Lo ngại về an ninh, Đức chặn vụ thâu tóm công ty cơ khí của doanh nghiệp Trung Quốc

Hôm 1/8, Chính phủ Đức đã ra quyết định chặn thương vụ thâu tóm một công ty cơ khí của Đức do một công ty Trung Quốc tiến hành, với lý do được đưa ra là lo ngại về an ninh quốc gia.

Các sản phẩm của Leifeld chuyên được sử dụng trong các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức

Công ty Trung Quốc có tên Yantai dự định mua công ty sản xuất máy công cụ Đức Leifeld. Tuy nhiên, thương vụ này đặt ra nhiều lo ngại về chính trị.

Các sản phẩm của Leifeld chuyên được sử dụng trong các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức.

Lời chào mua Leifeld được Yantai rút lại sau khi Berlin phát tín hiệu sẽ kích hoạt những biện pháp mới để chặn các vụ thâu tóm doanh nghiệp Đức bởi các công ty nước ngoài.

Cổ đông chính của Leifeld là ông Georg Koffler nói với hãng tin Reuters rằng Yantai đã rút lại lời chào mua trước khi Berlin tuyên bố phủ quyết thương vụ.

Ông Koffler chỉ trích sự can thiệp này của Berlin, nói rằng: "Chúng tôi tin những lo ngại về an ninh được đưa ra là không hợp lý".

Động thái của Chính phủ Đức diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng các công ty Trung Quốc có thể giành quá nhiều ảnh hưởng tại châu Âu thông qua các vụ đầu tư.

Một số chính trị gia và doanh nhân đã phàn nàn rằng Liên minh châu Âu (EU) quá cởi mở với vốn đầu tư từ nước ngoài, so với những gì Bắc Kinh cho phép đối với các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, tháng 6 năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã có bước đi nới lỏng hạn chế đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng, ô tô và nông nghiệp của nước này.

Với động thái chặn thương vụ Yantai-Leifeld, Đức có vẻ như đang "nhập hội" cùng với Mỹ và Canada thể hiện lập trường cứng rắn đối với các thương vụ kinh doanh với Trung Quốc.

Hồi tháng 7, Mỹ đã cân nhắc các kế hoạch hạn chế vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Sự giám sát này liên quan đến những lo ngại rằng các công ty Trung Quốc, trong đó có những doanh nghiệp quốc doanh, có thể thâu tóm các công ty công nghệ cao của Mỹ vì mục đích quân sự.

Vấn đề đầu tư của Trung Quốc vào Đức và EU nói chung đã phát triển thành một chủ đề gai góc trong khối với 28 quốc gia thành viên.

Mối lo ngại về Trung Quốc được cho là "bùng nổ" vào năm 2016, khi một tập đoàn Trung Quốc đã mua cổ phần của hãng sản xuất robot Kuka, Đức. Kuka được biết đến là một nhà sản xuất sáng tạo, công nghệ cao.

Năm 2016, 1 Tập đoàn Trung Quốc đã thâu tóm công ty sản xuất Robot Kuka của Đức

Năm 2017, các thành viên EU đã rấy lên lo ngại rằng Trung Quốc ngày càng cố gắng đầu tư vào các công ty châu Âu có chuyên môn và sở hữu trí tuệ thuộc các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm và then chốt.

Khi đó, chính phủ Đức đã yêu cầu thắt chặt hơn nữa quy tắc nhằm giúp chính phủ các nước EU có thêm quyền lực trong việc ngăn chặn việc các công ty Trung Quốc thâm nhập và thâu tóm các công ty châu Âu.

Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch mua 25% cổ phần tại 1 công ty hoặc có ý định thâu tóm nhiều hơn 1 công ty Đức có thể bị chính phủ điều tra.

Hải Linh

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/lo-ngai-ve-an-ninh-duc-chan-vu-thau-tom-cong-ty-co-khi-cua-doanh-nghiep-trung-quoc-20180504224210888.htm