Lo ngại quanh 2 dự án hầm chui trăm tỉ

Các chuyên gia nhận định việc xây dựng nút giao tây cầu Rồng (Đà Nẵng) sẽ phá vỡ cảnh quan khu vực, trong khi đã có những tranh cãi xung quanh việc có nên làm cầu vượt bằng thép tây cầu Trần Thị Lý.

Nút giao thông tây cầu Rồng hiện rất rối rắm, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng - Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng, vừa có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP về nội dung phản biện phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía tây cầu Rồng và cụm nút tây cầu Trần Thị Lý. Báo cáo ghi nhận ý kiến các chuyên gia về tính cấp thiết của 2 dự án, đồng thời đưa ra những khuyến nghị.

Chuyên gia đề xuất

Chỉ với bán kính 100 m, cụm nút phía tây cầu Rồng có đến 7 tuyến đường dẫn tới giao thông ở đây quá rối, ùn tắc nghiêm trọng. Cụm nút phía tây cầu Trần Thị Lý với 2 tuyến đường Duy Tân, đường 2.9 (tập trung phần lớn các trụ sở cơ quan, nhà hàng, trung tâm hội nghị tiệc cưới quy mô lớn) cũng có đến 3 nút giao cắt.

Hiện trạng lưu thông trên các trục kết nối đông - tây Nguyễn Văn Linh - cầu Rồng, Duy Tân - cầu Trần Thị Lý cho thấy khả năng thông hành của các cầu chưa phát huy do bị ùn tắc tại các nút giao thông đầu 2 cầu này. “Hiện tượng ùn tắc giao thông tại những khu vực này không có hướng giải quyết sẽ mang lại hệ lụy tồi tệ cho đô thị như: lãng phí về mặt kinh tế, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng”, ông Hải nhận định.

Phối cảnh phương án thi công hầm chui 600 m tây cầu Trần Thị Lý

Nhiều chuyên gia cũng đề cập các phương án cụ thể. Theo KTS Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, đối với nút tây cầu Rồng tốt nhất nên chọn phương án 2 hầm đơn dài ≥120 m, rộng 8 m, hầm dẫn dài 130 m (kinh phí dự kiến khoảng 350 tỉ đồng). Phương án 2 hầm sẽ xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao, đảm bảo khả năng thông hành qua nút thuận lợi, thông suốt. Tuy nhiên, với các mặt cắt hầm thiết kế sẽ gây bóp hẹp các mặt đường 2/9, Bạch Đằng, Trần Phú so với hiện nay. Tuy nhiên, hầm dẫn cần có độ dốc không được quá 4%, bề rộng cũng rộng 8 m như hầm chính. Hầm không được ngắn quá 120 m để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực Cổ viện Chàm.

KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP), cho rằng lo ngại nhất vẫn là yếu tố về cảnh quan tại vị trí đặc biệt nhạy cảm này. Trong không gian khá chật hẹp, việc tạo ra 4 cửa hầm đòi hỏi phải có giải pháp đặc biệt về mặt thẩm mỹ. Với lưu lượng giao thông tập trung lớn xung quanh công viên APEC, giá trị khai thác công viên sẽ giảm, biến công viên thành đảo giao thông. “Các biện giảm thiểu tác động xấu, ứng phó các sự cố môi trường địa chất, thủy văn sông Hàn chưa đề cập, hoặc có nói nhưng chỉ mang tính lý thuyết cần phải làm rõ hơn”, KTS Phan Đức Hải đề nghị.

Phối cảnh 2 hầm chui phía tây cầu Rồng

Chưa nên làm cầu vượt bằng thép?

Theo KTS Trần Dân, phương án cho nút giao tây cầu Trần Thị Lý nên xây dựng 1 hầm và đèn điều khiển kết hợp xây dựng mới đường phía sau khu hội nghị tiệc cưới cho giai đoạn đầu. Hầm được xây dọc theo trục đường Duy Tân qua 3 nút giao (dự kiến khoảng 520 tỉ đồng); còn 5 nhịp cầu vượt thép cho 4 làn xe dài 203 m không nên làm lúc này, chỉ để hở cho sau này nếu cần. Bởi sau khi đã có hầm theo hướng đường Duy Tân thì giao thông chỉ còn có một hướng bắc-nam. “Tại nút Duy Tân - 2.9 đi theo vòng xuyến là đủ, 2 nút còn lại phía đông - tây dùng đèn điều khiển là an tâm, vừa giảm kinh phí đầu tư vừa bảo đảm cảnh quan, tầm nhìn đẹp cho khu vực cầu Trần Thị Lý”, ông Dân kiến nghị và lưu ý: Nếu làm cầu vượt thì cần làm bằng bê tông cốt thép UST cho bền lâu, không bị ăn mòn bởi khí hậu biển.

Về tổ chức nút giao thông, KTS Phan Đức Hải cho rằng việc thiết kế quá tập trung vào giải phóng lưu lượng xe qua nút đường 2.9 và các nút đường Núi Thành, Bạch Đằng nối dài nên quy mô và kinh phí đầu tư quá lớn. Hầm chui cả kín, hở trên đường Duy Tân quá dài (= 619 m) và cầu dầm thép liên hợp mỏng manh và rất tạm bợ. Về cảnh quan khu vực, việc làm cầu vượt ở đây sẽ ảnh hưởng đến trường nhìn từ tây - đông của cầu Trần Thị Lý và mỹ quan đô thị khu vực đường 2.9. Ngoài ra, các giải pháp tổ chức hầm ngầm đều ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước từ trung tâm ra sông Hàn nên cần có giải pháp tối ưu.

Trong khi đó, KTS Tô Văn Hùng đánh giá nút giao thông giao cắt 2 trục chính 2.9 và Duy Tân có lưu lượng ô tô rất lớn vào các giờ cao điểm, nhất là cuối tuần, nên giải pháp tổ chức nút giao khác mức 3 tầng là phù hợp. Riêng khoảng cách từ chân cầu vượt đến ngã giao nhau giữa Tiểu La - 2.9 và lối dẫn vào khu nhà hàng tiệc cưới luôn tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc ngay trên cầu, nên cần giải quyết xung đột này.

Sẽ đấu thầu chọn tư vấn thiết kế

Ngày 19.7, tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2018, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng kiêm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cho biết TP đã lập phương án ban đầu, đưa ra lấy ý kiến cộng đồng và các ngành, đơn vị, sau đó mới hoàn chỉnh phương án để đấu thầu chọn tư vấn. “Đây là nhiệm vụ của Sở GTVT. TP hy vọng có nút giao thông đảm bảo quy hoạch, giải quyết được ách tắc giao thông TP”, ông Dũng nói.

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/lo-ngai-quanh-2-du-an-ham-chui-tram-ti-986194.html