Lo ngại dự án thủy lợi nghìn tỷ ở ĐBSCL

Ngày 7/9, tại Kiên Giang, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị về dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1. Tại hội nghị, các nhà khoa học lo ngại về tính khả thi của dự án thủy lợi kiểm soát mặn hơn 3.300 tỷ đồng này.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng (đứng) phát biểu. Ảnh: Hòa Hội

ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Thạc sỹ Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho biết, ĐBSCL nói chung, bán đảo Cà Mau nói riêng đang bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, sự phát triển về thủy điện ảnh hưởng sinh kế và đời sống người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, đặc biệt là thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm phù sa, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi chưa đồng bộ làm sản xuất trong vùng bấp bênh, thiếu chủ động. Theo ông Dũng, một trong những nguyên tắc chính khi xem xét đầu tư dự án Cái Lớn - Cái Bé là khai thác tổng hợp các lợi thế nhưng không làm thay đổi hệ sinh thái (mặn-ngọt-lợ) trong vùng dự án. Ông cho rằng, khi có công trình sẽ tạo sự ổn định cho các vùng sinh thái và chủ động kiểm soát nguồn nước, chống ngập úng, ứng phó nước biển dâng và sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức.

GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, cho rằng, dự án có khả năng kiểm soát mặn tốt cho Hậu Giang và một số khu vực phía trong cống Cái Lớn - Cái Bé của Kiên Giang. Đồng thời, tạo điều kiện tốt cho chủ động sản xuất, giảm chi phí hạ tầng.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết, mặn ở Hậu Giang chủ yếu từ sông Cái Lớn chảy vào. “Hiện giờ mặn không ra mặn mà ngọt không ra ngọt sẽ rất khó trong công tác chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp. Vì thế, địa phương mong muốn đầu tư cống Cái Lớn - Cái Bé để yên tâm phát triển sản xuất”, ông Đồng nói. Theo ông, hằng năm, tỉnh phải đầu tư 40 tỷ đồng đắp đập ngăn mặn, chưa kể làm ảnh hưởng môi trường, giao thông.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói: “Những năm qua, Kiên Giang đã và đang cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, đồng thời đầu tư hạ tầng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa đồng bộ về hạ tầng, khép kín nên địa phương chưa chủ động trong việc ứng phó với biến đổi thời tiết bất thường”.CHUYÊN GIA LO NGẠI
Dự án quản lộ Phụng Hiệp, ngọt hóa bán đảo Cà Mau được khởi công từ những năm đầu thập niên 90 với vốn vay Ngân hàng Thế giới, mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, các công trình này sau hơn 5 năm đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến hàng trăm nông dân đòi phá cống để lấy nước mặn nuôi tôm, điển hình là sự kiện tháng 7/1998, nông dân Bạc Liêu kéo nhau phá đập Láng Trâm ở xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai và làn sóng phá cống ngăn mặn tiếp tục lan sang Cà Mau. Trước mâu thuẫn mặn-ngọt này, đến năm 2000, Chính phủ quyết định cho các tỉnh ĐBSCL chuyển đổi 450.000 ha đất trồng lúa sang nuôi tôm, khiến mục tiêu ngọt hóa bán đảo Cà Mau gần như không đạt được.

TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ) cho rằng, chính sự thiếu đa dạng cây trồng, vật nuôi đã dẫn tới việc chưa đạt được mục tiêu lớn của vùng. TS Ni lấy dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau làm bài học cho dự án Cái Lớn - Cái Bé.
PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nêu 2 vấn đề quan trọng cần lưu ý là vai trò của nông dân và bài toán về môi trường. Ông Tuấn phân tích, ở vùng cống ngăn mặn lâu ngày, đất đai bạc màu, nông dân lần lượt chặt bỏ cây do đất xấu, rủi ro cao rồi dần dần bỏ đồng ruộng đi Bình Dương. Còn khi đóng cống lại, sẽ có nước ngọt nhưng bị ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, khai thác nước ngầm lớn, rồi đa dạng sinh học mất đi…

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, nêu ra 3 luận điểm. Thứ nhất, sự kiện hạn mặn 2016 không nên bị lạm dụng làm chuẩn tình hình chung để xây dựng công trình, vì một khi hạn mặn như 2016 thì công trình ngăn mặn cũng không tác dụng. Thứ hai, luận điểm ĐBSCL phải gánh trọng trách an ninh lương thực, suy ra phải ngăn mặn để duy trì sản lượng lúa là thiếu thuyết phục vì hằng năm ĐBSCL sản xuất trung bình 25 triệu tấn lúa, xuất khẩu hơn 50%. Chưa kể, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã chỉ rõ phải thay đổi tư duy sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp. Thứ ba, vấn đề môi trường rất quan trọng vì đóng cống sẽ làm ô nhiễm trong những nhánh sông là vô cùng lớn, điển hình như ở cống Ba Lai (Bến Tre), nước tồn đọng, không được sử dụng vào việc gì. GS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm Chương trình điều tra cơ bản ĐBSCL giai đoạn 1983 - 1990, cũng nói rằng, dự án cống Ba Lai ở Bến Tre và ngọt hóa bán đảo Cà Mau là bài học để rút kinh nghiệm khi tính toán đầu tư cho hợp lý

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nói rằng, các đại biểu đã chỉ ra hạn chế trong báo cáo dự án, vì thế, còn nhiều vấn đề cần xem xét, cân nhắc lại, như về môi trường, sinh thái... Theo ông Thắng, theo tầm nhìn dài hạn thì hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé sẽ tạo ra bức tranh tổng thể trong việc chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lo-ngai-du-an-thuy-loi-nghin-ty-o-dbscl-1321666.tpo