Lò mổ sạch chật vật cạnh tranh với lò mổ lậu

Đồng Nai hiện có 33 cơ sở giết mổ được Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) hỗ trợ đầu tư. Đây là các cơ sở giết mổ được đầu tư theo đúng quy hoạch với công nghệ, hệ thống dây chuyền giết mổ hiện đại nhằm mục tiêu đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Cơ sở giết mổ tập trung của ông Nguyễn Bá Thành (xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) rơi vào cảnh thua lỗ, hoạt động cầm chừng vì bị lò mổ lậu cạnh tranh. Ảnh: Phạm Tùng

Cơ sở giết mổ tập trung của ông Nguyễn Bá Thành (xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) rơi vào cảnh thua lỗ, hoạt động cầm chừng vì bị lò mổ lậu cạnh tranh. Ảnh: Phạm Tùng

Tuy nhiên, hiện tại nhiều lò mổ Lifsap đang chật vật cạnh tranh với lò giết mổ lậu, thậm chí có cơ sở đầu tư hàng chục tỷ đồng rồi “trùm mền” vì càng làm càng lỗ.

* Ôm nợ vì làm lò mổ sạch

Đầu năm 2019, cơ sở giết mổ tập trung của ông Nguyễn Bá Thành (xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) được khánh thành và đưa vào sử dụng sau một thời gian thi công. Để xây dựng được lò mổ hiện đại phục vụ giết mổ bò, gà và heo với công suất 700 con/ngày, ông Thành đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, những dự án giết mổ mới sẽ ưu tiên cho các dự án lớn, hiện đại, theo chuỗi sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Theo đó, hiện nay, các địa phương cần cố gắng không để phát sinh thêm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và kiên quyết thực hiện việc di dời cơ sở giết mổ trong khu dân cư và không đúng quy hoạch theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Thế nhưng, sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, đến nay lò mổ quy mô và hiện đại của ông Thành buộc phải đóng cửa, bỏ không vì… không có heo để mổ. “Công suất lò mổ của tôi là 700 con heo, bò, gà/ngày nhưng hơn nửa năm nay chỉ giết mổ được khoảng 2 con heo/ngày đêm cùng với đó là khoảng 100 con gà/ngày đêm”, - ông Thành chua xót cho biết.

Theo ông Thành, nguyên nhân khiến người dân không vào cơ sở của mình để giết mổ gia súc, gia cầm là do các lò mổ lậu trên địa bàn vẫn còn hoạt động. Lò mổ lậu có chi phí rẻ hơn, kiểm dịch và vệ sinh an toàn lỏng lẻo chứ không khắt khe như lò mổ tập trung nên phần lớn người dân vẫn “ưa chuộng” mổ lậu hơn.

Lò mổ không hoạt động khiến ông Thành phải chịu thiệt hại nặng nề. Ngoài số vốn hàng chục tỷ đã đầu tư thì hiện nay, ông chủ lò mổ này còn phải “gồng” mình chi trả thêm các khoản tiền lãi, tiền nợ ngân hàng. “Lò mổ không hoạt động, bỏ không nhưng mình cũng phải tốn thêm chi phí thuê người trông coi, bảo vệ. Các dây chuyền như hệ thống xử lý nước thải, máy móc phục vụ giết mổ do không hoạt động nên cũng đã bắt đầu xuống cấp. Thiệt hại nặng nề lắm, tôi đã phải bán nhà để trả nợ” - ông Thành cho hay.

Không “bi kịch” đến nỗi phải bỏ không như lò mổ của ông Thành, nhưng sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, cơ sở giết mổ Hoàng Thị Liêm (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) cũng rơi vào cảnh thua lỗ liên tiếp. Nguyên nhân là do cơ sở hoạt động không đủ công suất vì gặp phải sự cạnh tranh của các lò mổ lậu. “Lò mổ có công suất thiết kế 500 con heo/ngày nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay chưa có ngày nào cơ sở giết mổ quá 20 con heo” - bà Hoàng Thị Liêm, chủ cơ sở giết mổ cho biết.

Cũng theo bà Liêm, để có được cơ sở giết mổ hiện đại này, gia đình bà đã phải đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả vì… thiếu heo để mổ nên giờ bà phải “ôm nợ” vì thua lỗ.

