Lo 'mất cán bộ': Đáng mừng hay đáng lo?

Không nên e ngại, lo lắng khi 'mất cán bộ' mà phải nhìn nhận đó là một kết quả, một tác động tích cực giúp đẩy mạnh việc chống tham nhũng...

LTS:- Lãnh đạo Đà Nẵng và TP.HCM đều có những chia sẻ trước lỗi lo "mất cán bộ" do liên quan tới sai phạm trong quản lý đất đai xảy ra trên địa bàn. Từ góc nhìn cá nhân, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp lại cho rằng, nên nhìn nhận đó là kết quả tích cực thay vì lo lắgg. Để rộng đường dư luận, báo Đất Việt xin đăng tải bài viết của ông về vấn đề này.

Từ cuối năm 2018 đến nay, hàng loạt cán bộ, nguyên lãnh đạo của TP. Hồ Chí Minh đã bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam liên quan đến quản lý đất đai. Tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Trương Quang Nghĩa cũng chia sẻ về câu chuyện "mất cán bộ" vì quản lý đất đai, quản lý đô thị.

Trước tình hình này, trong đầu tôi bật ngay ra câu hỏi: cái gọi là "mất cán bộ" thực chất là mất loại cán bộ nào? Một khi loại cán bộ đã sa vào tham nhũng, buộc phải xử lý theo pháp luật thì có còn là đồng chí, đồng nghiệp, có xứng đáng gọi là cán bộ, công bộc của dân nữa hay không? Việc "mất cán bộ" này là đáng mừng hay đáng lo?

Nhiều cán bộ lãnh đạo Đà Nẵng bị truy tố vì liên quan tới sai phạm của Vũ nhôm. Ảnh: Dân trí

Nhiều cán bộ lãnh đạo Đà Nẵng bị truy tố vì liên quan tới sai phạm của Vũ nhôm. Ảnh: Dân trí

Thực trạng diễn biến tâm lý, tác động hành vi của một bộ phận cán bộ,công chức như vừa qua ở Đà Nẵng, TP.HCM là một thực tế. Tuy nhiên, thực tế những diễn biến đó, tâm trạng đó không phải gần đây mới có mà đã tồn tại từ khá lâu ở nhiều địa phương, nhiều bộ ngành. Đấy là tác động, là kết quả của việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống cơ quan công quyền, hệ thống cán bộ công chức.

Sự lo ngại, co lại, không dám thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ công chức mà một số cán bộ lãnh đạo ĐN, TP.HCM phản ánh cũng là một thực tế. Để phân giải mã và thấu hiểu loại tâm lý này thì ta phải phân tích kỹ tình hình chung trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

Trước đây, vài chục năm, tôi cũng như một số người đã nêu lên thực trạng 1/3 số cán bộ công chức là vô thưởng, vô phạt "sáng cắp ô đi, tối cắp về". Thời gian gần đây, tôi đã có phân tích sâu hơn về thực trạng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay.

Theo tôi, đội ngũ cán bộ công chức hiện nay có thể chia làm 3 nhóm cơ bản. Nhóm thứ nhất là một bộ phận cán bộ công chức có trình độ năng lực, có trách nhiệm trong quá trình thi hành công vụ.

Đây là lực lượng rất đáng quý nhưng đáng tiếc là số này, theo tôi không phải chiếm đa số trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Cá biệt, ở một số bộ ngành,địa phương, số này đang bị yếu thế, đang bị lui vào không dám mạnh dạn trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài nhằm vào.

Nhóm thứ hai, theo tôi chiếm tỷ lệ không nhỏ trong đội ngũ cán bộ công chức hiện nay đó là, số cán bộ,công chức có trình độ hạn chế có biểu hiện lười biếng, vô cảm, dĩ hòa vi quý, mũ ni che tai.

Họ có một tâm lý khá phổ biến đó là, coi vị trí của mình trong bộ máy công quyền như một nơi trú ẩn yên ổn, lâu dài. Tâm lý và thái độ hành xử của nhóm này nhìn chung là giữ công việc để tồn tại một cách bình yên, vô thưởng vô phạt. Nhìn chung là khá lười biếng, vô cảm.

Số này có tác động không nhỏ tới chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước trong bộ máy công quyền hiện nay.

Và nhóm cuối cùng hết sức nguy hiểm va tệ hại, như tôi nhiều lần đã nói tới, kể cả một số lãnh đạo cao cấp cũng nhắc tới,đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức nắm pháp luật, có trình độ, kinh nghiệm.

Tuy nhiên họ đã tìm cách lạm dụng vị trí, vai trò, nhiệm vụ được giao để vi phạm pháp luật một cách cố ý nhằm trục lợi cho cá nhân. Họ dùng đủ mọi cách để chà đạp lên pháp luật, chà đạp lên công lý, đạo lý để thu vén lợi ích cho cá nhân, để trục lợi. Nhóm này là đối tượng mà chống tham nhũng, tiêu cực cần nhằm vào để đấu tranh, loại trừ.

