Lo ngại số người nhiễm HIV gia tăng

Hiện nay, tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng gia tăng trong nhiều nhóm cộng đồng, đáng lo ngại hơn khi rất có thể vẫn còn nhiều người chưa phát hiện bản thân bị nhiễm HIV…

Phát hiện thêm 3.500 trường hợp nhiễm HIV

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2018 đã phát hiện thêm 3.500 trường hợp nhiễm HIV trong cả nước. So với cùng kỳ năm 2017, số trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện giảm khoảng 3%; số trường hợp AIDS giảm khoảng 27%.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng có thể vẫn chưa được phát hiện như “sự kiện” tại tỉnh Phú Thọ vừa qua. Tỷ lệ nhiễm HIV gia tăng trở lại trong nhóm nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và cả phụ nữ bán dâm. Một điểm đáng lưu ý là sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn có khả năng dẫn đến nguy cơ đợt dịch mới xuất hiện trong nhóm trẻ.

Chia sẻ tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm được tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Bộ Y tế đang rất quan ngại khi tỷ lệ nhiễm HIV gia tăng trong nhiều nhóm cộng đồng.

“Vụ việc của xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ mới có thể chỉ là một xã điển hình của “tảng băng chìm”. Vậy câu hỏi đặt ra với các xã khác ở các địa phương khác như thế nào? Trong khi số người có hành vi có nguy cơ tiếp tục tăng lên như nhóm người nghiện chích ma túy...”- ông Long bày tỏ.

Trước tình hình lây nhiễm HIV đang có nhiều diễn biến phức tạp, số người nghiện chích ma túy có chiều hướng tiếp tục gia tăng, Thứ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương nghiêm túc rà soát, đánh giá tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ tại địa phương mình.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương cần ưu tiên cán bộ hoạt động chuyên môn tiếp tục làm việc trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, Cục Phòng chống HIV/AIDS cần giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể cho các địa phương.

Cùng với đó, cần thay đổi các ưu tiên trong can thiệp như xét nghiệm HIV sớm, điều trị ARV sớm vì đây là những can thiệp hiệu quả cho công tác dự phòng. Tuy nhiên, cũng cần đẩy mạnh hơn các can thiệp khác như phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone…

“Cần thẳng thắn trao đổi xem chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đã thay đổi gì” – Thứ trưởng nói và nhấn mạnh: “Các địa phương cần có kế hoạch cụ thể với mục tiêu cần làm gì, làm thế nào để kết thúc dịch AIDS. Nếu có bất kỳ khó khăn gì cần gửi văn bản ngay về Bộ Y tế.”

Mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV

Người nhiễm HIV/AIDS không thể ngừng điều trị thuốc ARV, vì nếu gián đoạn thì có nguy cơ kháng thuốc, dẫn đến thất bại điều trị, gây nguy hiểm cho bệnh nhân và nguy cơ bùng phát các chủng HIV kháng thuốc trong cộng đồng.

Vì vậy, người nhiễm HIV/AIDS không thể không tham gia BHYT bởi sau khi các nhà tài trợ chấm dứt hỗ trợ thuốc ARV từ sau năm 2018 thì theo Quyết định 1125/QÐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thuốc ARV sẽ được chi trả qua quỹ BHYT từ ngày 1/1/2019. Nếu người nhiễm HIV/AIDS không tham gia BHYT thì khi khám chữa bệnh sẽ phải thanh toán toàn bộ các chi phí, trung bình 1 bệnh nhân từ 2-6 triệu đồng/tháng (tùy theo mức độ bệnh và phác đồ điều trị).

Được biết, việc mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang được các địa phương đẩy mạnh, tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế tại 63 tỉnh thành là 85%. Được biết, cả nước hiện có khoảng 130.000 bệnh nhân HIV đang được điều trị ARV.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Hiện nay, Việt Nam đang điều trị ARV cho khoảng 130.000 bệnh nhân HIV. Việc mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đang được các địa phương đẩy mạnh với tỷ lệ chung tại 63 tỉnh với khoảng 85% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế…

Tuy vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc xét nghiệm phát hiện HIV ngày càng khó. Độ bao phủ của các hoạt động xét nghiệm HIV, can thiệp giảm tác hại và điều trị ARV vẫn còn thấp, độ bao phủ của truyền thông cũng giảm. Bệnh nhân bỏ điều trị Methadone có xu hướng gia tăng.

TS Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhận định, hiện vấn đề cần được quan tâm là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.

Cụ thể, bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và vẫn tiếp tục cắt giảm. Công tác điều trị Methadone mới chỉ đạt được 65,7% chỉ tiêu Chính phủ giao; điều trị ARV mới đáp ứng được 58,1% số người nhiễm HIV được phát hiện. Đặc biệt, công tác phòng chống HIV/AIDS còn rất khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Trong những năm gần đây, công tác phòng chống HIV/AIDS còn gặp nhiều khó khăn khi kinh phí từ ngân sách nhà nước liên tục bị cắt giảm nên những tỉnh không có dự án quốc tế tài trợ thiếu hụt kinh phí trầm trọng cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, ở khu vực này chủ yếu là cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thụ động tại các bệnh viện.

TS Hoàng Đình Cảnh cho biết, nếu không huy động đủ kinh phí cho hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, bao gồm truyền thông, can thiệp bằng bao cao su, bơm kim tiêm cho nhóm có hành vi nguy cơ cao, điều trị thay thế nghiện ma túy, xét nghiệm chẩn đoán HIV, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS..., thì mục tiêu phòng chống HIV/AIDS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/lo-ngai-so-nguoi-nhiem-hiv-gia-tang-tintuc414084