Lo ngại tính hiệu quả dự án kho chứa LNG 700 triệu USD của Petrolimex

Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đã bày tỏ sự lo ngại về tính hiệu quả của dự án kho chứa LNG của Petrolimex tại Nam Vân Phong với tổng mức đầu tư là 700 triệu USD.

Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã CK: PLX) đang có kế hoạch đầu tư vào mảng LNG.

Trong quy hoạch điện 7, Chính phủ tập trung trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu LNG thay thế cho khí thiên nhiên và than trong nước. Dự án kho chứa LNG của Petrolimex tại Nam Vân Phong dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2025 với tổng mức đầu tư là 700 triệu USD.

Nguồn: VCBS.

Nguồn: VCBS.

Tuy nhiên, VCBS lo ngại về mức độ hiệu quả của dự án. Nguyên nhân là do, trong quy hoạch điện 7 của Chính phủ có 2 cụm nhà máy sử dụng nhiên liệu LNG cho việc sản xuất điện là Cụm nhà máy điện Nhơn Trạch (do Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là chủ đầu tư) và cụm nhà máy điện Phú Mỹ (do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư).

Theo đó, đối với cụm nhà máy điện Nhơn Trạch, PVN đã tự chủ đầu tư vào kho LNG tại Thị Vải để cung cấp nhiên liệu cho nhà máy. Đối với cụm nhà máy điện Phú Mỹ, EVN sẽ hợp tác mua LNG từ các bên thứ 3 như LNG Hải Linh (Vingroup), LNG Nam Vân Phong (Petrolimex).

''Tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ bên dưới, khoảng cách từ LNG NamVân Phong đến cụm nhà máy điện Phú Mỹ là hơn 400 km, điều này bắt buộc Petrolimex phải sử dụng đường ống vận chuyển với chi phí CAPEX (tài sản cố định) đầu tư ban đầu lớn so với phương pháp dùng xe bồn chuyên dụng thông thường'', báo cáo phân tích của VCBS nêu.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông cuối tháng 4/2019, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cũng cho biết Tập đoàn đã xin Chính phủ cho phép dừng triển khai đầu tư Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong.

Theo lý giải của ông Thanh, Petrolimex xin dừng đầu tư Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong là do Việt Nam đã có 2 nhà máy lọc dầu (Dung Quất và Nghi Sơn) đáp ứng được 70-80% nhu cầu xăng dầu cả nước. Bên cạnh đó, cơ chế ưu đãi cho dự án lọc hóa dầu không còn như trước nên Petrolimex và cổ đông nước ngoài Công ty JX (Nhật Bản) xin dừng triển khai đầu tư.

Tuy nhiên, Petrolimex cũng đã báo cáo Chính phủ để xin chuyển đổi mục đích kinh doanh, xây dựng kho chứa LNG và xây trung tâm điện lực ngay trên phần đất đã được cấp cho Dự án Lọc hóa dầu trước đó. Nếu được Chính phủ thông qua, EVN sẽ nghiên cứu xây dựng trung tâm điện lực dầu khí Khánh Hòa.

Theo Petrolimex, dự án Trung tâm điện lực khí và Kho cảng LNG được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tuabin khí có tổng công suất 3.000 MW và kho cảng LNG Vân Phong có sức chứa 180.000 m3. Trong đó, quy mô dự án kho chứa LNG khoảng 700 triệu USD và được triển khai trong khoảng 5 năm từ 2021-2025. Giai đoạn 2 tiếp tục xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tuabin khí với tổng công suất tương đương các nhà máy giai đoạn 1.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 1/2019, doanh thu bán hàng của Petrolimex đạt gần 42.000 tỷ đồng, giảm 7,6% cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp trong quý này tăng nhẹ lên 9% so với mức hơn 7% cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, doanh thu tài chính quý 1/2019 của Petrolimex đạt 167 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm 2018, chi phí tài chính khoảng 206 tỷ đồng, giảm 23% cùng kỳ năm trước, trong khi đó chi phí bán hàng tăng mạnh lên hơn 2.254 tỷ đồng.

Kết quả, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2019 đạt 1.568 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 29%, lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 33,7%.

Theo giải trình của Petrolimex, nguyên nhân lợi nhuận quý 1/2019 tăng mạnh là do tác động của giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại sau chu kỳ giảm mạnh vào quý 4/2018, đồng thời hoàn nhập khoản trích lập dự phòng về giảm giá hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, sản lượng bán ra trên toàn hệ thống của Petrolimex tăng 4,7% so với cùng kỳ và chi phí tài chính thấp hơn so với cùng kỳ do không phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay giảm so với cùng kỳ vì dòng tiền gia tăng sau khi bán thành công cổ phiếu quỹ.

Tại thời điểm 31/3/2019, Petrolimex đang có tổng tài sản 59.465 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, Petrolimex đang có hơn 16.000 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng, hàng tồn kho chiếm tới 11.515 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn của khách hàng 8.900 tỷ đồng.

Cũng đến thời điểm 31/3/2019, Petrolimex ghi nhận khoản nợ phải trả 34.465 tỷ đồng, tăng gần 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 32.832 tỷ đồng (vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tới gần 12.500 tỷ đồng), nợ dài hạn là 1.633 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này chỉ 25.000 tỷ đồng.

Năm 2019, Tập đoàn đặt kế hoạch 195.000 tỷ đồng doanh thu, 5.025 lợi nhuận trước thuế và chia cổ tức tối thiếu là 12%.

Văn Huy

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/lo-ngai-tinh-hieu-qua-du-an-kho-chua-lng-700-trieu-usd-cua-petrolimex-d2067676.html