Lo ngại về Trung Quốc ở 'sân sau' của Mỹ

Không phải Mỹ mà Trung Quốc mới là nhân tố phổ biến ở Venezuela và các nước Mỹ La-tinh quan trọng như Mexico, Argentina và Peru, theo khảo sát của Latinobarómetro.

Trong khi khủng hoảng chính trị ở Venezuela chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, chính quyền Washington tiếp tục đưa ra các chính sách “chống lưng” cho phe đối lập của ông Juan Guaido. Nhưng chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro không phải là mối bận tâm duy nhất của Mỹ, theo tờ South China Morning Post.

Không những là quốc gia luôn lên tiếng ủng hộ ông Maduro, Trung Quốc (TQ) còn là một “đấu thủ” quan trọng ở Mỹ La-tinh, khu vực vốn được xem là “sân sau” của Mỹ. Nếu Nga chủ yếu thiết lập sự hiện diện của mình ở Venezuela trong lĩnh vực quân sự, TQ đã đẩy mạnh các khoản đầu tư kinh tế, mặc dù những gói đầu tư khổng lồ này có vẻ không giúp người dân ấm no hơn.

Khủng hoảng dai dẳng

Tháng 9-2018, một thẩm phán của Tòa án Cấp cao Công quốc Andorra đã cáo buộc một công ty xây dựng TQ hối lộ hơn 100 triệu USD cho nhiều trung gian ở Venezuela nhằm nắm giữ dự án sản xuất gạo ở bang Delta Amacuro và giành ít nhất bốn hợp đồng nông nghiệp khác. Theo hãng tin Reuters, bản cáo trạng còn buộc tội 12 người Venezuela dính líu nhiều vi phạm bao gồm rửa tiền và âm mưu rửa tiền. Trong số những người bị truy tố có họ hàng với cựu bộ trưởng dầu mỏ Venezuela.

Theo bản hợp đồng năm 2010, Công ty TQ CAMC sẽ tăng diện tích đồng lúa gấp đôi diện tích khu Manhattan của Mỹ (khoảng 87 km2) và tạo việc làm cho 110.000 cư dân ở khu vực. Doanh nghiệp nhà nước này còn cam kết sẽ xây dựng những cây cầu và con đường mới, một phòng thí nghiệm thực phẩm và nhà máy chế biến gạo lớn nhất ở Mỹ La-tinh.

Gần một thập niên sau, nạn đói vẫn hoành hành và người dân vẫn thất nghiệp. Nhà máy gạo chỉ được hoàn thành một nửa và hoạt động với ít hơn 1% sản lượng dự kiến. CAMC cũng không tạo ra được bất kỳ hạt gạo nào được trồng ở địa phương, theo Reuters. Tuy nhiên, CAMC và một vài đối tác Venezuela rất “ăn nên làm ra”. Mặc dù dự án vẫn bị đình công, CAMC đã nhận ít nhất 100 triệu USD từ Venezuela.

Bản cáo trạng của các công tố viên châu Âu cho thấy việc nhận hối lộ được thực hiện qua các tài khoản nước ngoài. Theo đó, các trung gian người Venezuela được kết nối và cuối cùng làm tê liệt các dự án với mục đích nhằm phát triển những vùng ít được chú trọng của Venezuela.

Bên cạnh đó, nhà báo của hãng Reuters còn đưa tin CAMC đã ký kết ít nhất năm dự án nông nghiệp khác, trị giá khoảng 3 tỉ USD nhưng vẫn chưa hoàn thành dự án nào. Bên cạnh 100 triệu USD từ dự án sản xuất gạo, CAMC đã nhận ít nhất 40% giá trị của bốn hợp đồng khác. Tổng cộng CAMC thu được 1,4 tỉ USD cho những dự án còn dang dở ở đất nước Nam Mỹ.

