Lo lắng về sự xuống cấp của đạo đức xã hội

Trong buổi chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 30-10, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan ngại đối với việc đạo đức xã hội, đạo đức gia đình xuống cấp hiện nay. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn đã cho rằng, để khắc phục được tình trạng này cần thời gian, và cần sự chung tay của toàn xã hội, cũng như nhiều bộ, ngành khác.

Sáng 30-10, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Quốc hội cũng đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Các đại biểu cũng nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Trong buổi sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn và nghe các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan.

Nói về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An - ảnh trên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và đạo đức gia đình, một vấn đề đang ở mức nghiêm trọng như vậy trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ: “Đây là một câu hỏi rất quan trọng, rất khó và có thể nói để thực hiện thì cần lâu dài. Và chúng ta khẳng định rằng, tại kỳ họp lần trước, tôi đã trả lời câu hỏi này và đến nay sự xuống cấp của đạo đức, xã hội vẫn diễn biến phức tạp”.

Nói về giải pháp, Bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Đảng và Nhà nước giao trách nhiệm tham mưu cho Đảng và Chính phủ để xây dựng con người mới và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong sự xuống cấp của đạo đức, xã hội. Bộ cũng đã tham mưu để Trung ương ban hành Nghị quyết 33, xây dựng và phát triển văn hóa con người, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Trong hai năm qua, Bộ cũng đã ban hành nhiều nghị định liên quan đến chấn chỉnh, quản lý lễ hội, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 110 quy định về quản lý, tổ chức lễ hội và Nghị định 122 quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa, bản văn hóa..., đã có nhiều quy định cụ thể về tiêu chí, quy trình để xét tặng các gia đình văn hóa, làm cho phong trào này đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn đại biểu.

Một giải pháp nữa là đẩy mạnh xây dựng đạo đức lối sống thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thể chế văn hóa, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng...

Bộ trưởng cũng đề cập đến giải pháp phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa, lịch sử, đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn hóa, nghệ thuật, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, làm sao để ngày càng có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức, phát huy tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, ý thức công dân của đội ngũ văn - nghệ sĩ. Bộ cũng đã tăng cường phối hợp liên ngành trong giáo dục đạo đức, lối sống phối hợp với ngành giáo dục đào tạo đưa di sản văn hóa vào trường học, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn và các tổ chức xã hội khác để xây dựng đạo đức lối sống; triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ 11 về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến năm 2020, chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, để khắc phục những biểu hiện xuống cấp của đạo đức lối sống, phải làm từng bước, quyết liệt và mạnh mẽ hơn, toàn xã hội phải vào cuộc. Lĩnh vực này có lẽ cũng xuất phát từ gốc là kinh tế. Nếu giải quyết vấn đề này mà bỏ lĩnh vực kinh tế sang một bên thì không giải quyết được. Đây là một vấn đề rất khó, rất cấp bách, nếu để một mình ngành văn hóa hoặc một số ngành loay hoay thế này, thời gian không có, kinh phí cũng rất ít.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội - ảnh trên) cho rằng, phú quý sinh lễ nghĩa nhưng tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. “Trước đây chúng ta còn nghèo, rất khó khăn, nhưng đạo đức xã hội vẫn được duy trì, văn hóa rất tốt. Bây giờ chúng ta thoát nghèo, thu nhập trung bình thì vấn đề nền tảng đạo đức của xã hội đang bị xuống cấp một cách trầm trọng. Đâu là nguyên nhân?” – đại biểu chất vấn.

Mặc dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trả lời bằng văn bản, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện vẫn có ý kiến giải thích lại. Bộ trưởng cho rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, Đảng đã nói văn hóa là gốc. Bộ trưởng nói: “Tôi không nói vấn đề đó, nhưng có thể đó là câu cuối nên đại biểu nghe không rõ. Từ trước đến nay, cứ nói đến vấn đề đạo đức xã hội là giao cho ngành văn hóa và các ngành xã hội. Gốc của vấn đề, nếu bây giờ chúng ta vẫn giữ quan điểm đó, vẫn xử lý vấn đề bằng cách đó thì việc khắc phục sự xuống cấp về đạo đức xã hội sẽ rất khó”.

Bộ trưởng chia sẻ: “Cả xã hội phải vào cuộc và chính sự xuống cấp của đạo đức xã hội xuất phát từ các ngành kinh tế, từ lĩnh vực kinh tế. Cho nên chúng ta phải xử lý ở các lĩnh vực này, không chỉ có xã hội, còn nếu như vẫn để cho mỗi ngành văn hóa và các ngành cứ loay hoay thì không giải quyết được”.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong phân bổ ngân sách, kể cả các địa phương, có thể nói dành cho ngành văn hóa rất ít. Trong ba năm vừa rồi, ngân sách cho bảo tồn di sản phi vật thể cấp qua Bộ chỉ được 7,3 tỷ đồng. “Tôi nêu một thí dụ để thấy, nếu không có những giải pháp đồng bộ, đến nhiệm kỳ sau, ai làm Bộ trưởng cũng sẽ tiếp tục bị chất vấn, lại vấn đề đạo đức xã hội hoặc kỳ họp sau tôi cũng có thể bị chất vấn tiếp. Đương nhiên việc này không thể giải quyết một sớm một chiều”.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/38083802-lo-lang-ve-su-xuong-cap-cua-dao-duc-xa-hoi.html