Lo ngại 'vườn ươm tư tưởng cực đoan' trong các nhà tù ở châu Âu

Vụ việc Chérif Chekatt nổ súng tại một chợ Giáng sinh nổi tiếng nhất châu Âu thuộc thành phố Strasbourg của Pháp làm 5 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương hồi cuối năm ngoái vẫn là nỗi ám ảnh trong tâm trí của nhiều người. Các nhà điều tra tin rằng, Chérif Chekatt đã nuôi dưỡng tư tưởng cực đoan trong quá trình chấp hành án phạt tù vì một số tội danh hình sự trước đó.

Thiệp, hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân xấu số sau vụ tấn công ở Berlin ngày 23-12-2016 làm 12 người thiệt mạng

Thiệp, hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân xấu số sau vụ tấn công ở Berlin ngày 23-12-2016 làm 12 người thiệt mạng

Một vấn đề đáng lo ngại ở châu Âu

Trước khi tiến hành cuộc tấn công, Chérif Chekatt (29 tuổi), gốc Ma-rốc không phải là nhân vật xa lạ với các cơ quan chức năng. Chérif Chekatt đã ở tù nhiều năm và đã có đến 27 tiền án về tội trộm cắp và bạo lực ở Pháp, Đức và Thụy Sỹ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Laurent Nunez cho rằng, trong thời gian ở tù, có nhiều bằng chứng cho thấy Chérif Chekatt thực hành một hình thức Hồi giáo cực đoan và được đưa vào diện theo dõi đặc biệt.

Trong cuộc tấn công ở thành phố Strasbourg, các nhân chứng đã nghe thấy Chérif Chekatt hét lên “Allah Allahu akbar” - giống như các phiến quân Hồi giáo thường hét lên trong các cuộc tấn công khủng bố. Nhiều nguồn tin khác cũng cho rằng, Chérif Chekatt cam kết trung thành với IS.

Chérif Chekatt không phải là trường hợp duy nhất bị cho là hình thành quan điểm cực đoan khi ở trong tù. Anis Amri - người gốc Tunisia, thủ phạm của vụ tấn công xe tải vào chợ Giáng sinh Berlin năm 2016 cũng được cho là hình thành hệ tư tưởng cực đoan trong thời gian thi hành án phạt tù vì một số tội danh hình sự ở Italia trước đó.

“Phát triển tư tưởng cực đoan trong nhà tù đang là vấn đề đáng lo ngại ở châu Âu”, ông Jürgen Stock, Tổng Thư ký Interpol nói trong một bài phát biểu trước Hiệp hội Báo chí Anh- Mỹ tại Paris vào ngày 19-12-2018, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công Strasbourg. Khi các chiến binh trở về Pháp từ các thành trì của IS thất thủ ở Syria và Iraq, Pháp phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi gần 20.000 người bị đưa vào danh sách có nguy cơ tiềm ẩn về an ninh, bao gồm cả các phần tử cực đoan.

Ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan trong các nhà tù

Các nhà tù có thể sẽ giống như “vườn ươm các phần tử cực đoan”. Nhiều đối tượng không bị kết án vì tội danh tấn công khủng bố cụ thể mà chỉ là hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố nên bản án không quá nặng. Những đối tượng này sẽ được trả tự do trong vài năm tới. Chúng có thể lại tiếp tục trở thành một phần của nhóm khủng bố hoặc những người hỗ trợ các hoạt động khủng bố.

Thomas Renard, một chuyên gia chống khủng bố người Bỉ và nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Egmont ở Brussels nhận định, trong một số trường hợp, các nhà tù có thể là nơi mà những kẻ bị kết án tìm kiếm một hình thức cứu rỗi mới trong tôn giáo và trở thành phần tử Hồi giáo cực đoan. Trong những trường hợp khác, một số tù nhân trở thành bạn của những kẻ thánh chiến và bị ảnh hưởng, lôi kéo từ những phần tử này. “Tất nhiên, tôi không cho rằng, tất cả các tù nhân đều có nguy cơ trở thành phần tử cực đoan. Trong số 70.000 tù nhân ở Pháp, khoảng 1.600 người đã bị kết án về tội khủng bố hoặc bị nghi ngờ là cực đoan, chỉ chiếm 2% tổng số tù nhân trong tù”, chuyên gia Thomas Renard nói.

Được biết, gần đây, một số quốc gia châu Âu đã tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan trong các nhà tù. Vào tháng 2-2018, Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ cách ly những kẻ cực đoan khỏi các tù nhân khác. Đồng thời, tăng gấp đôi số trung tâm đánh giá nhà tù nhân để theo dõi các phần từ cực đoan từ 3 trung tâm lên 6 trung tâm.

Mạnh Tường

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/lo-ngai-vuon-uom-tu-tuong-cuc-doan-trong-cac-nha-tu-o-chau-au/801005.antd