Trong một tuyên bố, doanh nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc và cho rằng nhiều chi tiết trong hồ sơ vụ án không chính xác. Nhà báo của hãng Reuters không thể tiếp cận và cũng không được phép phỏng vấn các giám đốc điều hành Công ty CAMC được đề cập trong hồ sơ. “Công ty chúng tôi luôn hoạt động tuân thủ theo các quy định và cố gắng hoàn thành dự án với công nghệ và sự quản lý tốt nhất” - tuyên bố của CAMC viết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: GETTY IMAGES

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: GETTY IMAGES

Bộ Ngoại giao TQ, trong một thông báo khác, nói với Reuters rằng các báo cáo buộc tội hối lộ đã bóp méo và phóng đại sự thật. “Sự hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục trên cơ sở các nguyên tắc thương mại và bình đẳng để hai bên cùng có lợi” - Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố.

Bộ Thông tin Venezuela và Công ty dầu mỏ PDVSA, vốn là đối tác trong nhiều hợp đồng trích dẫn trong vụ kiện, cũng từ chối trả lời câu hỏi của Reuters.

Sau một thỏa thuận đầy tham vọng năm 2007 giữa TQ và Venezuela, các công ty TQ đã đầu tư hơn 50 tỉ USD vào Venezuela, chủ yếu dưới dạng các thỏa thuận cho vay dầu, theo số liệu chính thức của chính phủ. Trong khi vẫn chưa rõ liệu những cá nhân bị buộc tội này sẽ đối mặt với các phiên tòa hay không, tình trạng thiếu lương thực, điện và nước thường xuyên ở Venezuela vẫn là những nhân tố gia tăng sự đình trệ của các công trình như dự án ở Delta Amacuro.

Vẫn khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra với Venezuela. Nhưng một điều chắc chắn rằng nhân dân nước này là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Các nước khác nên kiềm chế sự can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela.

JIANG SHIXUE, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ La-tinh
tại ĐH Thượng Hải, TQ

Ai mới là người hưởng lợi?

Chính quyền Washington thường xuyên chỉ trích Bắc Kinh vì sự can thiệp của họ ở khu vực Nam Mỹ. Mới đây, tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, Đô đốc Craig Faller tuyên bố TQ là chủ nợ lớn nhất của Venezuela. Theo ông Faller, Bắc Kinh đã “làm khó dễ” Venezuela với khoản nợ hơn 50 tỉ USD vốn được xem là nhân tố giúp ông Maduro chiếm được lòng tin của dân chúng. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc TQ đặt ra nhiều thách thức an ninh quốc gia đối với Washington.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ La-tinh tại ĐH Thượng Hải (TQ) Jiang Shixue cho rằng thật vô lý khi một số quan chức Mỹ liên tục đả kích TQ. Các chính trị gia Mỹ đã sử dụng lý do rằng sự hiện diện của TQ tại Venezuela làm suy yếu lợi ích quốc gia để biện minh cho sự can thiệp của Washington vào cuộc khủng hoảng Caracas, ông Jiang cho hay. Ông còn nói rằng chính Bắc Kinh mới nên nhận thức một số rủi ro của các nhà đầu tư TQ phải đối mặt vì mối quan hệ sâu rộng của nước này ở khu vực lâu nay được xem là “sân sau” của Mỹ.

Theo ông Huang Jing, chuyên gia Mỹ tại ĐH Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, TQ nên tránh đối đầu với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hơn nữa, Mỹ mới thực sự là người hưởng lợi từ việc TQ đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Mỹ La-tinh. Một khu vực phát triển thịnh vượng sẽ mang lại hòa bình, ổn định cho khu vực, điều mà Mỹ vốn quan tâm.

Sự hiện diện quân sự nước ngoài ở Venezuela

Nga cung cấp vũ khí cho Venezuela và là “vị cứu tinh” của đất nước Nam Mỹ đang chìm trong khủng hoảng. Trước đây, hai máy bay của không quân Nga đã hạ cánh bên ngoài thủ đô Caracas của Venezuela, được cho là chở theo khoảng 100 binh sĩ đặc nhiệm và an ninh mạng của Nga. Moscow cũng được cho là đã gửi tới Venezuela hai máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân cuối năm ngoái.

Trong khi đó, TQ đã vượt qua Nga vào năm 2013 để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Venezuela. Trong những năm 2000-2017, Bắc Kinh đã bán cho Caracas các loại vũ khí với tổng trị giá 630 triệu USD, theo Trung tâm Quan hệ chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington.

TRƯỜNG VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/lo-ngai-ve-trung-quoc-o-san-sau-cua-my-832830.html