Với cách phân loại và nhìn nhận ba nhóm này, quay lại nhận định của một vài lãnh đạo TP.HCM và ĐN thì tôi không hề lấy làm lạ về những biểu hiện e ngại, co lại của một số cán bộ, công chức trước kết quả và hiệu quả của việc chống tham nhũng, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống công chức, bộ máy công quyền.

Tôi còn nhớ cách đây vài chục năm, đã có cán bộ cao cấp phát biểu rằng nếu cứ chống tiêu cực tham nhũng và xử lý cán bộ công chức như thế này thì còn đâu người mà làm việc. Đấy cũng làm một thực tế đáng suy ngẫm.

Tôi cho rằng, số cán bộ, công chức có biểu hiện e ngại, co lại, không dám thực thi công vụ là có thật, tuy nhiên đó là tâm trạng của những loại cán bộ công chức nào thì theo cách phân tích, phân loại của tôi ở trên thì chắc mọi người đã hiểu, đã có kết luận.

Không loại trừ tâm trạng e ngại, co lại cũng có thể phát sinh từ nhóm cán bộ công chức có trình độ , có năng lực. Theo tôi đó là sự cảnh báo cần thiết để họ giữ gìn hơn, cẩn trọng hơn trong thi hành công vụ.

Tuy nhiên, nếu đó là tâm trạng của nhóm cán bộ, công chức thứ hai và đặc biệt là nhóm cán bộ, công chức thứ ba tức là nhóm tiêu cực thì đó là một sự cảnh báo làm cho họ không còn dám ngang nhiên vi phạm pháp luật nữa, ngang nhiên chà đạp lên pháp luật để trục lợi nữa. Đó là kết quả rất tốt của quyết tâm phòng chống tiêu cực tham nhũng, quyết tâm nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. Tôi cho rằng, điều này không đáng e ngại, băn khoăn gì.

Với thực trạng e ngại, co lại, tôi thấy một mặt có tác dụng nhắc nhở, cảnh báo, giúp từng cán bộ công chức tự cân nhắc, suy nghĩ khi thi hành công vụ. Đấy là mong muốn của Đảng, nhà nước và cũng là mong muốn của xã hội, của người dân hiện nay.

Trường hợp, co lại và e ngại do trình độ hạn chế, do tâm lý sợ sệt đến mức mà họ không dám thực thi công vụ một cách đàng hoàng, nghiêm chuẩn nữa thì chúng ta cũng có hướng xử lý khác đó là xem xét xử lý những người này căn cứ vào chất lượng, hiệu quả công tác, buộc họ phải nâng cao trình độ, trách nhiệm trong thi hành công vụ.

Trường hợp không thể vực họ lên được thì rõ ràng đây cũng là một tiêu chí buộc cơ quan và người có thẩm quyền loại họ ra khỏi bộ máy công quyền theo dạng tinh giảm biên chế theo yêu cầu, cơ chế chung.

Như vậy, chúng ta thấy tâm trạng này là có thật và đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức. Tuy nhiên chúng ta không quá lo lắng một cách vô nguyên tắc, thiếu chuẩn mực để hiểu rõ và có biện pháp xử lý tình hình này. Đặc biệt không vì thế mà phải giảm bớt quá trình chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay. Rõ ràng, vấn đề tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực là một yêu cầu bức thiết không thể lui bước.

Tôi muốn nói thêm ở đây là cuộc đấu tranh này đang dành những kết quả khả quan được dư luận đồng tình và hoan nghênh. Tuy nhiên, dư luận cũng đang trông chờ việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Không chỉ tham nhũng lớn, nghiêm trọng có tầm ảnh hưởng lớn mà còn phải chú ý hơn đến việc chống tiêu cực tham nhũng vừa và tham nhũng vặt như Tổng Bí thư đã nói. Cũng rất cần phải đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng ở các cấp chính quyền địa phương, tỉnh, huyện, xã. Vấn đề này, từ thông tin chung, dư luận vẫn đang mong chờ một kết quả tốt hơn, đồng bộ hơn, tích cực hơn.

Nhân đây, tôi muốn nhắc lại một vấn đề mà dư luận đã nói nhiều, đó là vấn đề tuyển chọn, sử dụng, quản lý cán bộ công chức hiện nay đang còn có nhiều kẽ hở, nhiều bất cập. Quá trình này gồm nhiều khâu đoạn liên tiếp, đan xen, tác động tới nhau. Vấn đề có tính gốc dễ mà ta đã nói nhiều, đó là chường trình, nội dung giáo dục, đào tạo trình độ người học hiện nay ở nước ta đang còn có quá nhiều vấn đề.

Đặc biệt là việc đào tạo đại học ở trình độ cử nhân đang tồn tại một hiện tượng khá phổ biến như tôi đã nhiều lần nhắc tới đó là, "Cạnh tranh tiêu cực", "Cạnh tranh xuống đáy" giữa các cơ sở đào tạo, đại học. Có tình trạng nhà trường, giáo viên không dám đánh giá thực chất chất lượng, hiệu quả của người học, không dám cho điểm một cách thực chất còn quá nương nhẹ trong việc đánh giá.

