Lỗ hổng trong quản lý cách ly khiến dịch Covid-19 bùng phát

Những lỗ hổng trong quản lý tại khu cách ly tập trung và người sau khi kết thúc cách ly là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra đợt bùng phát dịch Covid-19.

Từ giữa tháng 4, khi dịch Covid-19 tại Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi tập trung toàn lực thắt chặt biên giới Tây Nam và kích hoạt lá chắn ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.

Người nhập cảnh trái phép lúc này được xem là nguy cơ cao nhất khiến dịch lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, ngày 27/4, lễ tân khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái) đã nhiễm virus SARS-CoV-2 do tiếp xúc đoàn chuyên gia Ấn Độ cách ly tập trung tại đây, bắt đầu đợt bùng phát dịch mới tại Việt Nam.

Như vậy, lỗ hổng gây bùng phát dịch trong cộng đồng tại Việt Nam từ cuối tháng 4 đến nay thực tế lại xuất phát từ khu cách ly tập trung và những người nhập cảnh qua đường chính ngạch.

Lỗ hổng lớn trong quản lý khu cách ly

Nam lễ tân Khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái) và đoàn chuyên gia Ấn Độ là chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, đánh dấu bước chuyển biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Trước đó, lúc 2h ngày 18/4, khách sạn tiếp nhận đoàn chuyên gia Ấn Độ gồm 11 người nhập cảnh sân bay Nội Bài. Đến ngày cách ly thứ 8, lễ tân phục vụ tại khách sạn tiếp xúc đoàn chuyên gia này dương tính với SARS-CoV-2.

Điều chúng ta có thể nhận thấy rõ là đã xảy ra sơ sót trong quản lý người cách ly tập trung tại khách sạn này.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu

Đoàn công tác của Bộ Y tế đã khẩn cấp đến Yên Bái để rà soát lỗ hổng cách ly tại khu cách ly tỉnh Yên Bái. Trong khi đại diện Yên Bái khẳng định quy trình quản lý, cách ly các chuyên gia nhập cảnh được thực hiện rất nghiêm túc, thực tế, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kết luận khu cách ly của tỉnh còn tồn tại nhiều vấn đề, hạn chế về cơ sở vật chất cũng như quy trình hoạt động, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo.

Tuy nhiên, lỗ hổng trong khu cách ly chưa dừng lại.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (phải) trực tiếp kiểm tra khu cách ly của Khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái) sau sự cố lây nhiễm giữa đoàn chuyên gia Ấn Độ sang nhân viên lễ tân. Ảnh: Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (phải) trực tiếp kiểm tra khu cách ly của Khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái) sau sự cố lây nhiễm giữa đoàn chuyên gia Ấn Độ sang nhân viên lễ tân. Ảnh: Bộ Y tế.

Ngày 30/4, một người trong đoàn 5 chuyên gia Trung Quốc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi trở về nước. Đáng chú ý, đoàn chuyên gia người Trung Quốc cũng được cách ly tập trung tại Khách sạn Như Nguyệt 2, tỉnh Yên Bái, cùng khu cách ly với đoàn chuyên gia Ấn Độ.

Hiện chưa có kết luận chính xác có hay không việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly tại khách sạn ở Yên Bái. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, điều chúng ta có thể nhận thấy rõ là đã xảy ra sơ sót trong quản lý người cách ly tập trung tại khách sạn ở Yên Bái.

Lỗ hổng trong quản lý người kết thúc cách ly

PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh điều đáng lo ngại nhất là sau khi kết thúc cách ly tập trung, chuyên gia Trung Quốc đã đi nhiều nơi, đến nhiều tỉnh, thành phố và tiếp xúc nhiều người. Đặc biệt, quán bar, karaoke, vũ trường…, là những môi trường lây nhiễm phức tạp.

Từ ca bệnh này, chỉ trong 2 ngày, tỉnh Vĩnh Phúc xác định 14 người nhiễm SARS-CoV-2. Điều này cho thấy tỷ lệ, tốc độ lây nhiễm tại ổ dịch này khá cao.

