Lộ lý do Trung Quốc giảm mua dầu Iran

Trung Quốc đã không còn phụ thuộc vào nguồn dầu Iran nhằm đứng ngoài các cuộc xung đột trong khu vực bất ổn.

Mới đây, Forbes đã có bài đánh giá cho thấy các sự kiện hỗn loạn ở rốn dầu mỏ thế giới Trung Đông đang khiến cho nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - Trung Quốc tìm cách tránh rắc rối.

Tàu chở dầu ở Thanh Đảo ở phía đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: Getty

Tàu chở dầu ở Thanh Đảo ở phía đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: Getty

Trung Quốc dường như nắm được thâm ý của Mỹ nhằm vào Iran trong chiến lược lâu dài của Tổng thống Donald Trump và kiên quyết rời xa thị trường này.

Tờ Vedomosti của Nga trước đó dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao dấu tên cho rằng, Iran sẽ tìm cách trả đũa các đòn thù của Mỹ sau vụ sát hại tướng Iran Qasem Soleimani bằng cách ngăn chặn vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz. Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) ước tính, khoảng 35% dầu lửa vận chuyển bằng đường biển đi qua đây, chiếm 20% dầu toàn thế giới đi qua eo biển chiến lược này. Và nếu Iran làm thật, kế hoạch của Tehran sẽ làm thay đổi thị trường và giá dầu thế giới.

Là một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhu cầu sử dụng dầu cực lớn, Trung Quốc không thể bị gián đoạn về dầu mỏ. Nước này được cho là đã hạn chế nhập khẩu dầu từ Iran trong bối cảnh khu vực trở nên căng thẳng. Chưa kể Bắc Kinh cũng phải chịu sức ép từ phía Mỹ để dừng hẳn nhập khẩu dầu trực tiếp từ Tehran.

Thay vì mua dầu từ Iran, Trung Quốc được cho là đã mua dầu Saudi Arabia. Reuters cho biết, Trung Quốc nhập 8,21 triệu tấn dầu thô của Saudi trong tháng 11, nâng tổng khối lượng lên 76,33 triệu tấn trong 11 tháng của năm 2019. Con số này cao hơn 53% so với cùng kỳ năm 2018.

Hai liên doanh lọc dầu là Hengli Petrochemical và Công ty hóa dầu Chiết Giang ở phía nam đã hỗ trợ các chuyến hàng thô từ Saudi.

Hai công ty này được cấp hạn ngạch 24,3 triệu tấn cho năm 2019 và dự đoán hạn ngạch cho năm 2020 sẽ được tăng lên nhiều thêm khi Bắc Kinh vừa nới lỏng hạn chế đối với các công ty tư nhân trong lĩnh vực năng lượng.

Cùng với đó, căng thẳng ở mặt trận Iran càng khiến Bắc Kinh xem xét việc né giao dịch ở khu vực bất ổn này. Đánh giá của Forbes cho rằng, Trung Quốc sẽ không cần đến Iran như trước đây nữa.

Trung Quốc nhập trên 70 triệu tấn dầu từ Nga chuyển qua biên giới, nguồn dầu thô lớn nhất của họ, và nhập trên 47 triệu tấn từ Iraq. Gần đây Trung Quốc phải từ bỏ nguồn dầu Venezuela do Venezuela bị cấm vận từ Mỹ.

Forbes đánh giá, đàm phán thương mại với Mỹ có tiến triển cũng tác động đáng kể đến việc Trung Quốc dè chừng các lệnh trừng phạt mà Mỹ ban hành.

Tuy nhiên, một chi tiết đáng chú ý là ngoài tăng nhập khẩu từ Saudi Arabia, Nga, Iraq, Trung Quốc cũng đã tăng nhập khẩu dầu thô từ Malaysia dù con số không nhiều. Tháng 10/2019, nhập khẩu dầu thô từ Malaysia của Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với năm trước, tăng 1,95 triệu tấn.

Các lô hàng dầu từ Malaysia là sản phẩm hỗn hợp tương tự như các sản phẩm của Venezuela và Iran.

Emma Li, nhà phân tích dầu cao cấp của Trung tâm phân tích Refinitiv cho rằng, Malaysia có thể là một điểm trung chuyển mặt hàng quan trọng này.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã nhập khẩu dầu thô từ Mỹ, từ 908.422 tấn vào tháng 10/2019 đến 517.982 tấn trong tháng 9/2019.

Iran tồn tại theo cách nào?

Iran đã mời Ấn Độ mua sản phẩm năng lượng của mình nhằm cố gắng thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, Iran hoàn toàn có khả năng cung cấp nhu cầu dầu mỏ của New Delhi, đảm bảo là đối tác hoàn toàn tin cậy.

"Để tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ cần nhiều năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng, vốn là một lĩnh vực mà Iran đặc biệt quan tâm. Tôi có thể đảm bảo rằng, các bạn không thể tìm thấy một đối tác năng lượng ổn định hơn, đáng tin cậy hơn Iran" - Ngoại trưởng Iran nói tại cuộc họp Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIFEO) hôm 16/1.

"Chúng tôi là nguồn năng lượng an toàn cho Ấn Độ" - Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh.

Mỹ đã tăng cường gây sức ép lên Ấn Độ để ngăn chặn nhập khẩu dầu thô từ Iran và New Delhi đã chấp hành một phần sức ép. Dẫu vậy, các quan chức Ấn Độ đang ngày càn bày tỏ mong muốn tiếp tục quan hệ mua bán với Iran, mua 300.000 thùng dầu Iran mỗi ngày.

Để bù vào lượng dầu giảm nhập từ Iran, Ấn Độ đã phải nhập khẩu dầu thô từ Mỹ với giá cao hơn nhiều.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/lo-ly-do-trung-quoc-giam-mua-dau-iran-3395350/