Thực trạng này dẫn tới một hậu quả là chất lượng đầu vào khi tuyển chọn cán bộ, công chức cũng đang bị hạ thấp một cách quá mức, đáng báo động. Tiếp theo là vấn đề tuyển dụng nhân sự vào các cơ quan công quyền đang tồn tại không ít kẽ hở, tiêu cực để lọt không ít người kém cỏi, hạn chế vào bộ máy công quyền. Tiếp theo là vấn đề sử dụng, quản lý cán bộ công chức cũng đang tồn tại khá nhiều vấn đề bất ổn.

Yêu cầu bảo đảm kỷ luật, kỷ cương nhiều lúc, nhiều nơi không được coi trọng. Đặc biệt là vấn đề quản lý chất lượng và xem xét kỷ luật cán bộ công chức. Lâu nay tôi rất băn khoăn về việc xem xét đánh giá chất lượng, đánh giá hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức.

Hiện tượng "Dĩ hòa vi quý" đang khá phổ biến. Đặc biệt là vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ công chức cũng đang thiếu rất nhiều quy định, thiếu rất nhiều chuẩn mực để xem xét, đánh giá cán bộ, công chức một cách thực chất, đặc biệt là xác định hình thức kỷ luật khi họ có vi phạm.

Đối với người dân trong xã hội, ta đã có một hệ thống chuẩn mực khá cụ thể, chi tiết để xem xét mức độ, hành vi vi phạm từ đó cá thể hóa hành vi vi phạm và cá thể hóa hình thức xử lý ở các mức độ khác nhau mà ta hay gọi là cá thể hóa việc xác định hành vi, từ đó, cá thể hóa việc xử lý, kể cả việc định tội,lượng hình. Một cá nhân cán bộ, công chức vi phạm, theo quy định hiện hành thì phải qua hội đồng kỷ luật theo quy trình chung.

Tuy nhiên, do hệ thống chuẩn mực quá chung chung, thiếu cụ thể về định tính và định lượng, cho nên rất dễ hiểu khi mà rất nhiều trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nghiêm trọng nhưng xử lý ở nơi người đó công tác qua hội đồng kỷ luật và xem xét xử lý ở cơ sở thường là phê bình, rút kinh nghiệm sâu sắc hoặc là khiển trách. Cá biệt mới có cảnh cáo. Việc nương nhẹ, cho qua khá phổ biến ở nhiều nơi.

Đà Nẵng cảnh báo 'mất cán bộ': Nỗi lo không riêng ai

Việc xử lý đó buộc cấp trên phải vào cuộc. Chúng ta đã có nhiều thông tin về xem xét đề nghị kỷ luật của UBKTTW với một loạt cán bộ công chức có hành vi vi phạm thời gian qua. Tôi cứ băn khoăn mãi tại sao phải đến cấp đó mới có được hình thức xử lý thích đáng về mặt Đảng, về mặt chính quyền, thậm chí xử lý hình sự ở nhóm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đấy là vấn đề rất đang suy ngẫm, xử lý hệ thống quy chuẩn về hệ thống xử lý kỷ luật cán bộ công chức vi phạm kỷ luật hiện nay.

Tôi cũng đã nhiều lần đề nghị hình thức xử lý đối với những cán bộ công chức có hành vi vi phạm pháp luật một cách cố ý và có động cơ trục lợi. Một khi một cá nhân cán bộ, công chức có hành vi vi phạm thuộc loại cố ý và có động cơ trục lợi thì phải bảo đảm kỷ luật, kỷ cương.

Đầu tiên là phải loại người đó ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức cái đã, tức là phải cho thôi việc, rồi tiếp đó mới xem xét tiếp hình thức xử lý thích đáng phù hợp với mức độ tính chất, mức độ vi phạm, kể cả xử lý hình sự, như cách xử lý lâu nay ở một số nơi rất tùy tiện, nương nhẹ, ù xọe, làm mất lòng tin của người dân, của xã hội, buộc cấp trên có thẩm quyền vào cuộc mới xử lý đúng tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

Các phân tích nêu trên là cơ sở để quay lại nhìn nhận tâm lý e ngại, co lại của một số cán bộ, công chức khi mở đầu bài viết này. Để kết luận, tôi cho rằng, chúng ta không nên e ngại, lo lắng khi phát sinh tâm trạng này ở một số bộ phận cán bộ mà phải nhìn nhận đó là một kết quả, một tác động giúp cơ quan và người có thẩm quyền xử lý vấn đề một cách đúng mức với mục tiêu cuối cùng đó là tiếp tục đẩy mạnh việc chống tiêu cực, tham nhũng và kèm theo đó là việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bộ máy công quyền, nói rộng ra là trong cả hệ thống cán bộ, công chức hiện nay.

TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lo-mat-can-bo-dang-mung-hay-dang-lo-3393369/