Lo ngại bữa ăn học đường thiếu vi chất

Bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm bữa ăn học đường đang là vấn đề còn nhiều bất cập. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu không quan tâm đến vấn đề này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của học sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, học sinh Việt Nam đang đối mặt với cả hai tình trạng đáng báo động, đó là suy dinh dưỡng, thấp còi và thừa cân, béo phì. Nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ khẩu phần ăn ở cả gia đình và nhiều cơ sở giáo dục hiện nay hầu như chỉ được kiểm soát bằng cảm tính, chưa dựa trên các cơ sở khoa học về dinh dưỡng.

Tại Hà Nội, thời điểm này, giá thịt lợn cũng như nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao, cho nên nhiều trường học gặp khó khăn khi phải tính toán bữa ăn cho học sinh bán trú để vừa phù hợp với giá cam kết, vừa bảo đảm đủ dinh dưỡng, vi chất cho học sinh.

Trường tiểu học Dịch vọng B (quận Cầu Giấy) hằng ngày phải chuẩn bị hơn 2.500 suất ăn bán trú với giá 28 nghìn đồng/hai bữa ăn bán trú. Số tiền đó gồm tiền mua thực phẩm, công nấu, chất đốt, thuế. Đại diện nhà trường cho biết, trường đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm dinh dưỡng bữa ăn bán trú vì giá thực phẩm tăng cao, nhất là giá thịt lợn. Nhà trường mong muốn Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thuế, giảm bớt chi phí, bảo đảm bữa ăn bán trú luôn đủ dinh dưỡng, tăng sự phát triển về thể lực, cũng như sức khỏe cho học sinh.

Trong khi đó, cô Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) cho rằng, giá thịt lợn tăng mạnh khiến việc cung cấp thực phẩm cho bữa ăn bán trú gặp khó khăn. Nhà trường cũng trao đổi với phụ huynh và nhà cung ứng khắc phục bằng cách giảm số lượng món ăn trong thực đơn, hoặc thay thế bằng thực phẩm khác (như thịt gà, cá, đậu phụ, trứng…) để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hương Việt Sinh Bùi Quang Hữu, đơn vị cung cấp suất ăn học đường lớn tại Hà Nội cho biết, tháng 9-2019, Công ty phối hợp Viện Y học ứng dụng Việt Nam nghiên cứu bộ thực đơn “Dinh dưỡng cho bữa ăn học đường”. Trong đó, giá thấp nhất của một bữa ăn phổ biến trong khoảng từ 30 nghìn đồng đến 35 nghìn đồng/bữa. Tuy nhiên, theo ông Hữu, giá thị trường luôn luôn biến động theo hướng tăng lên. Chi phí nhân công cũng gia tăng, dẫn đến giá thành mỗi suất ăn tăng cao. Để bảo đảm đủ chất và lượng cho bữa ăn học sinh, công ty cũng mong có sự hỗ trợ của các ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước.

Theo TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, nếu so sánh với một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc... thì bữa ăn học đường ở Việt Nam cần tăng thêm khẩu phần rau xanh, trái cây, tiến tới hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối.

Cùng với đó, bữa trưa học đường của học sinh tiểu học và THCS nước ta dù đã cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như chưa có danh mục thực phẩm cung cấp năng lượng hay vi chất thiết yếu theo nhóm tuổi, theo mùa. "Bữa ăn của trẻ, nhất là bữa ăn học đường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều phụ huynh và cơ sở giáo dục chưa quan tâm đến việc trang bị kiến thức về dinh dưỡng học đường. Nhiều ông bố, bà mẹ chỉ cần nhìn thấy bữa trưa ở trường của con có đủ thịt, cá, rau và đồ tráng miệng là hài lòng, mà chưa để ý trẻ ăn có đủ dinh dưỡng hay không" - ông Sơn nói.

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng bữa ăn học đường đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, để bữa ăn học đường đạt chất lượng, bảo đảm chi phí của học sinh là không dễ dàng, cần sự kết hợp vào cuộc của cả doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42564802-lo-ngai-bua-an-hoc-duong-thieu-vi-chat.html