Lơ lửng nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ

Hiện thị trường vẫn chưa hết hoài nghi là liệu Trung Quốc có sử dụng 'vũ khí' tiền tệ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ...

Mỹ phản ứng vì nhân dân tệ giảm mạnh

Hôm 25/4, tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với USD tiếp tục được điều chỉnh giảm tới 149 điểm cơ bản xuống còn 6,8040 nhân dân tệ/USD. Trong phiên trước đó, tỷ giá tham chiếu cũng giảm 298 điểm cơ bản.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung liệu có dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ?

Đồng nhân dân tệ đã giảm liên tục kể từ đầu quý 2 trong bối cảnh đồng USD mạnh lên nhờ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Đà giảm càng thêm mạnh khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu đe dọa đến đà tăng trưởng vốn đã chậm lại đáng kể của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Tính chung, từ cuối quý 1 đến nay, đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 7% - mức giảm lớn nhất kể từ khi nước này bất ngờ phá giá đồng nội tệ vào năm 2015 khiến thị trường toàn cầu biến động mạnh. Đặc biệt, đồng nhân dân tệ đã giảm tới 5% sau 6 tuần giảm giá liên tục kể từ giữa tháng 6 đến nay. Hiện đồng nhân dân tệ đã xuyên thủng ngưỡng tâm lý quan trọng là 6,8 nhân dân tệ/USD và đang giao dịch ở sát mức 6,85 nhân dân tệ/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017.

Mặc dù, nhân dân tệ không phải là đồng tiền duy nhất suy yếu trước sự mạnh lên không ngừng của đồng USD trong thời gian gần đây. Thế nhưng mức độ sụt giảm mạnh của đồng tiền này đang làm dấy lên mối nghi ngờ rằng Trung Quốc đang sử dụng sự suy yếu của đồng nội tệ như một lợi thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Mối nghi ngờ càng lớn hơn khi mà mặc dù đồng nhân dân tệ đã xuyên thủng ngưỡng tâm lý quan trọng, thế nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy các cơ quan hữu quan nước này sẽ ra tay can thiệp như những lần trước đây.

Sự sụt giảm mạnh của đồng nhân dân tệ đã khiến Mỹ chú ý. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/7 đã chỉ trích việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc “rơi như một tảng đá” trong 6 tuần qua, đã đẩy Mỹ vào thế bất lợi. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng nói với Reuters hồi cuối tuần trước rằng, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ sẽ được xem xét trong báo cáo nửa năm của Bộ Tài chính về việc thao túng tiền tệ, với hạn chót đặt ra là ngày 15/10.

Phản ứng lại với những cáo buộc này, ngày 23/7 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết, tỷ giá nhân dân tệ chủ yếu được xác định bởi nhu cầu của thị trường. Hiện nay các nguyên tắc đối với kinh tế của Trung Quốc đang tiếp tục được cải thiện nhằm duy trì sự ổn định cho tỷ giá nhân dân tệ. “Trung Quốc không có ý định kích thích xuất khẩu thông qua cạnh tranh tỷ giá tiền tệ. Đó là ý kiến nhất quán của Trung Quốc”, vị này khẳng định.

Nguy cơ vẫn treo lơ lửng

Mặc dù vậy, hiện thị trường vẫn chưa hết hoài nghi là liệu Trung Quốc có sử dụng “vũ khí” tiền tệ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ sớm hết “vũ khí” thương mại nếu cuộc chiến này leo thang. Về lý thuyết, Mỹ có thể áp thuế lên tới 505 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tương đương với tổng giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2017.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ nên dư địa áp thuế trả đũa là không nhiều. Trong bối cảnh đó, rất có thể Trung Quốc phải sử dụng đến các loại “vũ khí” khác, có thể là tỷ giá.

Liên quan tới vấn đề này, hiện giới quan sát cũng đang bị chia rẽ. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, Trung Quốc sẽ không sử dụng “vũ khí” tỷ giá do cái giá của việc nhân dân tệ giảm mạnh cũng không hề nhỏ. Thứ nhất, đồng nhân dân tệ yếu hơn sẽ làm tăng căng thẳng thương mại với chính quyền Trump, vốn đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc giữ đồng nhân dân tệ thấp giả tạo để hỗ trợ xuất khẩu.

Thứ hai, việc phá giá đồng nhân dân tệ cũng có thể khiến thị trường Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn như thời điểm cuối năm 2015 đầu năm 2016 sau khi nước này bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ vào tháng 8/2015.

Thế nhưng, căng thẳng thương mại đang leo thang; trong khi có nhiều yếu tố khác vẫn đang tạo áp lực lớn đến đồng nhân dân tệ. Với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ hiện nay, Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất và điều đó sẽ hỗ trợ cho đồng USD bởi việc nắm giữ đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn.

“Sức hấp dẫn đang làm công việc của mình một lần nữa khi sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nới rộng”, Margaret Yang - một nhà phân tích tại công ty đầu tư CMC Markets cho biết. Câu hỏi đặt ra là nhân dân tệ có thể giảm bao nhiêu nữa?

Qi Gao - một nhà phân tích tiền tệ tại Scotia Bank kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ suy yếu thêm 2% so với đồng đôla. Theo ông, đó sẽ là thời điểm các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc buộc phải chặn lại đà rơi của đồng nội tệ. Bởi nếu đồng nhân dân tệ rơi quá nhanh, nó có thể khiến dòng vốn lại chảy mạnh ra khỏi Trung Quốc.

Trong khi đó, luồng ý kiến thứ 2 vẫn cảnh báo về nguy cơ của một cuộc chiến tiền tệ, bởi tỷ giá vẫn là một “vũ khí” lợi hại để hỗ trợ xuất khẩu khi mà các hàng rào thuế quan liên tục được dựng lên. Trên thực tế, hiện có nhiều đồng tiền đang sụt giảm khá mạnh so với USD, thế nhưng NHTW các nước này không hề có ý định sẽ ra tay hỗ trợ đồng nội tệ.

Trong khi đó, ngay cả Tổng thống Mỹ cũng không muốn đồng USD mạnh. Theo Viraj Patel - nhà chiến lược ngoại hối của ING, sự không chắc chắn về chính sách đồng USD của Nhà Trắng đang gieo mầm nghi ngờ mới vào các nhà đầu tư toàn cầu.

Ewald Nowotny – thành viên Hội đồng Thống đốc của ECB cũng cho rằng, chiến tranh thương mại toàn cầu có tiềm năng ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, dẫn đến hậu quả tiêu cực thêm.

“Những gì chúng ta vừa thấy bây giờ là chúng ta có những hiệu ứng khá thú vị đối với tỷ giá hối đoái”, Nowotny nói trong bài phát biểu mới đây tại Zurich. “Điều đó có nghĩa là ngoài cuộc chiến thương mại, chúng ta có thể có một thứ như chiến tranh tiền tệ. Ngay cả khi nó không phải là một cuộc chiến có chủ ý”.

Hoàng Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/lo-lung-nguy-co-ve-mot-cuoc-chien-tien-te-78221.html