Liên quan chùm ca nhiễm tại Hà Nam, các chuyên gia đánh giá việc giao - nhận người hoàn thành cách ly và theo dõi y tế đối với người sau cách ly tại địa phương có lỗ hổng lớn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhấn mạnh: "Chúng ta đã có quá nhiều bài học liên quan quản lý người cách ly tập trung, giám sát tại cách ly tại nhà, nhưng dường như chưa đủ răn đe?".

Nhân viên y tế tại TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho người dân trong khu hẻm ở quận Bình Tân, nơi bệnh nhân Covid-19 từng đến. Ảnh: Hoàng Giám.

Chuyên gia này cho biết đợt bùng phát dịch tại TP.HCM liên quan tiếp viên Vietnam Airlines là bài học cảnh báo rằng dịch Covid-19 có thể bùng ngay cả ở nơi chúng ta tự tin nhất là khu cách ly tập trung người nhập cảnh chính ngạch.

Đối với ổ dịch tại tỉnh Hà Nam, bác sĩ Khanh cho rằng bệnh nhân 2899 (nam, 28 tuổi, dương tính nCoV sau khi kết thúc cách ly tập trung tại Đà Nẵng) đã không tuân thủ quy định theo dõi, giám sát sức khỏe tại nhà.

Bằng chứng là sau khi hoàn thành cách ly tập trung, bệnh nhân đã di chuyển rất nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người trong các bữa tiệc, liên hoan.

Chúng ta ngay lập tức xem xét lỗ hổng nằm ở đâu và kịp thời vá lại, điều chỉnh cách quản lý, thái độ chấp hành của người cách ly.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

“Lỗ hổng khác chính là việc giám sát của cơ quan y tế địa phương. Đó là khi người kết thúc cách ly tập trung có biểu hiện sốt, ho, đã khai báo y tế từ 24/4 nhưng 4 ngày sau, bệnh nhân mới được lấy mẫu xét nghiệm”, bác sĩ Khanh nói thêm.

Hiện Hà Nam đã đình chỉ công tác 15 ngày đối với Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân và Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý, vì chưa xử lý và giải quyết kịp thời trường hợp bệnh nhân 2899, dẫn đến dịch lan ra cộng đồng. Vị trạm trưởng này cũng phải cách ly do thuộc diện F1.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng trước đây, chúng ta yên tâm vì Chính phủ ra quyết định cách ly tuyệt đối những trường hợp nhập cảnh chính ngạch. Tuy nhiên, những trường hợp này chiếm tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 rất cao, thậm chí mang cả biến chủng mới. Do đó, nếu không cách ly tuyệt đối và quản lý nghiêm ngặt, họ sẽ trở thành nguồn nhiễm trong cộng đồng.

“Sai sót không nằm ở quy trình và phương pháp cách ly mà vấn đề ở người thực hiện. Chúng ta cần ngay lập tức xem xét lỗ hổng nằm ở đâu và kịp thời vá lại, điều chỉnh cách quản lý, thái độ chấp hành của người cách ly”, bác sĩ Khanh nói.

Rà soát lỗ hổng trong xét nghiệm SARS-CoV-2

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), cho rằng kết quả âm tính giả, dương tính giả trong xét nghiệm SARS-CoV-2 là khả năng có thể xảy ra và cần nghiêm túc xem xét vấn đề này. Bởi nếu xảy ra kết quả âm tính giả sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Sai sót trong việc xét nghiệm SARS-CoV-2 dẫn đến kết quả dương tính giả, âm tính giả sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Thuận Thắng.

Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sai sót trong xét nghiệm SARS-CoV-2. Đầu tiên là sai sót trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm của nhân viên y tế. Đây là nguyên nhân chủ quan nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm.

Thứ 2 là kit test xét nghiệm chưa có sự đồng nhất. Điều này là do các loại kit test được sản xuất từ nhiều hãng khác nhau, do đó, sẽ dẫn đến chất lượng không đồng nhất. Ngoài ra, yếu tố quản lý môi trường xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm…, cũng có thể khiến kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng.

Chuyên gia này nhấn mạnh tính giả trong xét nghiệm là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế cần xem xét cơ chế giám sát, cấp phép nghiêm ngặt labo xét nghiệm khẳng định; giám sát các phòng xét nghiệm nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định về chuyên môn, kỹ thuật. Việc giám sát này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lo-hong-trong-quan-ly-cach-ly-khien-dich-covid-19-bung-phat-post1211237.html