Lo ngại tình trạng tăng nhanh tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp

Ngày 17/6, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp với các tổ chức liên quan Hội thảo Can thiệp sức khỏe tâm thần cho người sử dụng ma túy tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước hiện có tới 223.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, số người dùng ma túy tổng hợp luôn chiếm tỷ lệ cao trong số người nghiện ma túy được báo cáo tại các địa phương.

Sử dụng ma túy tổng hợp sẽ gây ra ảo giác cho người dùng từ đó gây ra những hệ lụy khôn lường.

Cũng theo ông Lập, việc sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng amphetamine (ATS) nói riêng đang khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Các nghiên cứu cho thấy, trong số người sử dụng ma túy tổng hợp, phần lớn là sử dụng và lạm dụng các chất kích thích dạng ATS. Trong khi đó, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS, mà cần một giải pháp tổng thể, bao gồm các can thiệp về tâm lý xã hội và các liệu pháp điều trị giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng.

Thông tin về việc điều trị ma túy tổng hợp, bác sỹ Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM, tại Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng ATS tăng từ 1,5% (năm 2001), lên 6,5% (2012) và đạt tỉ lệ 9,8% (năm 2016).

Một công bố khác cũng được đưa ra tại Hội thảo do nhóm nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội cũng nêu lên một thực tế báo động về tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp của thanh, thiếu niên Hà Nội hiện nay.

Bác sỹ Phạm Thành Luân, Đại học Y Hà Nội thông tin, qua nghiên cứu trên 319 thanh thiếu niên sử dụng ma túy tại Hà Nội, kết luận sau, tỷ lệ thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp chiếm hơn 80% trong số các loại ma túy khác; trong đó tỉ lệ trầm cảm là 58%.

Các triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm là rối loạn giấc ngủ (92.4%), mệt mỏi (85.4%), giảm quan tâm thích thú (84,9%), chậm chạp (84,3%), buồn chán (83,8%).

Tỷ lệ thanh, thiếu niênn có yếu tố tự sát là 26,3%, có kế hoạch tự sát là 12,2% và có toan tự sát là 6,3%.

Các yếu tố liên quan đến trầm cảm của thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp là có tiền sử tự sát, gia đình không hòa thuận, tiền sử gia đình có rối loạn tâm thần/ tự sát, sử dụng cần sa.

Để giảm thiểu tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp, theo bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI, hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị- phân biệt đối xử trên thanh thiếu niên có vấn đề về sử dụng ma túy và mắc rối loạn tâm thần, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ việc bị kỳ thị kép khiến các em càng khép kín và bế tắc hơn.

Bác sỹ Oanh khẳng định, càng bị cô lập thì việc chẩn đoán các rối loạn sẽ càng muộn, điều trị sẽ bị trì hoãn, khiến cho những tổn thương do nghiện ma túy và rối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất nhiều thời gian hơn rất nhiều.

“Chính vì thế, kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cận hỗ trợ của các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy”, Giám đốc SCDI nêu.

Vậy nên theo bà Hải Oanh, gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của lạm dụng ma túy và rối loạn tâm thần khi và chỉ khi tạo được một mối quan hệ chân thành, một không gian an toàn để các bạn thanh thiếu niên có thể tin tưởng và cảm thấy thoải mái chia sẻ các vấn đề của mình.

“Cha mẹ và thầy cô giáo có thể giúp trang bị các kĩ năng sống của trẻ em và thiếu niên để các em có thể tự xoay sở được với những thách thức tại trường học và gia đình. Hỗ trợ tâm lý có thể được cung cấp tại trường học hoặc các cơ sở cộng đồng khác và không thể thiếu việc nâng cao hoặc mở rộng đào tạo năng lực cho nhân viên y tế để họ có thể phát hiện và xử trí các rối loạn sức khỏe tâm thần" bà Oanh nói.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/lo-ngai-tinh-trang-tang-nhanh-ti-le-su-dung-ma-tuy-tong-hop-106668.html