* Khó cạnh tranh với giết mổ lậu

Theo các chủ lò mổ tập trung, khi bắt tay đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ quy mô, hiện đại, họ đều được chính quyền địa phương “cam kết” sẽ dẹp bỏ các lò mổ lậu để lò mổ tập trung hoạt động. Thế nhưng, trên thực tế, những cam kết của chính quyền địa phương chỉ được thực hiện theo kiểu “cam kết rồi… để đó”.

Đây cũng là nguyên nhân phần lớn các cơ sở giết mổ tập trung sau khi xây dựng xong đều phải hoạt động cầm chừng, thua lỗ vì sự cạnh tranh gay gắt của các lò mổ lậu. Trong khi đó, cam kết dẹp bỏ các lò mổ lậu mà chính quyền địa phương hứa hẹn thì mãi vẫn không được thực hiện. “Tôi có danh sách 25 hộ giết mổ của 3 xã trên địa bàn huyện Nhơn Trạch nhưng không có hộ nào đưa vào giết mổ tại cơ sở của tôi. Đa phần heo đều được đưa vào giết mổ ở các lò mổ lậu, còn chỉ đưa một vài con heo mổ tại lò mổ tập trung để đối phó” - bà Hoàng Thị Liêm bức xúc cho biết.

Đồ họa thể hiện số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được cấp phép và được ngành thú y kiểm soát giết mổ; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được đầu tư; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Lifsap trên địa bàn tỉnh và các địa phương trong tỉnh có nhiều cơ sở giết mổ Lifsap. (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Dự án Lifsap được triển khai 8 năm tại Đồng Nai và kết thúc vào cuối năm 2018. Tại hội nghị tổng kết hoạt động dự án, bà Lê Thị Thu Hoài, Giám đốc Ban Quản lý Lifsap Đồng Nai cho biết: “33 cơ sở giết mổ tập trung được Lifsap hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh hiện có công suất hoạt động thực tế bình quân đạt chưa đến 50% so với công suất thiết kế. Không ít cơ sở giết mổ Lifsap đang thua lỗ, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản do không cạnh tranh lại với lò giết mổ lậu. Các chủ đầu tư mới cũng e ngại trong việc đầu tư thêm cơ sở mới”.

* Còn bất cập trong quy hoạch

Đầu năm 2018, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 285/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh quy hoạch 49 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, xóa bỏ toàn bộ các điểm giết mổ ngoài quy hoạch trên.

Tuy nhiên trong thực tế, toàn tỉnh hiện có 71 cơ sở giết mổ được cấp phép và được ngành thú y kiểm soát giết mổ. Như vậy, ngoài các cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư theo quy hoạch còn hàng chục cơ sở giết mổ được cấp phép đang hoạt động. Các cơ sở giết mổ ngoài quy hoạch giết mổ tập trung nằm trong khu dân cư đều sẽ phải di dời hoặc ngưng hoạt động.

Toàn tỉnh hiện chỉ có 42 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư, chưa đạt so với yêu cầu nhưng thực tế hiện nay, nhiều lò giết mổ tập trung hiện đang rơi vào cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản vì hoạt động kém hiệu quả. Ngoài khó khăn do bị cạnh tranh bởi nạn giết mổ lậu còn do quy hoạch giết mổ tập trung có nhiều bất cập. Cụ thể, một số địa phương sau khi thực hiện theo quy hoạch thì số lượng lò giết mổ tập trung trở nên dày đặc như huyện Trảng Bom có đến 10 cơ sở, huyện Thống Nhất có 7 cơ sở. Nhưng có địa phương như TP.Biên Hòa lại chưa xây dựng được 1 lò giết mổ tập trung nào.

Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là quy hoạch nằm trong danh mục phải xóa bỏ theo Luật Quy hoạch bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể và UBND tỉnh chưa phê duyệt danh mục các quy hoạch sẽ xóa bỏ nên việc quản lý giết mổ vẫn thực hiện theo quy hoạch hiện nay.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương và những sở, ngành liên quan phải thực hiện rà soát, tìm hướng quản lý cơ sở giết mổ cho phù hợp khi Luật Quy hoạch mới có hiệu lực và quy hoạch giết mổ tập trung nằm trong danh mục phải xóa bỏ. Khi quy hoạch giết mổ tập trung bị xóa bỏ sẽ thực hiện quản lý theo hai hướng là quản lý theo danh mục ưu đãi đầu tư và quản lý theo các quy hoạch khác như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị…

Bình Nguyên - Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/lo-mo-sach-chat-vat-canh-tranh-voi-lo-mo-lau-2978311/