'Lò nóng' nên không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm?

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi này trước tình trạng giải ngân đầu tư công rất chậm, gây lãng phí, cho thấy chưa đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.

Có vấn đề bất thường

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên Hội trường chiều 30/10, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, đã lâu rồi Quốc hội mới có không khí phấn chấn đón nhận nhiều tín hiệu tích cực về phát triển kinh tế - xã hội như kỳ họp lần này với những con số ấn tượng. Tuy nhiên, theo ông Hạ, cũng chưa có kỳ họp nào đại biểu lại quan tâm đến giải ngân chậm trong đầu tư công như vậy.

Đại biểu đặt vấn đề, vì sao tồn tại diễn ra nhiều năm mà đến nay chưa được khắc phục, lại có dấu hiệu nghiêm trọng hơn? Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ nhận định chưa bao giờ đặc biệt nghiêm trọng như vậy! “Phải chăng phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả của Chính phủ chưa triển khai hoặc không triển khai được trong lĩnh vực đầu tư công?”

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ

Giải ngân chậm không chỉ làm giảm hiệu quả thực hiện các mục tiêu KT-XH mà còn kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây thất thoát lãng phí rất lớn nguồn lực của nhà nước như hạ tầng cơ sở chậm phát triển, dự án đội vốn nhiều lần, lãi suất vay vẫn phải trả, giảm uy tín với nhà tài trợ quốc tế.

“Ở đây có vấn đề gì bất thường?” – ông Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi vì theo quy luật, 2019 là năm cuối của chu kỳ đầu tư công trung hạn 2016-2020, năm bản lề phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ công tác, năm mà thủ tục đầu tư đã phải hoàn thiện nhu cầu vốn cao nhất, mọi tập trung nhằm vào hoàn thành khối lượng và tiến độ dự án...

Đề cập nguyên nhân của tình trạng trên, vị đại biểu đoàn Bạc Liêu nhấn mạnh, thông qua giám sát có thể khẳng định nguyên nhân chính của giải ngân chậm là do tổ chức thực hiện chứ không phải do vướng mắc trong hệ thống luật.

Riêng với Luật Đầu tư công, ông Tạ Văn Hạ lưu ý quy trình, thủ tục đầu tư cơ bản không khác gì trước khi chưa có luật mà chỉ theo hướng nhằm xóa cơ chế xin - cho, nạn chạy dự án, đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản... Có lẽ nào tiến bộ này của luật là một trong những nguyên nhân làm chậm giải ngân đầu tư công?

Đại biểu cũng chỉ ra nhiều văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành, nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật chưa rõ, chưa cụ thể. Có hướng dẫn mà cơ sở, địa phương đọc không hiểu, phải có văn bản hỏi, xin ý kiến, cá biệt có hướng dẫn thắt chặt hơn so với luật.

Cùng với đó, công tác lập quy hoạch, kế hoạch dự án thiếu chủ động, không sát với nhu cầu thực tế, chủ trương. Công tác đầu tư, lập dự án còn nhiều bất cập.

“Các nước phát triển chuẩn bị đầu tư 2-3 năm làm trong 1 năm, trong khi ta chỉ chuẩn bị 1 tháng, vài tháng để làm trong cả một giai đoạn. Quản trị yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ; năng lực người đứng đầu có hạn chế, lại trong bối cảnh “lò lúc nào cũng nóng” nên không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm” – ông Tạ Văn Hạ nói.

Đại biểu đề nghị sớm có giải pháp căn cơ, quyết liệt hành động để giải quyết dứt điểm hạn chế này. Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, công khai người đứng đầu để giải ngân chậm, giải ngân không hết vốn phân bổ và giao theo kế hoạch năm tài chính.

Lãng phí!

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) cho biết tỷ lệ giải ngân đến nay chỉ đạt 91,1% kế hoạch Thủ tướng giao. Nếu so với dự toán của Quốc hội thì tỷ lệ này còn thấp hơn, trong đó giải ngân vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt 52,6%. Riêng vốn trái phiếu Chính phủ đạt 26,2%, vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 23,1%, khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu trên Hội trường

Ngoài ra, tình trạng chuyển vốn còn lớn, cá biệt có tình trạng chuyển nguồn nhiều năm gây lãng phí. Trong khi đó, ở nhiều bộ, ngành và địa phương có nhu cầu ngân sách rất lớn để chi xây dựng cơ bản thì nhiều khoản giải ngân thấp, khả năng chuyển nguồn còn khá lớn.

Đây là một trong những vấn đề tồn tại nhiều năm qua, song chúng ta vẫn chưa khắc phục được. Do vậy, đề nghị tới đây Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu các nguyên nhân cụ thể để có giải pháp hữu hiệu hơn, kiên quyết hơn trong việc giải ngân và sử dụng nguồn vốn.

“Trong khi nhiều công trình cấp bách khác còn đang chờ bổ sung vào danh mục đầu tư thì các công trình đã được đưa vào danh mục đầu tư lại không giải ngân được hết hoặc giải ngân không đúng tiến độ, thiếu hồ sơ, thủ tục là khó chấp nhận” – đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến và đề nghị có giải pháp hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng điều hành ngân sách cả chi thường xuyên và chi đầu tư, hạn chế tối đa gây lãng phí nguồn lực tài chính, góp phần tiết kiệm ngân sách, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/lo-nong-nen-khong-dam-quyet-dam-lam-so-chiu-trach-nhiem-972954.vov