Lo kinh phí chống dịch tả lợn

Kể từ khi bùng phát hồi tháng 2/2019, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 24/24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi của Hà Nội, khiến trên 10% tổng đàn lợn toàn TP bị tiêu hủy. Trong khi đó, một số địa phương đang cạn dần kinh phí hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.

Sử dụng hết quỹ dự phòng vẫn chưa đủ

Ngày 4/3, huyện Đông Anh ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Thụy Lâm. Đến nay, sau gần 3 tháng, toàn bộ 100% xã, thị trấn của huyện đã xuất hiện dịch bệnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy do dịch tả hiện đã lên tới trên 15.000 con, chiếm khoảng 20% tổng đàn lợn của huyện. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngay từ khi phát sinh dịch tả lợn, huyện Đông Anh đã chủ động bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đến nay, tổng kinh phí đã chi cho công tác khống chế dịch lên tới trên 59 tỷ đồng.

Trong đó, riêng chi hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy chiếm khoảng 47 tỷ đồng. Điều đáng nói, con số này đã vượt tổng kinh phí dự phòng của địa phương là 56,625 tỷ đồng. Hiện, huyện Đông Anh đang rất khó khăn trong việc cân đối các nguồn ngân sách khác để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

"Các địa phương có thể chủ động sử dụng kinh phí dự phòng để thực hiện kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, rồi hoàn thiện sau các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, chỉ cần chi vượt quá 50% tổng ngân sách dự phòng là các quận, huyện, thị xã có thể báo cáo Sở Tài chính, trình UBND TP Hà Nội xem xét, cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ. " - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà

Tương tự tại huyện Sóc Sơn, sau hơn 2 tháng bùng phát, đến nay toàn huyện đã có 26/26 xã, thị trấn có lợn bị dịch tả châu Phi. Số lợn phải tiêu hủy đã lên tới trên 45.000 con, chiếm khoảng 40% tổng đàn lợn của huyện. Địa phương cũng đã chủ động bố trí ngân sách dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh, tổng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch tả lợn trên địa bàn đến nay khoảng 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí dự phòng cấp huyện chỉ có... 47 tỷ đồng.

Bảo đảm kinh phí phòng, chống dịch

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ lây lan nhanh. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, dịch tả lợn châu Phi chưa thể được khống chế trong ngày một ngày hai. Số lợn phải tiêu hủy dự kiến sẽ còn tăng cao. Điều này đồng nghĩa, không chỉ hai huyện Sóc Sơn và Đông Anh, mà sẽ có thêm nhiều địa phương khác rơi vào tình cảnh cạn nguồn kinh phí dự phòng cho công tác khống chế dịch tả lợn châu Phi. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết,

thời gian qua, khi kinh phí dự phòng không còn, huyện rất cố gắng cân đối các nguồn khác từ ngân sách địa phương để bảo đảm công tác phòng, chống dịch tả lợn. Tuy nhiên, về lâu dài, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của TP.

Liên quan tới công tác hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã giao Sở Tài chính, Sở NN&PTNT phối hợp, xây dựng quy trình, thời điểm, cách tính định mức và giá hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy, bảo đảm công khai, minh bạch. Đối với các địa phương có mức chi cho công tác khống chế dịch tả lợn châu Phi vượt quá nguồn kinh phí dự phòng, cần kịp thời có văn bản báo cáo đề xuất các sở, ngành trình UBND TP Hà Nội xem xét hỗ trợ, bảo đảm không để thiếu nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lo-kinh-phi-chong-dich-ta-lon-344200.html