Lo, mừng chống dịch Covid-19

Nhiều tín hiệu tích cực từ một số điểm nóng về dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang góp phần tạo động lực, củng cố 'niềm tin chiến thắng' cho các quốc gia trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Người dân xếp hàng mua thực phẩm ở Venice, Italy

Người dân xếp hàng mua thực phẩm ở Venice, Italy

Xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp

Theo số liệu do Đại học Johns Hopkins của Mỹ công bố, nước Đức đã ghi nhận 100.009 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1.575 ca tử vong. Số ca nhiễm mới ở Đức chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi tỷ lệ lây nhiễm mới tiếp tục, trung bình 4.000 - 5.000 ca/ngày. Theo Chánh Văn phòng Chính phủ Đức Helge Braun, đỉnh dịch tại Đức vẫn còn ở phía trước và nhiệm vụ của Chính phủ Đức hiện nay là chuẩn bị mọi phương án cho người dân vào thời điểm khó khăn nhất của dịch.

Trong khi đó, trước sự lây lan nhanh của Covid-19, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đã có bài phát biểu trên truyền hình, kêu gọi người dân Anh cùng chung tay đối phó dịch bệnh, vượt qua thời khắc đầy thách thức. Đây là lời hiệu triệu hiếm hoi của Nữ hoàng được phát trên truyền hình trong suốt 67 năm trị vì của bà. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải nhập viện do tiếp tục xuất hiện các triệu chứng dai dẳng của Covid-19, khoảng 10 ngày sau khi ông tự cách ly tại nhà.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã chuẩn bị phương án ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong bối cảnh số ca nhiễm tại thủ đô Tokyo (148 ca trong ngày 5-4) và các khu vực khác tăng vọt. Hiện đã xuất hiện một số thông tin cho biết, Nhật Bản sẽ sớm ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong ngày 7-4. Cho tới nay, Nhật Bản ghi nhận khoảng 3.650 ca mắc Covid-19 trên cả nước. Ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại nước này là vào giữa tháng 1.

Những điểm sáng

Italy, nước hiện có số ca tử vong cao nhất thế giới với 15.887 ca, trong ngày 5-4, ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 2 tuần qua (525 ca) và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số ca bệnh (chỉ sau Mỹ) đã công bố số ca tử vong ngày 6-4 ở nước này là 637 ca, mức thấp nhất trong 13 ngày qua. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm. Trong khi đó, Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo cho biết, số ca tử vong trong ngày 5-4 lần đầu tiên giảm, từ khi dịch bùng phát đến nay, với 594 ca được ghi nhận, ít hơn 36 ca so với ngày hôm trước.

Trước những diễn biến mới này, chính phủ các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Phần Lan đã thành lập các ủy ban chuyên gia để nghiên cứu nhằm vừa giảm dần các biện pháp cách ly, hạn chế nghiêm ngặt nhưng đồng thời tránh dịch bệnh bùng phát gây quá tải hệ thống y tế.

Theo tờ Financial Times (FT), nhân loại đang phải đối mặt khủng hoảng lớn nhất của thế hệ này khi dịch Covid-19 không chỉ tác động tới hệ thống y tế mà còn cả kinh tế, chính trị và văn hóa. FT cho rằng, “cơn bão” rồi sẽ tan, loài người sẽ vượt qua biến cố này, nhưng sẽ sống trong “một thế giới khác” với nhiều thay đổi. Theo FT, nhiều biện pháp khẩn cấp mang tính tạm thời lúc này sẽ trở thành những thứ gắn chặt với đời sống về sau. Ví dụ như, để ngăn chặn dịch bệnh, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã triển khai việc giám sát và trừng phạt những người làm trái quy định để buộc người dân phải tuân thủ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhờ có công nghệ nên việc giám sát tất cả mọi người vào mọi thời điểm trở nên khả thi. Việc triển khai các công cụ giám sát hàng loạt sẽ trở thành điều bình thường ở cả những quốc gia cho đến nay vẫn từ chối áp dụng chúng.

ĐỖ CAO tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lo-mung-chong-dich-covid19-655638.html