Lộ nguyên nhân Nga tiếp tục sản xuất oanh tạc cơ Tu-160

Ngày 29/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đã chỉ thị nối lại hoạt động chế tạo máy bay ném bom siêu âm chiến lược Tu-160.

Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Sergei Shoigu khi tới thăm Nhà máy Hàng không Kazan: "Ngày hôm nay cần có quyết định về nhiệm vụ không chỉ bảo dưỡng và hiện đại hóa phi đội máy bay tầm xa, mà cả việc nối lại chế tạo máy bay mang tên lửa Tu-160".

Tu-160 là "cỗ máy đặc biệt đi trước thời đại nhiều thập kỷ và cho tới nay vẫn chưa khai thác hết các khả năng của nó", Bộ trưởng Sergei Shoigu cho biết thêm.

Quyết định của Nga được tờ Inquisitr (Mỹ) nhận định, theo đó nguyên nhân khiến Nga quyết định hồi sinh máy bay ném bom từ thời Liên Xô xuất phát từ sức mạnh khủng khiếp của Tu-160 - máy bay ném bom có thể khiến máy bay B-1 Lancer phải lép vế.

Về tải trọng vũ khí: Tu-160 được trang bị 2 khoang chứa vũ khí bên trong thân có khả năng mang tải trọng 20 tấn/khoang. Mỗi khoang này có khả năng mang theo 6 tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm siêu xa Kh-55SM với tầm bắn lên đến 3.000km, tổng cộng mỗi chiếc Tu-160 có thể mang theo 12 tên lửa Kh-55SM trong 2 hệ thống phóng ổ quay.

Tu-160 còn có thể mang theo 12 tên lửa hành trình tầm bắn 300km. Tổng tải trọng vũ khí mà Tu-160 có thể mang theo lên đến 40 tấn. B-1 Lancer được trang bị 3 khoang vũ khí bên trong thân có khả năng mang theo tải trọng vũ khí 34 tấn.

Tu-160 được thiết kế để hoạt động ở tốc độ tối đa Mach 2.05 (2.220km/h) ở độ cao lớn, tốc độ hành trình trung bình 960km/h. Phạm vi hoạt động thực tế 12.300km không cần tiếp nhiên liệu, bán kính chiến đấu 7.300km, trần bay 15km.

B-1 Lancer có khả năng đạt tốc độ tối đa Mach 1,25 (1.340km/h) ở độ cao lớn, tốc độ hành trình khoảng 1.100km/h, phạm vi hoạt động 11.900km không tiếp nhiên liệu, bán kính chiến đấu 5.544km, trần bay 15km. Cả hai loại máy bay này đều được điều khiển bởi phi hành đoàn 4 người, trong đó có 2 phi công, 1 sĩ quan phụ trách vũ khí và một sĩ quan phụ trách phòng thủ.

Xét về nhiệm vụ thiết kế và đặc tính kỹ chiến thuật, B-1 Lancer và Tu-160 là tương đương nhau. Tuy nhiên, do khác biệt về đường lối quốc phòng của mỗi nước nên Tu-160 chỉ hoạt động với nhiệm vụ mang tên lửa tấn công tầm xa vào các mục tiêu trọng yếu của đối phương. Về mặt lý thuyết, Tu-160 vẫn có khả năng mang bom nhưng hiện tại nó không được thiết kế cho mục đích này. Trong ảnh: Máy báy B-1 Lancer.

B-1 Lancer lại thể hiện một khả năng mang vũ khí đa dạng đúng nghĩa với vai trò máy bay ném bom chiến lược. Nó vừa có khả năng mang bom và tên lửa nên khả năng hoạt động đa dạng hơn. B-1 đã tham gia vào các chiến dịch ném bom Kosovo, chiến tranh Iraq năm 2003, chiến tranh Afghanistan. B-1 đã chứng minh được tính hiệu quả chiến đấu cao của nó so với các máy bay khác.

Xét về tổng thể, B-1 Lancer có nhiều lợi thế hơn, tuy nhiên Tu-160 lại có được khả năng tấn công tầm xa biến nó thành đối thủ lớn nhất trên bầu trời với Mỹ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/lo-nguyen-nhan-nga-tiep-tuc-san-xuat-oanh-tac-co-tu-160-3265927/