Lo ngại an toàn hồ chứa thủy lợi

Ngày 2/8, bão số 2 đã đổ bộ đất liền, sau suy yếu và tan dần. Mặc dù vậy, hoàn lưu bão được nhận định sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to đến rất to tại nhiều tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ, ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa.

Hồ Kèo Cà tại huyện Sóc Sơn được nâng cấp bảo đảm yêu cầu cấp nước và phòng, chống thiên tai. Ảnh: Tùng Trọng

Hồ Kèo Cà tại huyện Sóc Sơn được nâng cấp bảo đảm yêu cầu cấp nước và phòng, chống thiên tai. Ảnh: Tùng Trọng

71 sự cố hồ đập trong 10 năm

Theo thống kê, cả nước hiện có 6.750 hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ mét khối nước. Các hồ chứa đang tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu hecta đất nông nghiệp và cấp khoảng 1,5 tỷ mét khối nước cho sinh hoạt, công nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, trên cả nước đã xảy ra tổng cộng 71 sự cố hồ chứa thủy lợi. Mới đây nhất, trong các tháng 5 – 6/2020, đã xảy ra hai sự cố tại hồ Đầm Thìn (Phú Thọ) và đập dâng Đô Lương (Nghệ An). Trên địa bàn Hà Nội, những năm qua chưa ghi nhận sự cố lớn liên quan đến 117 hồ chứa thủy lợi. Tuy nhiên, hư hỏng đã và đang xuất hiện với tần suất ngày một nhiều hơn.

Nguyên nhân dẫn đến các sự cố hồ chứa thủy lợi trong những năm gần đây, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT là bởi việc tổ chức quản lý, khai thác hồ chứa tại nhiều địa phương chưa tuân thủ theo quy định của Luật Thủy lợi. Công tác kiểm tra, phát hiện và sửa chữa hư hỏng không kịp thời. Tại một số địa phương, công tác bảo trì thiết bị của tràn xả lũ chưa được thực hiện theo quy trình dẫn đến không vận hành được khi lũ về...

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, từ nay đến ngày 5/8, ở Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa, với tổng lượng khoảng 200 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Mưa lớn những ngày tới được nhận định có thể ảnh hưởng đến 204 hồ thủy lợi đang bị hư hỏng và 115 hồ chứa đang thi công.

Rà soát hồ chứa cần ưu tiên nâng cấp

Để bảo đảm hồ chứa thủy lợi đáp ứng đa mục tiêu, từ năm 2003 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, bố trí khoảng 16.500 tỷ đồng cho việc sửa chữa, tu bổ khoảng 900 hồ. Tại Hà Nội, nhiều hồ chứa lớn như Suối Hai, Mèo Gù (huyện Ba Vì); Đồng Đò, Kèo Cà (huyện Sóc Sơn); Quan Sơn (huyện Mỹ Đức)... cũng đã được TP đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu về cấp nước và phòng, chống thiên tai.

Mặc dù vậy, hiện trạng của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cho thấy, nhiều hồ chứa đã được xây dựng từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Chính vì vậy, nhu cầu đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình phục vụ đa mục tiêu này là hết sức cấp thiết.

Cùng với việc đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu rà soát hồ chứa hư hỏng, sắp xếp thứ tự ưu tiên và chủ động bố trí nguồn lực để nâng cấp, bảo đảm an toàn. Về phía Bộ NN&PTNT, thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai Đề án “Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi giai đoạn đến năm 2030”. Mục tiêu chính là đến năm 2030, phấn đấu sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn cho 1.200 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ.

Trước diễn biến mưa lũ, cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và 21 tỉnh, TP vùng ảnh hưởng của bão số 2. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, vùng trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn. Từ đó, lên phương án sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, tại Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông cho đến ít nhất là hết ngày 3/8. Tổng lượng mưa tại Hà Nội trong đợt này dao động từ 40 – 70mm.

Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lo-ngai-an-toan-ho-chua-thuy-loi-391930.html