn điện để hoạt động.

Nói về đợt mưa kỷ lục vừa qua, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay trận mưa lớn vừa qua chưa từng xảy ra trên địa bàn nên địa phương có sự lúng túng.

"Chỉ vài tiếng sáng 18/11 đã xảy ra hàng loạt sự cố sạt lở gây sập nhà, chết người nên các cơ quan ban ngành của tỉnh trở tay không kịp. Hiện, tỉnh tập trung mọi phương tiện, con người để ứng phó với cơn bão số 9 sắp tới”, ông Vinh nói.

Dự án đào núi làm hồ bơi khiến 4 người chết ở Nha Trang Chủ đầu tư dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú Nha Trang thừa nhận công trình hồ bơi thi công dở dang xảy ra sự cố vỡ bờ, gây lở núi kèm lũ quét khiến 4 người chết.

Minh Hoàng - An Bình

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lo-nui-o-nha-trang-radar-bi-bit-mat-khong-quan-trac-duoc-mua-post894389.html