Lo ngại nhiễm khuẩn bệnh viện

Vụ nhiễm khuẩn xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh khiến 4 trẻ sơ sinh cùng tử vong khiến dư luận hoang mang. Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) tăng không chỉ gây khó khăn trong công tác điều trị mà thậm chí còn làm tăng nguy cơ gây tử vong cho người bệnh.

Vì thế, hơn lúc nào hết phòng chống NKBV đang là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi ngành y tế phải quan tâm hàng đầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lao Động).

Khó kiểm soát

Thống kê cho thấy, đến năm 2016, tỷ lệ NKBV ở nước ta đã giảm 2/3 so với năm 1999. Tỷ lệ NKBV hiện nay vào khoảng 5,8%.

Thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, trong 93 bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn năm 2016, tỷ lệ NKBV chung là 3,6%, trong đó cao nhất là tuyến tỉnh với 5,06%, tuyến trung ương 2,79%, tuyến huyện 2,11% và bệnh viện tư nhân 1,45%.

Đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho hay, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thiết lập ở hầu hết các bệnh viện trong cả nước (92,23% số bệnh viện có hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn; 88,66% số bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; 72,27% số bệnh viện có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn).

Tuy nhiên, các bệnh viện chưa quan tâm đúng mức công tác giám sát NKBV khi chỉ có 35,29% số bệnh viện có bộ phận giám sát chuyên trách.

Tỷ lệ bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn đối với các bệnh trọng điểm tăng so với năm 2015, nhưng vẫn còn thấp. Trong số 121 đơn vị thực hiện, giám sát nhiễm khuẩn vết mổ chỉ chiếm 25,42%; giám sát viêm phổi thở máy (14,46%); giám sát nhiễm khuẩn huyết (12,61%) và giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu (14,29%).

Đáng chú ý, chỉ có gần 41% số bệnh viện giám sát vi sinh trong môi trường tại khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm.Việc triển khai giám sát nhiễm khuẩn kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.

Cần sớm có hệ thống giám sát nhiễm khuẩn

Theo giới chuyên gia, NKBV là những nhiễm khuẩn không xuất hiện ở bệnh nhân khi nhập viện, nhưng phát triển trong quá trình lưu trú tại đây. Hai dạng chính của loại nhiễm khuẩn này là tự nhiễm và nhiễm chéo.

Trong đó, tự nhiễm là khi người bệnh có mầm nhiễm khuẩn trên người nhưng không có dấu hiệu khi nhập viện.

Nhiễm khuẩn phát triển trong quá trình ở tại bệnh viện do sự thay đổi trong miễn dịch của chính bệnh nhân.

Nhiễm khuẩn chéo là khi bệnh nhân tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh mới trong thời gian ở bệnh viện, nhiễm và sau đó phát triển nhiễm trùng.

Tại các cơ sở y tế, nguồn nhiễm trùng có thể đến từ nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và môi trường. Môi trường bệnh viện, nước hay thức ăn có thể chứa những nguồn bệnh và gây bùng phát bệnh như ở cộng đồng bên ngoài.

Thậm chí, các dược phẩm cũng có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất hay phân phối. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện có thể phát sinh từ nhân viên y tế mang trong mình các tác nhân gây bệnh. Họ có thể có hoặc không có các biểu hiện ra bên ngoài và truyền mầm nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, nguồn gốc của hầu hết ca nhiễm khuẩn trong bệnh viện là từ bệnh nhân mang trong mình các vi sinh vật gây bệnh. Các vi sinh vật này thường được thải vào môi trường với số lượng lớn, vượt quá mức nhiễm khuẩn tối thiểu, và lây bệnh cho người khác - những người này sẽ phát triển các nhiễm trùng bệnh viện.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hai quy tắc chính để ngăn ngừa việc lây lan nhiễm khuẩn bệnh viện tại các cơ sở y tế là cô lập nguồn gây bệnh và xóa bỏ các đường phát tán bệnh.

Tại hội nghị về công tác chống NKBV được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ một số đơn vị hoàn thiện mô hình bệnh viện mẫu về giám sát nhiễm khuẩn.

Về vụ việc tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh, theo PGS TS Trần Minh Điển, trường hợp trẻ đẻ non bị nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn kèm theo có tỷ lệ tử vong rất cao. Trên toàn thế giới, tỷ lệ này là 40-60%.

Cơ thể trẻ đẻ non có hệ thống miễn dịch yếu, các cơ quan non yếu chưa trưởng thành, nên không chống đỡ được với các loại vi khuẩn, dễ gây bệnh.

So với bé sinh đủ tháng, trẻ sinh non có nguy cơ tử vong gấp 20 lần do dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm khuẩn, suy hô hấp và những trở ngại trong nuôi dưỡng. Điều này cho thấy, đảm bảo môi trường vô khuẩn trong chăm sóc trẻ sinh non là đặc biệt quan trọng.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/lo-ngai-nhiem-khuan-benh-vien-386691