Lơ là với 'giặc'

Tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (TLCP) đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh các bộ ngành, địa phương phải quán triệt chủ trương 'chống dịch như chống giặc', không chỉ ở nơi có dịch mà cả ở các địa phương chưa có dịch. Đến nay, sau hơn 2 tháng, dịch TLCP đã trở lại và đe dọa tiếp tục bành trướng.

Bệnh TLCP có một đặc tính rất nguy hiểm là mặc dù không lây sang người, nhưng khi có 1 con bị bệnh thì cả đàn cũng sẽ nhiễm bệnh mà chết. Bệnh chưa có vắc xin để tiêm phòng. Hơn nữa, tốc độ lây lan dịch cũng rất nhanh chóng. Nếu như tại thời điểm diễn ra hội nghị chống dịch lần trước mới có 7 tỉnh, thành phố có dịch TLCP, thì đến hội nghị hôm 13/5 vừa rồi, dịch đã lan ra 29 tỉnh thành, trong đó có một số tỉnh trước đó đã công bố hết dịch. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch TLCP, bệnh đã xảy ra tại gần 2.300 xã (chiếm 40% tổng số xã trên cả nước), số lợn nhiễm bệnh và tiêu hủy đã lên đến hơn 1,2 triệu con (chiếm khoảng 4% tổng số lợn nuôi).

Tại khu vực phía Nam, ba tỉnh thành vừa phát hiện dịch là Bình Phước, Đồng Nai và Hậu Giang, đe dọa tiếp tục lây lan sang các tỉnh thành khác nếu các giải pháp khoanh vùng dập dịch không được thực hiện kịp thời và hiệu quả. Tại Đồng Nai, bệnh TLCP đã xuất hiện tại các hộ chăn nuôi thuộc 5 xã của 3 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu. Được coi là thủ phủ của ngành nuôi lợn cả nước với tổng đàn khoảng 2 triệu con, cung cấp hơn 45% lượng thịt lợn cho TP Hồ Chí Minh, nếu như Đồng Nai "thất thủ" thì nguy cơ thiếu thịt là hiện hữu.

TP Hồ Chí Minh lo ngại các điểm giết mổ lợn trái phép góp phần làm dịch bệnh lây lan. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức.

TP Hồ Chí Minh lo ngại các điểm giết mổ lợn trái phép góp phần làm dịch bệnh lây lan. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức.

Ngay từ tháng 8 năm ngoái, khi DTLCP xuất hiện ở Trung Quốc, Việt Nam đã có ý thức phòng dịch. Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các kịch bản đối phó. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là ngoài những việc đã làm được, công tác chống dịch ở các địa phương thời gian qua vẫn thiếu hiệu quả. Một số địa phương chưa chủ động. Các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là dẫn đến trường hợp người dân bán "chạy" lợn đã nhiễm bệnh, càng làm dịch bệnh lây lan.

Điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi lợn ở nước ta vẫn là quy mô manh mún, nhỏ lẻ; phương pháp chăn nuôi thủ công nên việc triển khai các công tác thú y gặp nhiều khó khăn. Đa số các đàn lợn chỉ có vài chục đến vài trăm con. Với các đàn nhỏ, người dân còn tận dụng thức ăn dư thừa để chăn nuôi, như một nguồn phát tán dịch bệnh. Hơn nữa, các cơ sở giết mổ, mạng lưới phân phối không tập trung càng tiếp tay cho dịch bệnh lan rộng.

Thế nhưng nguyên nhân chủ quan từ phía chính quyền các cấp cũng đóng một phần không nhỏ. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy nhiều địa phương vẫn chưa chú trọng, thậm chí còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y. Một số địa phương lơ là giám sát, không nắm được tình hình, báo cáo chậm hoặc không báo cáo tình hình dịch bệnh. Công tác hỗ trợ người chăn nuôi tiêu hủy lợn, dập dịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc tiêu hủy không theo đúng quy định. Một số nơi người dân quăng lợn chết ra đồng ruộng, kênh rạch…

Những chương trình, kế hoạch, phương án, các cuộc hội nghị, họp bàn liên tục, cho thấy ngành chăn nuôi và ngành thú y đã có sự chủ động và nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch TLCP. Tuy nhiên, từ kế hoạch tới thực tế còn rất nhiều vấn đề cần được khắc phục. Công tác phối hợp với các địa phương còn lỏng lẻo. Ngân sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, cho cán bộ thú y còn thiếu thốn, khiến nhiều nơi cán bộ căng sức xử lý các đàn lợn nhiễm bệnh nhưng không xuể.

Về phía người dân, lợi ích cá nhân và sự thiếu hiểu biết cũng đang tiếp tay cho dịch TLCP lây lan. Người chăn nuôi thì tranh thủ bán "chạy" lợn nằm trong vùng nguy cơ nhiễm bệnh, người tiêu dùng thì vẫn chủ quan giữ thói quen mua thịt lợn vừa giết mổ của các cơ sở không có dấu kiểm dịch, để rồi nguồn thức ăn thừa nhiễm bệnh có thể sẽ bị thu gom cho các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Lúc này, câu chuyện ý thức của mỗi cá nhân và cộng đồng lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Vũ Hội

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/lo-la-voi-giac-20190517115423557.htm