Lo 'mất trắng' bí mật vào tay Nga-Trung, Mỹ-Nhật hối hả tìm xác F-35

Một tuần sau khi máy bay tàng hình F-35 Nhật mua của Mỹ rơi ở Thái Bình Dương, các tàu của cả hai nước vẫn ráo riết tìm kiếm xác chiến cơ này trong nỗ lực bảo toàn 'bí mật vũ khí'.

Chiếc F-35 gặp nạn biến mất khỏi màn hình radar ngày 9/4 trên bầu trời Thái Bình Dương, phía đông bắc Nhật Bản, khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cùng 3 máy bay khác.

F-35A

F-35A

Tờ Japan Today, hôm nay (17/4), dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, phần đuôi đã được tìm thấy nhưng phần còn lại của thân máy bay và phi công vẫn mất tích.

"Trung bình hai máy bay, bao gồm một trực thăng, cùng hai tàu tuần tra liên tục được triển khai trong chiến dịch tìm kiếm không ngừng nghỉ ngày đêm", người phát ngôn này cho biết.

Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản cũng cử một tàu ngầm không người lái tham gia tìm kiếm. Phía quân đội Mỹ cử một máy bay quân sự cùng một tàu, và nỗ lực tìm kiếm vẫn duy trì quy mô như lúc đầu dù đã một tuần trôi qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya cho biết, vụ rơi F-35 sẽ được bàn trong một cuộc gặp giữa ông và người đồng cấp Mỹ ở Washington vào thứ Sáu tuần này (19/4), sự kiện cũng có sự hiện diện của ngoại trưởng hai nước.

"F-35A là một máy bay chứa một lượng bí mật quan trọng cần được bảo vệ", Bộ trưởng Iwaya xác nhận với các phóng viên. "Với sự giúp đỡ của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong điều tra nguyên nhân tai nạn".

Akira Kato, giáo sư về an ninh khu vực và chính trị quốc tế tại Đại học Tokyo's J.F. Oberlin ở Tokyo, nhận định Nga và Trung Quốc sẽ có "một mối quan tâm mạnh mẽ trong việc thu thập dù chỉ một ốc vít đơn lẻ của chiếc máy bay tối tân này".

Còn Hideshi Takesada, chuyên gia quốc phòng và giáo sư tại Đại học Takushoku ở Tokyo, cho rằng không có gì ngạc nhiên nếu Moscow và Bắc Kinh dính dáng các hoạt động ngầm nhằm tìm ra một số mảnh vỡ máy bay.

"Thậm chí, nếu Nhật và Mỹ tìm thấy rồi thì họ có thể cũng sẽ không tiết lộ chi tiết, chẳng hạn như điểm rơi chính xác, do lo ngại Trung Quốc và Nga tìm cách thu thập nó", ông Takesada nói.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo chưa phát hiện tàu thuyền hay máy bay đáng nghi nào từ một nước thứ 3 gần địa điểm máy bay rơi. Tuần trước, Lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật công bố thành lập một ủy ban chuyên trách nghiên cứu nguyên nhân tai nạn nhưng đến nay vẫn chưa rõ điều gì xảy ra với máy bay.

Nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin ca ngợi F-35 là "gần như không thể bị phát hiện", rằng nó cho phép Mỹ và các đồng minh thống trị bầu trời nhờ "khả năng vô địch và năng lực nhận thức tình huống chưa từng có tiền lệ".

Nhật đang triển khai phi đội F-35A , với mỗi chiếc trị giá hơn 10 tỷ Yen (90 triệu USD), trong tiến trình thay thế dàn chiến cơ F-4 già cỗi của nước này. Máy bay bị rơi ở Thái Bình Dương ngày 9/4 là một trong 13 chiếc F-35A được triển khai tại Căn cứ Không quân Misawa. 12 chiếc còn lại hiện đã dừng bay.

F35-A là một phần then chốt trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm nâng cấp năng lực quân sự của Nhật Bản, trước tình hình cán cân sức mạnh đang thay đổi ở Đông Bắc Á. Trong thập niên tiếp theo, Tokyo dự kiến sắm 105 chiếc F-35A và 42 đơn vị chiến cơ năng lực cao khác, hầu hết là biến thể F-35B.

Xem tiêm kích F-35 hạ gục cùng lúc 5 mục tiêu:

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/lo-mat-trang-bi-mat-vu-khi-my-nhat-hoi-ha-tim-vot-xac-f-35-524103.html