Lỗ hổng trong phòng cháy di tích lịch sử

Tại Việt Nam, rất nhiều di tích đình, chùa cổ có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn do tồn trữ nhiều vật liệu dễ cháy như cột gỗ, nhang đèn, dầu lửa… Trên thực tế, đã có nhiều di tích từng bị cháy khiến những hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử đã không thể phục hồi. Từ vụ cháy nhà thờ Đức bà Paris, Pháp cách đây không lâu, một lần nữa khiến chúng ta cũng cần phải nhắc lại vấn đề này trong bảo tồn các di tích lịch sử của đất nước.

Tại chùa Tĩnh Lâu, Hà Nội - một ngôi chùa cổ có từ thời Lý đã mất đi rất nhiều các hiện vật quan trọng trong một vụ cháy cách đây 3 năm. Tất cả những gì còn sót lại của vụ cháy đó giờ chỉ là một đống đổ nát như thế này. Quá đủ để khiến người ta tiếc nuối cho một di sản quý.

Thực tế ở chùa Tĩnh Lâu cũng đang là điểm chung của rất nhiều những di tích khác ở nước ta hiện nay. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, rồi thắp hương, thắp đèn dầu… Tất cả những yếu tố đó đủ để gây ra một vụ hỏa hoạn. Thế nhưng chưa bao giờ, nguy cơ ấy được những người làm quản lý di tích nghĩ đến.

Vụ cháy nhà thờ Đức bà Paris của Pháp khiến cả thế giới bàng hoàng xảy ra cách đây chưa lâu, càng làm cho các nhà nghiên cứu di sản ở nước ta thêm lo lắng. Đó thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh về việc bảo tồn các di sản văn hóa. Phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây cũng thẳng thắng thừa nhận, việc phòng cháy tại các di tích ở nước ta hiện nay vẫn còn quá nhiều lỗ hổng.

Tại các nước phát triển, công tác số hóa di sản dạng 3D phát triển mạnh mẽ giúp dễ dàng khôi phục lại các di tích cổ khi bị hỏng hoặc mất đi. Nhưng tại nước ta, tỷ lệ các di sản được số hóa là con số vô cùng khiêm tốn. Cùng với đó là công tác phòng cháy chưa được chú trọng càng làm tăng nguy cơ các di sản bị mất đi vĩnh viễn. Hoặc sẽ chỉ còn như bức tượng Phật bà này, mà trụ trì chùa Tĩnh Lâu đã giữ lại như một cách nhắc nhở về bài học đắt giá 3 năm trước.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/lo-hong-trong-phong-chay-di-tich-lich-su