Lo ngại thành hiện thực

Lâu nay, giới chức một số nước và không ít chuyên gia lo ngại tiền ảo sẽ bị bọn tội phạm sử dụng như phương tiện rửa tiền và trở thành nguồn chuyển giao tài chính cho các lực lượng quân sự.

Một tay súng IS ở Raqqa, Syria

Ngày 15.12, khi giá tiền ảo Bitcoin dao động ở mức trên 17.000 USD/coin thì truyền thông thế giới đưa tin một phụ nữ tên Zoobia Shahnaz (27 tuổi), người Mỹ gốc Pakistan, bị chính quyền Mỹ bắt giữ với cáo buộc dùng Bitcoin để rửa tiền và chuyển khoảng 85.000 USD cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Lâu nay, giới chức một số nước và không ít chuyên gia lo ngại tiền ảo sẽ bị bọn tội phạm sử dụng như phương tiện rửa tiền và trở thành nguồn chuyển giao tài chính cho các lực lượng quân sự. Chính vì thế, vụ bắt giữ nói trên khiến lo ngại dường như đã trở thành hiện thực. Điều này đặt ra thách thức rõ ràng hơn để các nước phải xem xét nghiêm túc hơn về biện pháp phòng ngừa, nhất là trong bối cảnh tiền ảo đang ngày càng bùng nổ, Bitcoin không ngừng tăng giá thu hút số lượng người đầu tư ngày càng tăng. Khi bị siết chặt quản lý, giá Bitcoin có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, hôm qua không chỉ có tin tiêu cực mà cũng có thông tin khả quan đối với tiền ảo. Cụ thể, theo truyền thông Nhật Bản, một công ty có khoảng 4.000 nhân viên ở nước này quyết định từ tháng 2.2018 sẽ tiến hành chi trả bằng Bitcoin cho một phần trị giá khoảng 100.000 yen (khoảng 20 triệu đồng) trong mức lương hằng tháng. Nếu nhiều công ty tiến hành trả lương bằng Bitcoin thì cơ hội phát triển của loại tiền ảo này sẽ lớn hơn. Từ các thực tế vừa nêu, tiền ảo đang đặt ra nhiều áp lực trái ngược.

Hoàng Đình

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/lo-ngai-thanh-hien-thuc-910189.html