Lo nhiều bộ sách giáo khoa lại có chuyện 'chạy' sử dụng trường này, tỉnh kia

Sáng ngày 12/3, tiếp tục chương trình phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề sách giáo khoa (SGK) tiếp tục nhận được nhiều quan tâm.

“Cái băn khoăn nhất của tôi là SGK”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu

“Cái băn khoăn nhất của tôi là SGK”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu

Băn khoăn nhất là SGK

“Thời gian qua, SGK không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, có nhiều sách tham khảo bắt học sinh phải mua là vấn đề bức xúc”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đặt vấn đề, SGK là nội dung rất quan trọng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho hay ông còn băn khoăn khi Điều 31 Dự thảo quy định “mỗi môn học có một hoặc một số SKG”. Trong khi, Nghị quyết 29 của Trung ương nêu rõ, biên soạn SGK, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng học.

“Như vậy, không có nghĩa, tất cả các bậc học, cấp 1, cấp 2, cấp 3 đều biên soạn nhiều SGK cho 1 môn học. Nếu quy định như Dự thảo thì có thể lãng phí, chưa định hướng được các cấp bậc học”, ông Chiến nêu.

Cũng theo ông Chiến, Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức biên soạn 1 bộ SGK và bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do các tổ chức, đơn vị khác biên soạn. Tuy nhiên, Dự luật“không nói gì đến bộ SKG do Bộ GD&ĐT biên soạn”.

“Cái băn khoăn nhất của tôi là SGK”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu và đặt vấn đề, Dự thảo Luật đã bám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội, tuy nhiên, liệu như vậy có phù hợp với thực tế không?

Dẫn quy định tại Dự thảo về việc Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện biên soạn một bộ SGK và bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn; còn việc lựa chọn sử dụng giảng dạy là việc lựa chọn của trường sau khi tham khảo ý kiến của phụ huynh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, theo Chủ tịch Quốc hội, quy định như vậy thì phức tạp quá.

“Làm sao cha mẹ học sinh nói nên chọn sách này mà không chọn sách kia? Rồi lại có xu hướng chạy để bộ sách của mình được sử dụng ở trường này, tỉnh kia. Như vậy có lãng phí không khi Nhà nước bỏ tiền cho Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách nhưng các trường lại không chọn?”, bà Ngân băn khoăn.

Bộ trưởng Giáo dục chịu trách nhiệm về SGK

Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết 29 của về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nên lần đổi mới này có nhiều thay đổi trong cách dạy, cách học, chuyển từ giảng dạy kiến thức sang đào tạo năng lực cho học sinh.

“Quan trọng nhất là chương trình giáo dục phổ thông có tính chất pháp lệnh, còn SGK chỉ là công cụ, tài liệu phục vụ trong giảng dạy chứ không phải là tài liệu bắt buộc, duy nhất”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình môn học. Trên cơ sở đó, các tổ chức, cá nhân mới viết SGK để cụ thể chương trình.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ có hướng dẫn lựa chọn SGK

Các bộ SGK phải đủ chuẩn và được Hội đồng Quốc gia thẩm định, rồi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định ban hành mới được đưa vào sử dụng.

“Dự thảo Luật đã quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chương trình giáo dục phổ thông và chất lượng SGK. Bộ sẽ có hướng dẫn việc lựa chọn trong các cơ sở giáo dục”, ông Bình nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích thêm, chương trình giáo dục phổ thông mới có 80% thống nhất trong cả nước, 20% là nội dung địa phương và chương trình này đã được biên soạn, xin ý kiến rất kỹ.

Theo ông Nhạ, SGK lần này sẽ cụ thể hóa chương trình có tính “pháp lệnh” thống nhất trong toàn quốc.

“Người dạy theo chương trình mới không nhất thiết bám chặt SGK, ngoài ra còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp vì mục đích chính của đổi mới lần này là đổi mới dạy và học”, Tư lệnh ngành Giáo dục nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nhạ, Bộ GD&ĐT đang soạn thảo thông tư để ban hành hướng dẫn lựa chọn sách, “chứ không phải ai thích chọn thế nào thì chọn”.

“Dù ai biên soạn SGK cũng do Hội đồng Quốc gia thẩm định, Bộ trưởng phê duyệt có cho sử dụng hay không và Bộ trưởng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm”,Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Giá SGK 8 năm “đứng yên”: Tại sao?

Cũng tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, trong 8 năm qua từ 2011 tới nay, giá SGK đứng yên, không thay đổi dù tiền lương tối thiểu vùng tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần, giấy in tăng 20%, điện tăng 41%.

“Nếu không tăng giá thì doanh nghiệp nghiệp được in SGK sẽ bị lỗ bao nhiêu?”, bà Ngân nêu, trường hợp không điều chỉnh giá thì với những khoản lỗ như thế thì Chính phủ sẽ xử lý thế nào?

Giải trình, Bộ trưởng Nhạ cho hay, vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng thấy bất cập khi giá SGK 8 năm rồi vẫn chưa tăng giá nên khi Nhà xuất bản Giáo dục đề nghị tăng giá Bộ đã thống nhất chủ trương và xin ý kiến các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Nhạ, quan điểm của Bộ là nếu điều chỉnh giá thì phải tính đúng, tính đủ và công khai đồng thời phải làm tốt công tác truyền thông trước và sau vì đây là mặt hàng nhạy cảm, nếu không chuẩn bị kỹ sẽ tạo dư luận không tốt.

“Chúng tôi yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục dừng lại ở chủ trương và thống kê báo cáo để Bộ thẩm định giá đó có tính đúng, tính đủ chi phí hay không sau đó mới xem xét trình Chính phủ theo đúng quy trình, chủ trương”, ông Nhạ cho hay.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/lo-nhieu-bo-sach-giao-khoa-lai-co-chuyen-chay-su-dung-truong-nay-tinh-kia_t114c8n145754