Lo ngại sản phẩm bông băng vệ sinh có chứa thuốc diệt cỏ

Mới đây, tạp chí “60 millions de Consommateurs” của Pháp đã công bố 5/11 mẫu sản phẩm băng vệ sinh của Tập đoàn P&G bị phát hiện chứa dioxin và thuốc diệt cỏ Glyphosate khiến người tiêu dùng hoang mang. Sau khi bị cáo buộc, Tập đoàn P&G đã quyết định thu hồi hơn 3.000 băng vệ sinh tampon nhãn hiệu Tampax và băng vệ sinh nhãn hiệu Always tại thị trường Pháp và Canada. Nhiều sản phẩm của thương hiệu này hiện đang có mặt ở Việt Nam.

Từ tháng 3.2015, khi Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế công bố kết quả nghiên cứu khẳng định Glyphosate là chất có thể gây ung thư cho người ở cấp độ 2A (cấp độ nhiều khả năng). Ngay sau đó, nhiều quốc gia như Pháp, Thụy Điển, Hà Lan... đã ban hành lệnh cấm đối với loại thuốc này.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu do Đại học La Plata (Argentina) tiến hành qua việc kiểm tra các sản phẩm băng gạc, khăn lau, tampon, băng vệ sinh mua từ siêu thị và hiệu thuốc tại khu vực La Plata, có tới… 85% các mẫu được kiểm tra có chứa Glyphosate và 62% có AMPA - một dẫn xuất của Glyphosate. Tiến sĩ Medardo cho rằng, hầu hết các sản phẩm bông tại Argentina hiện nay là bông biến đổi gene, kháng thuốc với Glyphosate. Khi thuốc diệt cỏ được phun lên cây trồng, Glyphosate sẽ ngưng tụ và đi thẳng vào sản phẩm.

Hiện nay, Việt Nam chưa trồng bông biến đổi gene song bông sử dụng trong nước 90% được nhập khẩu, trong đó có thị trường Hoa Kỳ và Argentina... Mặt khác, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được cấp phép sử dụng tại Việt Nam công bố tháng 1.2015, có khoảng hơn 100 loại thuốc sử dụng chất Glyphosate làm nguyên liệu.

Trước lo ngại VN có thể nhập bông biến đổi gene có khả năng tồn dư thuốc trừ sâu Glyphosate trong các sản phẩm nêu trên, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) - cho biết, qua tìm hiểu thông tin, đơn vị đã liên hệ với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Cục Y tế, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về việc đơn vị nào trực tiếp quản lý sản phẩm này. Bởi lẽ, về logic, theo công năng sử dụng, đây có thể được xem là sản phẩm chăm sóc sức khỏe thuộc quản lý của Bộ Y tế, nhưng nếu xét theo nguyên liệu dùng để sản xuất thì lại thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương

Tuy nhiên, ông Hải cho biết, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan lấy mẫu các sản phẩm trên thị trường để đưa vào phân tích, kiểm nghiệm tại các phòng thí nghiệm. Hiện tại vẫn chưa có kết quả chính thức và Tổng cục vẫn đang tiếp tục liên hệ với các đơn vị liên quan để xác định rõ thông tin về liều lượng, ngưỡng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Kết quả cuối cùng sẽ được thu thập, tổng hợp để gửi sang cả Bộ Công Thương và Bộ Y tế.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/lo-ngai-san-pham-bong-bang-ve-sinh-co-chua-thuoc-diet-co-536681.bld